![]() |
Anh Ngô Việt Hưng trong chuyến đi Úc hồi tháng 3/2025, tham gia vận hành giải đua F1. |
Vinh dự, áp lực trong lần đầu "thực chiến" tại đường đua F1 Úc
Giữa tháng 3 vừa qua, anh Ngô Việt Hưng, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Ô tô Thể Thao Việt Nam đã có chuyến đi vô cùng ý nghĩa sang Úc, tham gia điều hành Giải đua Ô tô Công thức 1 Úc 2025 (Formula 1® Rolex Australian Grand Prix 2025 - F1) danh giá. Với cá nhân anh, chuyến đi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
“Đây là lần thứ hai tôi được vinh dự tham gia vận hành giải đua F1 ở trường đua Albert Park Melbourne, Úc, với vị trí là người vận hành tín hiệu cờ và đèn ở trên trường đua”, anh Hưng nói.
![]() |
Anh Hưng cho biết chuyến đi Úc mang lại nhiều cảm xúc. |
Theo anh Hưng, chuyến đi này có những cảm xúc đặc biệt bởi anh được trực tiếp “thực chiến” tại đường đua. Năm 2019, anh cũng góp mặt tại giải nhưng được sắp xếp làm việc trong nhà điều hành, quan sát, học tập trở thành trợ lý cho Giám đốc trường đua. Chính vì thế, trải nghiệm vừa rồi mang lại nhiều bất ngờ và vinh dự.
Chặng đua F1 Úc là chặng đua mở màn cho một chuỗi 24 chặng đua trong năm 2025 sẽ tổ chức trên khắp thế giới. Đây cũng là chặng đua có số lượt khán giả xem đông nhất so với tất cả các chặng còn lại, với 465 ngàn lượt khách mua vé vào xem trong 4 ngày. "Vì thế, việc đảm bảo cho chặng đua danh giá nhất thế giới được diễn ra an toàn và công bằng là một thách thức rất lớn, vì vậy được học tập và thử nghiệm kiến thức, kỹ năng điều hành là một cơ hội rất quý hiếm để sau này có thể áp dụng cho các giải đua ô tô thể thao ở Việt Nam”, anh Hưng tâm sự.
![]() |
Anh Ngô Việt Hưng trong lần tham quan tập huấn đầu tiên năm 2019 tại trường đua F1 Úc. |
Đồng hành cùng anh Hưng trong chuyến đi vừa rồi còn có một thành viên nữa, cùng thuộc Hiệp hội Ô tô Thể Thao Việt Nam. Vượt qua những trở ngại về lệch múi giờ, anh Hưng tiết lộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong lần đầu trực tiếp điều hành giải đua, khi trải qua 5 ngày làm việc với cường độ cao.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là chưa quen với môi trường làm việc cũng như các yêu cầu của vị trí”, anh chia sẻ.
Theo thành viên điều hành giải đua F1, suốt thời gian làm giải bên Úc, anh đều dậy trước 5h sáng để chuẩn bị và di chuyển đến trường đua. 6h30 cả team đã phải có mặt ở vị trí của mình và trực ở đó cho đến khoảng 18h30 tối.
“Hầu hết thời gian là đứng. Cá nhân tôi dù có sức khoẻ tốt nhưng hai ngày đầu vẫn thấy rất khó khăn vì việc phải đứng quá nhiều. Tuy nhiên, những ngày sau tôi duy trì được sự bền bỉ hơn so với đa số mọi người trong team, nhất là trong những ngày nắng nóng cỡ khoảng 35 độ. Người Phương Tây họ chịu nắng nóng kém hơn người Việt chúng ta", anh trải lòng.
![]() |
Anh Hưng có 5 ngày làm việc với cường độ cao tại giải. |
Trước đó, do đã từng được Hiệp hội Ô tô Thể thao Úc đào tạo năm 2019, 2020 vào nhiều vị trí khác nhau trong giải đua, anh Hưng không cần phải qua đào tạo trước mà chỉ cần đọc các tài liệu được gửi đến trước giải. Trong giải, anh cũng nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên điều hành người Úc, vừa làm vừa hướng dẫn, giải thích.
So sánh với giải đua F1 năm 2019, anh Hưng được ngồi cạnh Giám đốc trường đua trong Nhà điều hành đua để quan sát, học tập cách mà họ điều hành giải, với mục tiêu cao nhất là làm sao cho an toàn, đúng thời gian từng giây phút theo kế hoạch đã đặt ra. Lần này, anh đảm nhận nhiệm vụ Vận hành cờ hiệu và đèn ở góc cua số 2 cạnh đường đua, chỉ đứng nguyên một vị trí, xem xe đua tại một góc nhưng cảm nhận trực tiếp bầu không khí sôi động của khán giả, sức ép khủng khiếp tạo ra mỗi khi một chiếc xe đua phóng qua. Bên cạnh đó là áp lực phải thực hiện yêu cầu công việc một cách chính xác.
"Giải đua F1 là giải đua hấp dẫn nhất hành tinh vì Ban tổ chức, Ban điều hành của giải luôn đặt các mục tiêu, tiêu chuẩn cao nhất về mặt tốc độ, công nghệ, an toàn cũng như tính giải trí của bộ môn đua xe ô tô thể thao. Ngoài các yếu tố trên thì việc hiện diện ở 21 nước trên thế giới cũng làm cho sức hấp dẫn của giải đua mang tính toàn cầu không kém gì các môn thể thao truyền thống như bóng đá, tennis. Đây là yếu tố khiến giải đua F1 trở nên thành công và có lịch sử dài lâu đến vậy", anh Hưng nhận định.
Đau đáu giấc mơ
Từng hào hứng chuẩn bị mọi thứ để tham gia điều hành chặng đua F1 tại Mỹ Đình, giấc mơ của anh Hưng và nhiều anh em đam mê đua xe thể thao bỏ ngỏ vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào có cơ hội, anh Hưng luôn tìm cách để được góp mặt, tham dự và học hỏi ở giải đua hấp dẫn nhất hành tinh.
Đầu tháng 12 năm ngoái, anh Hưng đã liên hệ Quản lý trường đua F1 Úc để được tham gia giải đua. Đơn đăng ký được 4 thành viên điền vào 9/12 và đến ngày 10/12 thì nhận giấy mời chính thức.
"Đây là lần đầu tiên từ sau đại dịch Covid và huỷ sự kiện đua ô tô F1 ở Mỹ Đình, một đoàn tình nguyện viên của Việt Nam, đại diện cho Hiệp hội Ô tô Thể thao Việt Nam sang Úc tham gia điều hành giải đua”. anh Hưng chia sẻ.
"Cá nhân tôi nghĩ vẫn còn nguyên cơ hội đăng cai tổ chức chặng đua F1 tại Việt Nam vào các năm tới. Vấn đề lớn nhất ở đây có lẽ là sự quan tâm của các cấp chính quyền và mạnh thường quân tài trợ cho giải. Chúng ta đã có sẵn sàng phương án, kế hoạch, con người và một trường đua từ năm 2020. Giờ là lúc cần phải vận động các nguồn lực xã hội để thực hiện giấc mơ mà chúng ta đã chẳng may bỏ lỡ", anh nói.
![]() |
Một góc sân đua giải F1 tại Úc. |
Sau chuyến đi, anh “vỡ” ra nhiều điều từ công tác tổ chức giải F1, một giải đấu mà theo anh, mang tính hình mẫu cho tất cả các giải đua ô tô khác trên thế giới.
“Khác biệt lớn nhất là tính chuyên nghiệp, việc tổ chức phân cấp điều hành. Ai ở đâu, mặc áo gì, đứng chỗ nào, được phép liên lạc với ai đều được tính toán rất kỹ lưỡng. Vì vậy, lúc giải đua diễn ra mọi thứ đều được điều hành suôn sẻ theo đúng kế hoạch và đạt các tiêu chuẩn an toàn đã đề ra", anh Hưng chia sẻ.
"Để lựa chọn một yếu tố mấu chốt mà F1 khác biệt và ở tầm cao hơn các giải khác thì tôi cho là họ đã khơi gợi được tình yêu, niềm đam mê với bộ môn đua ô tô thể thao ở những người tham gia vận hành giải, cả vị trí có lương và tình nguyện. Tất cả mọi người đều làm việc, thực hiện nhiệm vụ với một tinh thần trách nhiệm cao, vui vẻ và hoà đồng. Việc chỉ huy gần 1.000 tình nguyện viên làm đúng nhiệm vụ được giao, an toàn không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, ban điều hành giải đã làm rất tốt".
![]() |
Những thành viên trong đội vận hành giải đua F1 Úc. |
Từng tham gia khoá đào tạo để điều hành giải đua F1 tổ chức tại Việt Nam năm 2020 (giải sau đó bị huỷ vì dịch Covid -19), anh Hưng cảm nhận rõ sự khác biệt giữa hai đường đua.
“Albert Park là một cái công viên, có một cái hồ dài ở giữa, vì vậy các góc cua ở trường đua này khá mềm mại, tương đối rộng, tạo điều kiện cho các xe đua có thể đạt tốc độ cao ở các góc cua. Trường đua ở Mỹ Đình có một đoạn thẳng dài hơn do đó tốc độ tối đa có thể đạt được là cao hơn”.
Tuy nhiên, thành viên ban điều hành giải đua F1 Úc đánh giá để tạo được sức nóng cho khán giả theo dõi thì thiết kế trường đua Albert Park làm tốt hơn.
“Albert Park có không gian rất rộng nhờ tận dụng diện tích từ một cái công viên, rất thuận lợi cho việc tổ chức cho khán giả xem trực tiếp tại trường đua trong khi đó trường đua Mỹ Đình thì sử dụng khá nhiều đường phố vì vậy không gian dựng khán đài cho khán giả là không có nhiều".
Là người tổ chức - điều hành giải đua offroad và giải gymkhana tại Việt Nam, anh Hưng cho hay đã học được khá nhiều kiến thức, quy trình và công nghệ mới trong chuyến đi lần này.
“Có một vài thứ có thể áp dụng được ngay ví dụ như việc công bố các thông tin tài liệu của giải đua qua một app trên điện thoại để các thành viên, vận động viên không cần phải cầm giấy, điều lệ, sổ theo người. Ngoài ra tôi cũng sẽ góp ý để điều chỉnh về mặt trang phục cho các thành viên ban điều hành, vận động viên”.
Phương Huyền