Chảo lửa Đồng Mô, cách đây ba năm, trong lần đầu tác nghiệp tại đường đua số 7, mắt tôi mờ đi trước những cơn bão bụi. PVOIL VOC 2019 là mùa giải nắng gay gắt cả hai ngày thi đấu, thời tiết như muốn vắt kiệt thể lực các tay đua. Đang loay hoay tìm chỗ mát gần khu vực chấm điểm, đột nhiên, từ trong những lớp bụi dày đặc, một nữ vận động viên dáng vẻ nhanh nhẹn xuất hiện. Mấy phút trước, chị còn ở bên trong chiếc xe đua đang nhảy chồm chồm vượt chướng ngại vật. Vậy mà giờ đây đứng trước mặt tôi, chị để lộ nụ cười tươi rói, vỗ vai khích lệ các vận động viên sắp thi đấu. Dường như sự khắc nghiệt ở đường đua offroad không thể làm chị "héo" đi dù chỉ một chút.
Khoảnh khắc ấy khiến tôi ấn tượng, trong đầu nhất định phải tìm hiểu xem chị là ai. Tuy nhiên, hai mùa sau đó, nữ tay đua có nụ cười toả nắng này dường như biến mất. Tại PVOIL VOC 2022, thật may mắn khi tôi được gặp chị và cả người đồng đội năm ấy. Cặp giống - chã đặc biệt mà tôi đang nói tới chính là Vinh Lê - Trang Đặng.
Vinh Lê - Trang Đặng lên ngôi vô địch hạng Cơ bản tại VOC 2017 |
Liên tục dành thứ hạng cao tại ba mùa liên tiếp, nhất Hạng Cơ bản VOC 2017, nhì Hạng Cơ bản VOC 2018, top 4 PVOIL VOC 2019, nữ tay đua tiết lộ bí quyết chính là sự tuân lệnh tuyệt đối với chiến lược thi đấu của chồng mình.
Trên đường đua là vậy nhưng ở nhà, Trang Đặng có vẻ chiếm thế áp đảo. Suốt buổi trò chuyện, chị chia sẻ rất nhiều, anh Vinh Lê chỉ nhìn "nóc nhà" rồi cười, thi thoảng thêm vài câu. Hỏi vì sao lại kiệm lời thế, lái chính đội vô địch VOC 2017 chia sẻ: Nhà một người nói là đủ rồi!
Năm nay Vinh Lê - Trang Đặng tái xuất đường đua PVOIL VOC 2021 ở hạng Cơ bản. |
- Năm nay SUV-Vinhle- PVC vào số báo danh bao nhiêu?
- Trang Đặng: Năm nay đội mình bốc vào số 229, số này không đẹp lắm. Như mọi năm số này ngày đầu thi cuối, tối không nhìn thấy gì, ngày hai thì thi đầu tiên. Mà thi đầu thì hồi hộp, không biết đường thi ra sao nữa.
- Hai năm liên tiếp, 2020-2021 Trang Đặng vắng mặt tại đường đua VOC, vì sao vậy?
- Trang Đặng: Vợ chồng mình thi với nhau ba năm liền từ 2017 đến 2019, năm 2020-2021 mình bầu nghỉ sinh nên không tham gia. Có anh Vinh Lê năm 2020 thi nâng hạng Nâng cao, hạng này nặng quá mình không chơi được.
Trang Đặng tại đường đua VOC 2017 |
- Tái xuất đường đua khi vừa ở cữ xong, vậy có sớm quá với chị không?
Trang Đặng: Mình thấy cũng hơi sớm, nhưng anh nhà bảo tham gia đi, vì đây là giải kỷ niệm 15 năm VOC ra đời, nếu năm nay không đua thì phải đợi thêm 15 năm nữa mới có dịp đặc biệt như thế này.
Thực ra mình đâu có biết, hôm anh tag mình vào facebook viết "lại đưa vợ vào đường đua” mình mới ngỡ ngàng. Sáng anh xin chứng minh thư vợ, mình bận nên không hỏi lại, chiều mở facebook ra anh cho mình vào sự đã rồi. Mình bảo anh tìm chã khác đi chứ mấy năm nay không tham gia rồi, và cũng không quen đi xe số nữa, sinh con xong sức khoẻ cũng xuống. Thế mà anh nhất định bảo nếu là chã khác anh không thi đâu.
Anh thuyết phục mình tham gia thi giải này kỷ niệm, không gây áp lực phải đạt giải hay top mấy, chỉ cần chơi sao cho mọi người thấy hay là được.
- Hình như lần nào thi anh cũng cho chị vào "sự đã rồi" phải không?
- Trang Đặng: Ban đầu mình không có ý định thi đấu gì, chỉ cùng anh đi nhiều cung đường thấy thích. Năm 2017 anh tự nhiên rủ đi thi cho vui. Mình bảo anh là không đi được vì thi khác chơi, khắc nghiệt lắm, làm chã đòi hỏi kỹ năng, sức khoẻ. Nhưng anh bảo thi chơi cho vui, không áp lực nên mình tham gia.
Vinh Lê: Mình vào PVC (câu lạc bộ bán tải địa hình Việt Nam) từ cuối 2015, hay đi chơi với anh em trong đó. Năm 2016 còn một tuần nữa định thi VOC nhưng đăng ký muộn nên lỡ hẹn. Sang 2017 mới chơi, thấy vợ hay đi off với mình, chã lại không có ai, nên gọi vợ đi cùng thôi.
Vinh Lê chỉ thích vợ làm chã, vợ không ngồi ghế phụ, anh không thi! |
- Anh Vinh Lê, mùa PVOIL VOC 2020, không có vợ làm chã, anh có buồn không?
- Vinh Lê: Mình thi xong năm 2020 đã quyết tâm trước sau gì cũng phải cho vợ tham gia hạng Nâng cao, vợ lái chính, mình làm chã. (cười)
Trang Đặng: Năm đó về, chồng mình nói, từ năm sau sinh xong em phải đi Nâng cao với anh, mình bảo không thể tham gia nâng cao vì vất vả lắm. Chã hạng này áp lực lắm. Mình nói kéo cáp thì ok, nhưng vác mỏ neo thì chịu. Các ông vác còn liêu xiêu huống gì phụ nữ. Mình nhớ năm 2020 có cái hố nhiều đội DNF (lỗi không hoàn thành bài thi) mà nhiều ông vẫn không đầu hàng, nhất quyết xin thi tiếp dù bùn ngập đến bụng rồi.
- Từng tham gia cả hai hạng Cơ bản và Nâng cao, anh Vinh Lê thích hạng nào hơn?
- Vinh Lê: hạng nào cũng thích, mỗi hạng có cái hay riêng! Đường thi hạng Cơ bản thiệt hại ít hơn hạng Nâng cao, nhưng hạng nào thi cũng phải đầu tư xe cộ, vì thiệt hại đường nào cũng có. Năm đầu tiên thi, ở đường đua đôi, mấy xe bị nổ túi khí lúc phi lên cao rồi hạ xuống. Năm ngoái, xe anh Thắng Dê (Hoàng Xuân Thắng) thi Nâng cao còn "rán cá" (bị lật), rồi sau đó tự dựng xe lên đi tiếp. Ghê thật!
- Thế trên đường đua, làm chã hay giống khó hơn?
- Trang Đặng: chã giống đều áp lực, mình thấy giống vất vả hơn, vì chạy hết các bài. Hạng Cơ bản các anh thường ưu tiên vợ làm chã để giảm bớt áp lực. Mình thấy hạng này nhàn, có mỗi bài vác cầu gỗ thì giống chỉ lái qua, còn chã xuống bắc cầu. Mấy năm mình thi chỉ có một năm vác, còn lại hai năm sau anh đều tự phi qua, chắc thấy vợ vất vả quá. Nói vậy nhưng năm nào thi cũng có một bài đổi lái, nên mình biết làm giống áp lực.
Vì thế trong thi đấu, giống là người chỉ huy, là người chủ động, mình tuyệt đối tuân lệnh anh Vinh Lê. Đường thì rích rắc, nhiều khi thi lái phụ chỉ đường lái chính, nhưng nhà mình thì không, vì như vậy sẽ loạn ngay. Nhìn chung trước khi thi nhìn đội khác rồi bảo đoạn này rẽ trái rẽ phải. Tóm lại, mình luôn nghe theo chỉ đạo của giống để tránh cãi nhau.
- Vậy khi về nhà, ai là người chỉ đạo?
- Trang Đặng: đương nhiên vẫn là anh xã nhà mình rồi!
- Có vẻ như đây chính là bí quyết khiến cặp giống chã nhà mình gặt hái thành tích tốt, cảm xúc của gia đình khi lên ngôi vô địch năm 2017 như thế nào?
- Vinh Lê: Năm 2017 lên ngôi mình thấy ngỡ ngàng, tại đi thi chơi chứ không đặt mục tiêu đạt giải. Mình nhớ đến lúc xem bài 6, bài cuối cùng để chuẩn bị về, thì Ban tổ chức gọi bảo mình vô địch, yêu cầu mang xe đến check. Lúc đó hai vợ chồng còn tưởng có vấn đề gì, vì không theo dõi kết quả, năm 2017 cũng chỉ chép sổ sách chứ không cập nhật kết quả liên tục như giờ.
Hai vợ chồng luôn sát cánh bên nhau trong ba mùa thi VOC từ 2017 đến 2019 |
- Năm đó hai vợ chồng có luyện tập không mà đạt thành tích cao vậy?
- Trang Đặng: Ba bốn năm nay, hai vợ chồng cũng chỉ dành ra 1-2 buổi sát ngày thi tập trên Đồng Mô, vì mình làm giờ hành chính không có thời gian, anh thì có xưởng sửa chữa cũng bận bịu. Hai vợ chồng còn có quán cafe ở câu lạc bộ PVC. Các đội tập cả tháng chứ vợ chồng mình không tập nhiều vậy vì không có thời gian.
Trong cuộc sống hằng ngày bọn mình cũng hay đi offroad với PVC, qua các cung đường như thế, hai xe chen nhau không được, chỉ tiến, không lùi, phải nhường nhau, nên có thể coi là tập luyện rồi.
- Tham gia cùng nhau ba mùa, mùa nào anh chị thích nhất?
- Trang Đặng: mùa nào cũng thích, đường nào cũng thích! Vì Ban tổ chức tính toán hết rồi, mình cứ việc đua thôi.
Vinh Lê: Mùa 2019 tiếc nhất vì đáng lẽ vào tranh top 2 với Tú voi. Ngày đầu tiên nhất bài, ngày thứ hai có bài cuối bị lỡ thời gian vì chuẩn bị xe chưa tốt, xe đâm cọc, chứ không thì ba năm liền lên bục đấy!
- Đường đua đêm vất vả vậy mà chị Trang vẫn thích sao?
- Trang Đặng: Ba năm mình đều tham gia, sáng hôm sau mệt thật, nhưng thấm mệt thực sự là khi kết thúc giải đấu. Khi thi mình tập trung cao nên quên mệt mỏi, ví dụ năm đầu đi qua cầu gỗ, mình phải vác. Giờ thi vào buổi chiều, sáng tập qua thấy sao cái cầu nặng thế, không thể vác được, thế mà vào thi vác phăm phăm, chạy rất nhanh.
Đua đêm mệt đặc biệt với phụ nữ, vì có những đội thi đêm không nghỉ, phải thức sửa xe, hôm sau mất sức.
Vinh Lê: Mình vẫn nhớ năm 2018 ở đường đua đêm, đội mình tìm đường, tìm ngay cái tổ ong, vơ phải nó rụng đốt hết anh em. Trong đó tối không thấy gì chỉ lấy tay khua đường thôi, đua đêm quãng đường có có 2-4km thôi nhưng mất thời gian vì tìm đường.
- Năm nay thi hạng cơ bản góp mặt hơn 10 nhà vô địch, anh chị có áp lực không?
Trang Đặng: Chưa năm nào nhà mình đặt mục tiêu phải vô địch. Giải thưởng đến một phần nỗ lực, cũng nhờ may mắn.
Thi đấu thì ai chẳng muốn cầm cúp, nhưng cúp có một, đội thi thì tận 20-30 cơ mà. Không đặt áp lực phải on top làm gì. Năm nay có hơn 10 cựu vô địch tham gia Cơ bản, hai vợ chồng vui lắm vì được gặp các anh lớn như anh Bằng Kiều, Cường Chè. Các anh nhiều tuổi, có kinh nghiệm, còn vợ chồng mình chỉ là những con chim non bé xíu, không chơi chuyên nghiệp. Được chơi cùng hạng với các anh là vui lắm rồi. Lúc nào thi gặp các anh lớn, mình đều bảo: thôi các anh nương tay, em tay ngang học hỏi các anh thôi.
- Vì không áp lực nên chị rất hay cười khi thi đấu, giống năm 2019 lúc ở đường đua số 7 đó?
- Trang Đặng: Mình chẳng nhớ nổi nữa, hôm đó mình cười tươi lắm à? (cười)
Câu lạc bộ PVC thi đấu rất nhiều, trước giải đều họp 1-2 buổi hỏi han xem thi hạng nào, đường nào, số bao nhiêu? PVC quán triệt bất cứ giải nào, thi phải giúp nhau, hỗ trợ nhau, thi vì đam mê chứ không ganh đua, cá cược. Nên bạn thấy đấy, năm nào mấy anh em đi cũng sẵn sàng cho nhau mượn đồ, sửa xe.
Đi offroad suốt, dường đua bò có là gì với cặp giống chã đội SUV-VinhLe-PVC |
- Là phụ nữ chơi offroad, chị Trang có ngại bẩn không?
- Trang Đặng: Việc ngại bẩn hay không do quan điểm từng người. Bạn bè mình nói, mày đi chơi thế như vợ tao không thích đâu, thích mấy chỗ check in sang, sạch. Bùn không thích, mình lại thấy bình thường.
Mình có kỷ niệm đáng nhớ là năm đi Tà Xùa hai ngày, mưa bẩn, tối còn phải nằm kho thóc chật, trú nhà dân. Hôm sau quay về, lũ dâng ngập phải đến nửa con xe bán tải, không qua được. Anh em kéo nhau qua, xe của mình sự cố thủng két nước, mình còn phải lấy tay quấn túi ni lông bên ngoài, bốc cứt trâu trát vào két nước vì mưa keo không thể dính đc. Chuyến đi này ấn tượng không quên.
- Theo chị tại sao các tay đua nữ xuất hiện ở VOC ngày càng nhiều?
- Trang Đặng: Cũng có nhiều lý do, các chị em chạy xe nhiều, tham gia offroad nhiều nên thích. Có chị em thấy giải đấu hấp dẫn, được giao lưu nhiều người, có ảnh đẹp… nhưng tiêu chí hàng đầu là để chứng tỏ phụ nữ cũng biết lái xe, có thể giật giải.
Từ lúc mình tham gia, càng ngày nhiều sự xuất hiện của các vận động viên nữ. Với chị em nữ tham gia mình rất trân trọng vì chơi mới biết vất vả áp lực, chạy thằng đường thì khác nhưng đi qua địa hình gấp khúc, nhiều bài DNF, không qua được hố. Hạng Cơ bản có bài đua đêm, chị em nào tham gia thật sự rất đáng quý, có những năm chị đi đua đêm đến 4-5 giờ sáng mới ra rất vất vả, 8 giờ sáng hôm sau đã thi tiếp rồi.
Chưa kể nữ thi là tổn hại nhan sắc nhiều, đen cháy hết cả da, tóc cứng xơ vì bụi với mồ hôi, bùn đất. Như năm nào mình cũng đầu tư giầy mới, quần áo thi đấu phải bỏ vì lội bùn không dùng được.
- Vậy còn tay đua 9x, gen Z, anh chị đánh giá thế nào?
- Vinh Lê: Mình thấy giải VOC là sân chơi nên ai cũng có thể vào chơi được, tuổi 9x trẻ trung và mọi thứ đầy đủ, các bạn đến chơi nhiều hơn và sớm hơn bọn mình ngày xưa. 9x giờ giỏi lắm! Các bạn có thể lực tốt, mắt tinh, phản xạ tốt, thi đấu sẽ có khác biệt rõ rệt ở đường đua đối kháng.
Trang Đặng: 9x hay gen Z làm kinh tế giỏi, trang bị xe hiện đại, máu chiến, đầu tư tiền, hình ảnh nhận diện vào xe. Gọi vui là dân chân to, đạp hết ga. Cánh già bọn mình đem xe mới đi thi còn xót. Năm nay cũng là dịp để so sánh xe cũ xe mới, tài già và tài trẻ.
- Hai vợ chồng cùng đam mê offroad, gia đình hai bên có ủng hộ không?
- Trang Đặng: Bé gái lớn 9 tuổi năm nào cũng đi lên Đồng Mô, các bác dẫn lên xem. Bé sau thì chưa biết. Con gái xem offroad cùng bố có vẻ thích. Nó đi chơi cùng bố mẹ, đi từ thiện với PVC, đi đường gập ghềnh không sợ, nhà mình luyện từ nhỏ nên bé đi đường lội bùn không biết ngại. Có những đứa nhắc bố “bố đi chậm thôi đừng đi nhanh”, nhưng bé nhà mình kệ, có khi đi xe máy còn bảo bố đi nhanh lên, bố đi chậm thế.
Các cụ tôn trọng, nhà mình thi hai bên có biết đâu, bọn mình thi đấu có kiểm soát chứ không bất chấp, tham gia ở mức độ an toàn. Hạng Cơ bản khá nhẹ nhàng, so với các hạng khác, phù hợp phụ nữ.
- Việc đua offroad và đi offroad vùng cao liên tục có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của gia đình mình không?
- Trang Đặng: Năm nay thi ba ngày thì mình sẽ sáng đi tối về, nếu anh ở lại thì mình vẫn về. Nhà có chị giúp việc, bạn bè cũng dễ nhờ nên sắp xếp được. Hồi trước chưa có em bé thì không vấn đề, mình cắp con gái lớn đi từ thiện, đi offroad cùng PVC cả ngày cuối tuần. Năm 2018 nhà mình có chuyến xuyên Việt đi hơn chục ngày bằng xe ô tô cơ mà.
- Anh chị thích giải VOC ở điều gì?
- Trang Đặng: Giá trị giải thưởng không quan trọng lắm với mình, mình biết có những giải phần thưởng cao hơn nhiều. Cái mình thích ở VOC là Ban tổ chức. Mình biết các anh trong Ban tổ chức rất tâm huyết với giải, vì thế năm nào cũng cố gắng đổi mới. Thi bao nhiêu năm rồi mình vẫn thấy sự lựa chọn giải VOC là đúng đắn. Vì vậy, mình luôn bảo chồng ưu tiên đăng ký thi VOC, dù một năm chỉ tham dự được vài giải to.
Vinh Lê: Cảm giác thi bao nhiêu mùa VOC cũng không nhàm chán, vì bài thi luôn mới. Có những năm thi đường đấy nhưng cách thức khác, vị trí khác. Mùa khô thì Ban tổ chức mang hẳn xe nước vào tưới đường thi cho khó. Ba năm các bài thi đều khác, bài đua bò năm nào cũng có nhưng năm đầu chạy thẳng, năm sau rích rắc số 8, đều có yếu tố bất ngờ.
Mấy năm nay thấy Ban tổ chức có đường đua tốc độ hai xe, bấm giờ tự động, thi thông trưa, giảm thời gian chờ đợi cho anh em, sự thay đổi này mình rất thích.
- Cảm nhận của anh chị về VOC?
- Trang Đặng: Mình nghĩ trong vài năm nữa VOC phải lớn hơn, có những cái còn chuyên nghiệp hơn bây giờ. Các anh em trong Ban tổ chức sẽ đưa giải đấu chuyên nghiệp hơn nữa, không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia, vì mấy mùa gần đây đã có đội nước ngoài, tương lai sẽ còn nhiều hơn.
Mình chưa có khả năng ra nước ngoài thi đấu nên có vận động viên nước ngoài là thích lắm, tội gì không thử sức. Không biết tầm của họ ở nước họ như nào nhưng cách thi của họ khác mình, rất đáng học hỏi.
- Xin cảm ơn anh chị, chúc đội đua SUV-VinhLe-PVC thi đấu thật tốt, thật ăn ý tại PVOIL VOC 2022!
Phương Huyền