Khát khao được san sẻ yêu thương với các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số, suốt 14 năm qua, đoàn thiện nguyện Sưởi Ấm Bản Cao (SABC) đã ghé thăm nhiều nơi khó khăn, xa xôi góp một phần sức lực giúp các em học sinh có được môi trường học tập bớt gian nan hơn. |
Tri Lễ, Quế Phong, vào một ngày đông lạnh cuối năm 2022 Tiếng bước chân dẫm trên nền đất lép nhép, gió lùa từng cơn lạnh lẽo khiến hai hàm răng tôi cắn chặt vào nhau. Cơn mưa tầm tã từ tối qua tạo ra những vũng lầy trên con đường dẫn vào cụm trường tiểu học Tri Lễ 4. Đường vào nơi gieo con chữ vốn đã khốc liệt với những dốc cao, ổ gà, nay càng thêm khó khăn cho đoàn khảo sát SABC 2023. Chúng tôi lần mò theo nhau, dưới những làn mưa ngày càng nặng hạt, không ai nói với nhau câu gì, vì chỉ một chút lơ là, người ta có thể ngã sõng xoài ra do đường vừa trơn trượt vừa dốc. "Sáng sớm nay thầy hiệu phó và cô hiệu trưởng trường mầm non đã cho biết mưa là đường vào rất khó khăn, đường trơn, nước suối dâng cao. Mấy anh em vẫn bàn nhau quyết tâm đi vào, vì mục đích là khảo sát và quan trọng là cảm nhận được cái khó khăn của thầy trò nơi đây. Thế mà giờ, được trực tiếp trải nghiệm mới cảm thấy vượt quá tưởng tượng của mình”, cụ Laccoi, thành viên đoàn khảo sát SABC 2023 tâm sự. Năm nay có lẽ là một năm khá đặc biệt của chương trình SABC khi lần đầu tiên, hành trình thiện nguyện đã có tuổi đời lên tới 14 năm được thực hiện tại khúc ruột miền Trung. Vào ngày 10/2 tới, đoàn thiện nguyện SABC 2023 sẽ ghé thăm xã Tri Lễ, một trong những xã nghèo nhất huyện Quế Phong cũng như của Nghệ An. Do cách khá xa trung tâm huyện nên cụm trường tiểu học toàn xã phải chia ra thành tận 4 điểm. Nơi chúng tôi vào là cụm trường Tri Lễ 4, được mệnh danh là điểm trường 5 "Không": Không đường bê tông, không điện, không nước, không sóng điện thoại và điều đặc biệt cuối cùng, trường không có… giáo viên nữ. Điều kiện địa hình ở đây khó khăn đến mức chỉ có ba thành viên là đủ sức khoẻ đi hết các điểm. Tuy nhiên, các thành viên cũng phải chuyển từ 4 bánh sang 2 bánh và 2 chân để tới điểm trường "5 không". Phải mất đến nhiều giờ đồng hồ, đoàn khảo sát mới đến được nơi mà các em học sinh nghèo hằng ngày học tập. Vậy mà, với thầy trò trường Tri Lễ 4, băng qua cung đường này để tìm con chữ đã trở thành cơm bữa suốt quanh năm bốn mùa. |
Hơn chục năm qua, hình ảnh những đoàn chiếc xe bán tải thồ hàng lên vùng cao đã trở nên quá quen thuộc với cộng đồng Otofun vào mỗi dịp cuối năm. “Kể từ lần đầu tiên đoàn bắt đầu đi thiện nguyện, đến nay cũng 14 năm rồi”, cụ Tuấn Lọ Mọ, Mod OF-Vì Cộng Đồng, thành viên BTC SABC 2023 chia sẻ. Sưởi Ấm Bản Cao tiền thân là chương trình thiện nguyện xuất phát từ một nhóm thành viên trên diễn đàn Otofun, bắt đầu phát động từ năm 2009, khi quỹ OF- Vì Cộng Đồng được thành lập. Nhận được sự ủng hộ của những tấm lòng nhân ái, cứ vào những ngày cuối năm cận kề Tết dương lịch, một nhóm nhỏ vài chục chiếc xe lầm lũi vượt đèo, lội suối đi đến tận những nơi xa xôi, trao từng suất quà nhỏ bé cho các em học sinh. Chẳng ai ngờ, chỉ một vài năm sau, đoàn xe thiện nguyện ấy nối đuôi nhau lên tới cả trăm chiếc, số lượng người tham gia ngày càng đông. “Ban đầu, anh em trong Otofun và quỹ OF Vì cộng đồng chỉ đơn giản muốn đi từ thiện, muốn chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại vùng cao, vùng sâu vùng xa, vì thế mới quyết định làm chương trình xây dựng trường lớp, tặng sách vở, mũ áo cho các em học sinh. Từ 2009 đến 2013, những điểm khó khăn đầu tiên ở vùng cao Tây Bắc đã được Otofun và quỹ OF Vì cộng đồng ghé thăm. Cho đến năm 2014, cái tên Sưởi Ấm Bản Cao mới chính thức được ra đời và duy trì cho đến bây giờ”. Cụ Tuấn Lọ Mọ, Mod OF-Vì Cộng Đồng, thành viên BTC SABC 2023 kể lại. Mục tiêu của chương trình là mỗi năm sẽ lựa chọn một điểm xã của một trong những huyện miền núi khó khăn nhất để trao tặng, hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho các trường học trên địa bàn. Từ những món quà nhỏ như những tấm áo, quyển sách, chiếc bút, thùng mỳ tôm, đến sự hỗ trợ vật chất lớn hơn như xây trường học, xây nhà vệ sinh, khu bếp,… cho các em học sinh và thầy cô vùng cao, cũng được thực hiện đều đặn mỗi dịp cuối năm bởi các anh em trong đoàn SABC. “Ban tổ chức SABC tự hào rằng, trong 14 năm qua, dù có lúc chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và thời điểm triển khai SABC là dịp cuối năm rất bận bịu, nhưng anh em trong đoàn luôn thực hiện được và đoàn đi lúc nào cũng đông”, cụ Tuấn Lọ Mọ xúc động. Suốt 14 năm qua, những điểm trường khó khăn nhất của mỗi huyện vùng cao Tây Bắc đã in hằn dấu chân thiện nguyện của những thành viên tham gia. Năm 2014, SABC mang yêu thương đến với trẻ em Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng. Năm 2015, cùng OF Điện Biên trao quà tặng cho các em học sinh Huổi Mí, Mường Chà, Điện Biên. Các năm tiếp theo, những chiếc xe bán tải thồ hàng oằn mình nối đuôi nhau băng qua những con đường núi khốc liệt, mang manh áo quyển sách đến cho các em nhỏ tại Thu Tà, Xín Mần, Ngọc Long (Yên Minh) của tỉnh Hà Giang… Gần đây nhất vào tháng 3 năm ngoái, SABC diễn ra tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, sau 3 lần bị hoãn vì dịch bệnh Covid-19. Điểm qua mới thấy, 14 năm qua, tinh thần và khát khao của những thành viên trong đoàn thiện nguyện SABC mãnh liệt đến thế nào. Bất chấp đường đi khốc liệt, những nụ cười tươi rói vẫn luôn ở trên môi các thành viên thực hiện chương trình. Khi được hỏi tại sao đoàn luôn chọn thời điểm cuối năm, lúc thời tiết khắc nghiệt nhất để đi từ thiện, cụ Tuấn Lọ Mọ chỉ cười: “Đơn giản lắm, cả nhóm thống nhất làm vào ngày 31/12 hằng năm, là ngày Vì người nghèo, dần dần thành thói quen, không tổ chức vào đúng ngày đó nhưng vẫn là dịp cuối năm hoặc đầu năm mới”. "Điểm đặc biệt của chương trình này, là mọi người tham gia phải đến tận nơi để trực tiếp trao gửi tấm lòng của mình”, cụ Tuấn Lọ Mọ cho biết. Trước thềm SABC, Ban tổ chức nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều những nhà hảo tâm trên cả nước. Hàng trăm nghìn món quà thồ ngược từ miền xuôi lên bản cao được tích tiểu thành đại từ những tấm lòng đóng góp vào quỹ SABC. Thành viên đoàn phải thực hiện những chuyến khảo sát tận nơi, để tận mắt chứng kiến, cảm nhận những khó khăn của đồng bào vùng cao. Có như vậy, hành trình tiếp lửa cho thầy trò nơi đây mới thật sự ý nghĩa, tấm lòng nhân ái của mạnh thường quân trong và ngoài nước mới được trao gửi đến đúng đối tượng. Lâu dần, SABC trở thành chuyến đi không thể thiếu hằng năm của những anh em trong đoàn. Xuất phát từ diễn đàn Otofun – cộng đồng chơi xe lâu đời nhất Việt Nam, SABC đã trở thành chương trình được ưu tiên trong hoạt động của rất nhiều chi hội, câu lạc bộ ô tô tại Việt Nam. “Mình không bao giờ sợ thiếu xe, thiếu người hỗ trợ. Chỉ cần chương trình kêu gọi, rất nhiều cá nhân, CLB lập tức đăng ký tham gia. Năm nay, TTH “lãnh” nhiệm vụ hậu cần, bên vận chuyển có PVC (câu lạc bộ Bán tải địa hình Việt Nam), Colorado, Dmax thực hiện… Đây cũng những chi hội, CLB đã tham dự chương trình suốt nhiều năm qua”, cụ Tuấn Lọ Mọ nói. Có những thành viên, bận công việc không thể đi theo lịch trình lại sẵn sàng tham gia đóng gói hàng hoá cho các chuyến xe. Kêu gọi được tài trợ đã khó, vận chuyển đến tay người nhận cũng khó khăn không kém. Những con đường mà đoàn thiện nguyện SABC rong ruổi trong suốt 14 năm qua tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả người và xe. Nhưng với khát vọng mang yêu thương đến với thầy trò vùng cao, thành viên đoàn nỗ lực trong cả chuyến hành trình dài, để các em học sinh nghèo được tự tay đón nhận những món quà ủng hộ từ đồng bào cả nước. “Với bất cứ chương trình nào, việc tổ chức chuyến đi cho hàng trăm thành viên với hàng chục xe luôn có những khó khăn nhất định", cụ Trần Hoài Nam (nick OF- Nam Cuif - Mod quỹ OF - Vì cộng đồng, thành viên BTC SABC 2023) cho biết. "Đó là việc đảm bảo an toàn chuyến đi, chỗ ăn, nghỉ cho hàng trăm người, và cả các vấn đề về an ninh trật tự xã hội vì hầu hết các địa phương thực hiện luôn là các khu vực vùng cao, sát biên giới. Do vậy, BTC luôn phải quán triệt các thành viên tham gia giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương, tôn trọng luật giao thông và tuân thủ các quy định của BTC khi tham gia chuyến đi”. Cũng theo cụ Nam Cuif, mấy năm gần đây, việc huy động nguồn lực cũng khó khăn hơn trước, nhưng đồng hành với SABC luôn có các thành viên OF, chi hội như OF Hải Phòng, TTH, OF Thanh Hoá… và cá nhân tổ chức hảo tâm quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn Vingroup, các tổ chức như hội Nội Thất ô tô Việt Nam, Hội Phụ tùng ô tô, học viện thời trang London... Mùa này, quỹ SABC nhận được sự ủng hộ lớn từ các thành viên. Hàng chục triệu đồng gửi trực tiếp vào quỹ OF hoặc thông qua các buổi đấu giá biển số OF và các vật dụng khác của thành viên Lee Saker, thành viên Má Phị … Gần đây nhất, các thành viên hiệp hội Phụ Tùng Ô Tô Hà Nội đã đấu giá thành công bức tượng Phật Di Lặc với số tiền hơn 110 triệu. “Với những đóng góp của rất nhiều thành viên OF, mặc dù có khó khăn nhưng các mùa SABC đều có thể huy động được nguồn lực tương đối đủ để xây, sửa cơ sở trường lớp và thực hiện các chương trình quà tặng khác”, cụ Nam Cuif cho biết. Cuộc đời hữu hạn, chỉ có tình yêu là vĩnh cửu. Tất cả chúng ta, không ai có thể sống mãi trên đời, nhưng tình yêu thương đồng bào hay tinh thần thiện nguyện, lá lành đùm lá rách sẽ được duy trì cho đến về sau. Suốt 14 năm qua, SABC đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thành viên trong đoàn, từ anh Hà Dicham, mợ Hương nhanvan,… đến cụ Dũng Khọm (Trương Dũng). Tất cả khi ra đi đều để lại cho đời những hình ảnh đẹp, những cống hiến hết mình cho hành trình mang lửa ấm đến trẻ em vùng cao. Bởi vì cho đi là còn mãi, sự chia sẻ, cho đi sẽ khơi dậy được tình yêu thương giữa con người với con người, kết nối những trái tim và tạo nên thế giới của những con người biết quan tâm lẫn nhau. SABC mãi là chương trình thiện nguyện đáng tự hào của những con người Otofun nói riêng, là nơi tụ hội của những tấm lòng hảo tâm, san sẻ yêu thường của đồng bào khắp cả nước. Đây chính là “tôn chỉ” trong tinh thần của mỗi thành viên SABC. Theo công bố từ Ban tổ chức, SABC 2023 sẽ diễn ra vào ngày 10-11/2/2023. Qua đề xuất của các thành viên OF Nghệ An và qua công tác rà soát liên hệ xác nhận của Mod OF-Vì Cộng Đồng với chính quyền địa phương, đoàn khảo sát của chương trình đã đến tận nơi để xác nhận và lên danh sách các hạng mục cơ bản mà chương trình có thể đóng góp cho thầy giáo và các em học sinh nơi đây. “Năm nay mặc dù đã khảo sát trên miền núi theo đúng tiêu chí SABC, nhưng nhận được đề nghị của Phòng Giáo dục huyện Quế Phong cũng như đề xuất của nhà trường nên quỹ quyết định khảo sát lần hai tại Tri Lễ và quyết định làm Tri Lễ”, cụ Tuấn Lọ Mọ chia sẻ. Đến khảo sát Tri Lễ, mới thấy Tri Lễ thậm chí còn khó khăn hơn cả những điểm mà SABC từng đi qua. Hầu hết các trường bây giờ đều có đường nhựa hoặc bê tông vào tận sân, có điện lưới, sóng điện thoại, và đã được xây dựng kiên cố. Trường Tri Lễ 4 thì khác. Điểm trường chính là con đường đất với các con dốc dựng đứng. Nếu là trời nắng ráo thì cũng chỉ có xe 4x4 trang bị lốp từ AT trở lên mới có thể vào được. Điểm trường chính là nhà vách gỗ mái tôn (cũng được một nhà tài trợ giúp). Không có điện lưới, sóng điện thoại chỉ gọi nghe bập bõm, không có 3G. Toàn bộ giáo viên tiều học bao nhiêu năm nay đều là các thầy, không có cô giáo. “Trước khi đến Tri Lễ, đoàn đã từng đi khảo sát ở Quảng Bình hay Cao Bằng, nhưng thấy chưa phù hợp. Chúng tôi luôn có có tiêu chí lựa chọn để thực hiện chương trình, một trong những tiêu chí là địa phương vùng sâu vùng xa, khó khăn, cơ sở vật chật kém (như lớp học tạm, thiếu các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, điện, nước …). So sánh về điều kiện, Tri Lễ là khu vực cần trợ giúp cấp bách”, cụ Nam Cuif nói thêm. Theo chia sẻ từ cụ Tuấn Lọ Mọ, năm nay cũng là lần đầu SABC diễn ra tại Miền Trung thân yêu. Một số điểm trường mới sẽ được xây dựng, cải tạo một số công trình lớp học và bếp ăn hoặc chỗ ở của thầy giáo đã xuống cấp và hư hỏng, cũng như dành cho các cháu một số quà tặng là hiện vật cho các cháu học sinh nơi đây. Hạng mục quà tặng năm nay bao gồm dụng cụ học tập cho các em học sinh như quần áo ấm, sách vở, bánh kẹo, máy vi tính để bàn… đồ dùng giảng dạy trong lớp cho thầy giáo Tri Lễ 4, tổng giá trị hạng mục này đã lên tới gần 600 triệu đồng. Hạng mục quan trọng hơn vẫn đang được huy động, dành cho nhiều điểm trường trên địa bàn, ưu tiên các điểm bản khó khăn hơn bên trong như trường TH Mường Lống, TH Huồi Xái, Nậm Tột… Với dự trù kinh phí lên tới 1,4 tỷ đồng, SABC lên kế hoạch xây bếp, nhà vệ sinh, láng sân… tạo điều kiện học tập, giảng dạy tốt nhất cho các thầy trò tại xã Tri Lễ. Chỉ còn vài ngày nữa, chuyến hành trình SABC đầu tiên tại khúc ruột miền Trung sẽ diễn ra. Những chiếc bán tải đã đợi sẵn để chất hàng lên, dưới đôi tay của các thành viên SABC, sẽ ngược lên bản cao, tìm về với thầy trò tại trường Tri Lễ 4, trao gửi những gói quà ý nghĩa cho học sinh nơi đây. Nơi đâu có khó khăn, nơi ấy tấm lòng nhân ái sẽ được trao gửi bởi những đôi chân thiện nguyện không biết mỏi mệt, những trái tim thấm đẫm yêu thương và luôn hướng về phía trước. Sẽ không có điểm kết thúc cho hành trình thiện nguyện, chia sẻ yêu thương, đúng như “tôn chỉ” mà các thành viên đoàn SABC in sâu trong đầu. “Dự tính, sau mùa này, mùa tới kỷ niệm 10 năm SABC ra đời, anh em sẽ làm tour các điểm đã làm và đánh giá lại, điểm nào khó khăn mình sẽ làm lần 2”, cụ Tuấn Lọ Mọ chia sẻ, "Biết là khó khăn, nhưng nghĩ tới cảm xúc của các em nhỏ và người dân tại mỗi nơi chúng tôi đi qua, anh em lại thêm quyết tâm và nhiệt huyết".
|
Phương Huyền Đồ họa: Nguyễn Sinh |