![]() |
Thi drift đòi hỏi nhiều yêu cầu an toàn - Ảnh: Drifting |
Một chiếc xe được xem như đang drift khi góc trượt ở phía sau lớn hơn phía trước trước khi vào góc cua, và bánh trước xoay ở hướng đối diện so với góc cua (ví dụ như chiếc xe rẽ trái trong khi bánh phía trước đang ở vị trí rẽ phải).
Ngoài những màn drift đường phố, các tín đồ môn thể thao này có khá nhiều cuộc đua chuyên nghiệp để thể hiện tài năng.
Giống như bất cứ cuộc đua thi nào, thi drift cũng đòi hỏi những yêu cầu an toàn nhất định. Điểm lưu ý là các xe tham gia drift phải được trang bị ghế ngồi kiểu xe đua với dây an toàn 5 điểm, đồng thời, lái xe nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm. Đường chạy drift cũng được thiết kế chuyên dụng, thường ngắn hơn các loại đường đua khác. Chúng phải có ít nhất 5 tới 6 khúc cua và thông thường có hình chữ U.
Trong thi drift, người ta không căn cứ vào thời gian hoàn thành để đánh giá bài thi. Có hai hình thức chạy, solo - thường thực hiện khi bắt đầu cuộc thi và thi 2 người 1 lần (người trước người sau) - diễn ra khi vòng đấu loại solo đã kết thúc và chỉ còn lượng nhỏ tay lái. Các tiêu chí để đánh giá bài thi drift bao gồm:
Driving line (đường chạy qua mỗi cua): Yêu cầu đặt ra là đường đi của xe drift phải khít. Muốn làm được điều này, mui xe phải tiến sát với phần trong của cua. Để đạt điểm cao, lái xe cần trình diễn khả năng giữ đuôi xe sát với phần ngoài cua.
Speed (tốc độ): Trong thi drift xe, qua một góc cua, chạy nhanh hơn cũng được đánh giá cao hơn. Giám khảo thường thích những pha drift ngay từ lúc bắt đầu vào cua, ở trong cua và ra khỏi cua một cách nhanh chóng.
Drift angle (góc drift): Góc drift là góc của xe khi vào cua so với hướng của đường. Giám khảo cũng sẽ lưu tâm đến thời gian góc drift được duy trì. Nhất thiết những góc drift lý tưởng phải làm cho xe trở nên vuông góc với hướng của mặt đường.
Performance/execution (điểm trình diễn): Trong thi drift, giám khảo cho điểm trình diễn dựa trên những yếu tố như phong cách lái và lượng khói tạo ra từ bánh xe. Các lái xe có thể tranh thủ lấy điểm trình diễn bằng cách mở cửa hoặc thò tay hoặc đầu ra ngoài cửa sổ khi drift, nhưng thông thường, quy định của các cuộc thi là phải cho kính lên và đóng chặt cửa. Nhìn chung, drift vẫn còn nhiều điều để người hâm mộ có thể tìm hiểu.
Một giải drift thường có hai vòng: vòng kiểm tra và vòng loại trực tiếp. Vòng kiểm tra được gọi là Tansou, trong đó tay đua phải cố gắng gây ấn tượng với ban giám khảo để được chọn vào vòng đấu loại trực tiếp. Vòng này thường được tổ chức một ngày trước vòng đấu loại trực tiếp.
Vòng cuối được gọi là Tsuiso. Ở vòng này, các tay đua được xếp cặp với nhau và lần lượt thực hiện hai lượt chạy. Vị trí xuất phát của các tay đua se bị đảo ngược giữa hai lượt: ở lượt 1, một tay đua sẽ đứng trước tay đua còn lại ở vạch xuất phát trong khi ở lượt 2, anh ta sẽ đứng sau. Mỗi tay đua chiến thắng ở mỗi cặp sẽ lần lượt được chọn vào tứ kết, bán kết và chung kết. Vòng này được quyết định dựa trên những yếu tố sau:
-Tay đua nào vượt qua được tay đua dẫn trước khi đang drift sẽ giành chiến thắng
-Tay đua nào vượt qua được tay đua dẫn trước trong điều kiện lái xe bình thường sẽ bị loại
-Xe bị quay tròn (drift hỏng) sẽ bị loại, trừ khi xe khác cũng bị quay
-Cố gắng giữ vị trí dẫn đầu và thu hẹp khoảng cách với xe trước trong khi drift sẽ giúp tay đua chiến thắng dễ dàng hơn
Điểm được tính cho mỗi lượt đua, và thường chỉ có một tay đua chiếm ưu thế. Trong một số trường hợp, khi ban giám khảo không thể quyết định được người chiến thắng hoặc quyết định vấp phải sự phản đối của khán giả, hai tay đua sẽ phải đua thêm lượt nữa cho đến khi một trong hai người giành chiến thắng.
Đôi khi một số lỗi kỹ thuật sẽ quyết định đến kết quả. Nếu một xe không thể tham gia vào lượt đấu, xe còn lại sẽ chạy một mình sẽ được vào thẳng vòng trong.
Tùy từng giải drift khác nhau mà luật có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Chẳng hạn như ở Australia, chiếc xe theo sau được tính điểm dựa trên độ giống của kỹ thuật và đường chạy so với chiếc xe phía trước thay vì dựa trên những kỹ thuật khác nhau.
Theo Autonet