Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra sự cố nổ lốp khi xe đang chạy. Lý do trước tiên có thể kể ra là mép la-zăng bị hư hại hay có khuyết tật khiến cho lốp bị cào xước trong quá trình sử dụng. Các vết cào xước nhiều và sâu sẽ không chịu đựng được áp suất nên lốp bị nổ.
Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân thứ 2 chính là do áp suất không đạt chuẩn. Nếu áp suất quá thấp sẽ làm cho lốp bị gãy gập quá mức so với thiết kế khiến cho các lớp vải bố bị rạn và rách. Còn nếu áp suất quá cao sẽ khiến cho sức chịu của thành lốp vượt quá giới hạn thiết kế và cũng gây nổ.
Các sự cố này càng có nguy cơ xảy ra cao hơn nếu xe vận hành liên tục vào những ngày nắng nóng hoặc trên địa hình xấu như đồi núi, công trường đang thi công có nhiều đất đá sắc nhọn,…
Lốp xe cũng có thể dễ dàng bị nổ sau một pha cua gấp ở tốc độ cao với bộ lốp đã bị mòn quá nhiều. Xác định và hiểu được nguyên nhân vì sao lốp xe bị nổ sẽ giúp bạn vừa khắc phục được nhanh chóng vấn đề vừa phòng tránh được nguy cơ trên với những lốp còn lại.
Nếu không may bạn đang lái xe trên đường mà xe bị nổ lốp, trước hết bạn phải bình tĩnh, nhả chân ga từ từ. Chỉnh vô lăng để giữ ổn định xe, khi xe đã ổn định, hãy tiếp tục giảm tốc độ và hướng xe vào địa điểm mà bạn xác định là an toàn. Sau đó, bạn có thể tự mình thay lốp hoặc gọi người tới trợ giúp.
Dù là lốp trước hay lốp sau của xe bị xì hơi cũng phải theo những quy tắc trên để duy trì sự kiểm soát xe một cách chính xác. Điều khác biệt duy nhất giữa xì hơi lốp trước và sau là khi xì lốp trước bạn sẽ cảm nhận thấy áp lực lên vô lăng còn lốp sau sẽ là ghế ngồi và thân xe.
Tuyệt đối không được đạp phanh gấp (bởi phanh gấp khi lốp bị nổ sẽ làm xe mất cân bằng và khó kiểm soát hơn). Nếu bạn hốt hoảng đạp phanh, xe của bạn có thể quặt về một bên và sau đó xe có thể bị lật và sẽ lăn nhiều vòng.