Giới chuyên gia đồng quan điểm khi nhận định, phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để mục tiêu giảm 50% số người chết vì TNGT vào năm 2020 của Việt Nam thành hiện thực.
Kinh nghiệm từ các nước
Ứng dụng công nghệ ITS là hướng phát triển bền vững của nhiều nước trên thế giới nhằm tối ưu chi phí và đạt hiệu quả lớn nhất cho toàn bộ hệ thống. Trước vấn nạn báo động về tình hình giao thông, Chính phủ Nhật Bản đã kịp thời có những thay đổi mang tính cách mạng. Trong đó đặc biệt quan tâm đến hệ thống ITS.
Ông Takagi Michimasa - Tư vấn Trưởng dự án ATGT của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: “Để giảm được 5 người tử vong vì TNGT/100.000 người, chúng tôi đã phải mất 50 năm để thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó phải có ngân sách quốc gia dự trữ thường xuyên để đầu tư cho hạ tầng giao thông, xây dựng văn hóa giao thông và ứng dụng hài hoà hệ thống công nghệ ITS như dịch vụ thông tin giao thông ATIS, AVS, CVO…”.
Giám sát các phương tiện giao thông tại Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Theo thống kê sơ bộ, việc triển khai ITS tại Mỹ và Canada giúp giảm các khoản chi phí cho cơ sở hạ tầng giao thông từ 30 - 35% trong khi vẫn giữ nguyên các chức năng tương tự của hệ thống giao thông.
Kinh nghiệm tương tự của các quốc gia đã nghiên cứu và triển khai ITS trên quy mô nhất định như Australia, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc cho thấy, hệ thống này đóng góp đáng kể cho việc quản lý các phương tiện giao thông, xử lý các tình huống sự cố, tai nạn trên đường, giảm ùn tắc vào những giờ cao điểm cũng như cung cấp dịch vụ, thông tin chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện và khách du lịch.
Lời giải 1.700 tỷ đồng
Từ kinh nghiệm của các nước phát triển, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng ITS là cần thiết, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có cơ sở hạ tầng cho ITS tương đối đồng bộ như các nước trong khu vực. Thời gian qua, mặc dù Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng một số tuyến đường cửa ngõ phía Tây như Nguyễn Trãi, hầm chui Thanh Xuân, đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Thực tế, với tình trạng giao thông như hiện nay, nếu không ứng dụng ITS mà cứ chạy theo các giải pháp công trình như thời gian qua vừa tốn kém vừa kéo dài. Nhận thức được yêu cầu cấp bách này, mới đây, Hà Nội đã quyết tâm đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng để nghiên cứu và kiến tạo hoàn chỉnh ITS cho Thủ đô.
Cảnh sát giao thông Đà Nẵng theo dõi các xe vi phạm qua hệ thống camera. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trước đó, một số dự án ITS giao thông đã được thử nghiệm thành công như: Thu phí giao thông dựa trên thiết bị gắn trên phương tiện; hệ thống phạt nguội phương tiện vi phạm; thông tin giao thông thu thập dữ liệu từ camera quan sát và vận tốc lưu thông taxi. Từ đó thông tin cụ thể cho người tham gia giao thông qua điện thoại hoặc internet.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu do TS Hoàng Minh Tùng (trường Đại học GTVT Hà Nội) chủ trì cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể áp dụng ITS thông qua triển khai các hệ thống ứng dụng tự động về thu phí, kiểm soát tải trọng, kiểm soát khí thải; nâng cấp các trung tâm quản lý, điều hành giao thông hiện nay; nâng cấp hệ thống dữ liệu thông tin, điều khiển và hỗ trợ xử lý vi phạm giao thông (theo thời gian thực).
Trong đó, đặc biệt nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thiết kế, điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại các nút; tăng cường các loại nút ITS có chu kỳ điều khiển thay đổi phù hợp với lưu lượng; triển khai các ứng dụng cho phép cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông tại các "điểm đen" giao thông, nơi có cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, khu vực dân cư và các khu vực có tính chất đặc biệt.
ITS Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng 10 chức năng chính: Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý Nhà nước; Hệ thống quản lý về điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành ITS; Hệ thống bảo mật, an toàn dữ liệu. |