Sáng 1/7, trên mạng xã hội, một người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân cho biết ông đã lấy xe tải của gia đình chở tám nạn nhân đến bệnh viện, một người trong đó đã tử vong, chảy máu. Ông đã bế nạn nhân lên xe và máu từ vết thương của nạn nhân đã dính vào vết thương bị trầy xước của ông.
Khi được biết người tử vong nhiễm HIV, ông đã xuống bệnh viện đề nghị xin thuốc dự phòng.
“Nhưng bác sĩ nói thuốc này chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ, không cấp cho dân thường, còn tôi cứu người thì bác sĩ nói bán một liều năm triệu. Vậy tôi xin hỏi còn ai dám cứu người hay nên để cho các cấp làm nhiệm vụ đến cứu?”, người tham gia cấp cứu nạn nhân đặt câu hỏi.
Nhiều người dân đã tham gia đưa nạn nhân đi cấp cứu sau vụ tai nạn ngày 30/6 trên đường Hồ Chí Minh. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, tỏ ra rất bức xúc vì vị bác sĩ đã đề nghị “bán” thuốc dự phòng cho người dân tham gia cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông.
"Chúng tôi đang trao đổi để xác định ai là người đã có hành vi này và đề nghị Sở Y tế Kon Tum xử lý nghiêm. Tuy nhiên, Sở Y tế Kon Tum cho biết họ đang xác minh do trong lúc hỗn loạn không biết ai đã phát ngôn như vậy", ông Anh nói.
Theo quy định của Bộ Y tế, người có phơi nhiễm trực tiếp với người nhiễm (kể cả người làm nhiệm vụ, người dân đều được uống thuốc dự phòng HIV miễn phí).
Ông Anh cũng cho biết riêng người đã lấy xe của gia đình chở bệnh nhân đi cấp cứu sẽ được ưu tiên đặc biệt để động viên, khen thưởng.
Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kom Tum, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu sau vụ tai nạn ngày 30/6 trên đường Hồ Chí Minh, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV.
Sở Y tế đã tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến những ca cấp cứu nạn nhân.
Sở đã cho uống thuốc dự phòng trong 24 giờ kể từ khi bị phơi nhiễm (quy định là trong vòng 72 giờ) với 24 người có liên quan và theo dõi trong vòng 3 tháng.
Sở Y tế cũng đồng thời giám sát, xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.