Nhận tin tư vấn từ anh Tùng Hà (Hà Nội) mà thương cho anh, trong một năm gây ra 3 vụ tai nạn. Dù các vụ không quá nghiêm trọng nhưng nếu không có Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, anh sẽ mệt mỏi chuyện đền bù.
Anh Tùng Hà gửi tin nhắn hỏi admin: “Nói thật với admin là từ tháng 8 đến giờ, tôi gây ra 3 vụ tai nạn. Đầu tiên là va phải một em học sinh đang đi học xe đạp, bị gãy tay. Tiếp là không chú ý lao vào cụ già đang đi trên vạch trắng sang đường. Lần này nữa là va vào đít ô tô lúc ô tô đang dừng đỗ. Nói chung một phần dạo này gia đình có chuyện nên tôi đi đường cũng không tập trung nữa. Điều lo nhất là mấy lần tôi đều gọi bên bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy của tôi. Lần đầu họ hỗ trợ được 5 triệu cũng tạm ổn. Nhưng 2 lần gần đây nhất thì chưa giải quyết hồ sơ vì mới quá. Liệu tôi có bị từ chối chi trả bảo hiểm không admin nhỉ?”
Chia buồn với sự đen đủi của anh Tùng Hà. Tuy nhiên rất may cho anh ở việc là Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự không giới hạn số lần anh vướng vào tai nạn nhé.
Theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/ một người/ vụ và không hạn chế số người trên vụ cũng như số vụ trên năm.
Về tài sản: bồi thường tới 50 triệu một vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người cũng chỉ đền tối đa 50 triệu một vụ. Không hạn chế số vụ một năm.
Mức phí bảo hiểm năm sau sẽ tăng, nhưng không quá 15% mức quy định.
Điều quan trọng là anh Tùng Hà hãy thông báo kịp thời cho doanh nghiệp bảo hiểm khi xảy ra tai nạn và làm đúng hướng dẫn cũng như các trình tự và cung cấp đầy đủ hồ sơ để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm cho mình nhé. Cụ thể, theo điều 15 của Nghị định 03, hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm phải đảm bảo các mục như sau:
1. Tài liệu liên quan đến xe, người lái xe (Bản sao công chứng hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm, người được Bảo hiểm cung cấp:
a) Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có giấy đăng ký xe).
b) Giấy phép lái xe.
c) Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp:
a) Giấy chứng nhận thương tích.
b) Hồ sơ bệnh án.
c) Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.
3. Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp:
a) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).
b) Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
4. Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.
5. Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Nguyễn Vinh