Độc giả Trần Xuân Duy (Quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Tôi có GPLX hạng B2, tôi đã điều khiển xe ô tô cứu hộ có trọng tải 1,5 tấn kéo sau xe ô tô (loại xe 7 chỗ) lưu thông trên tuyến QL10 qua địa bàn tỉnh Nam Định thì bị CSGT tuýt còi kiểm tra. Xin hỏi, tôi có được phép lái xe tải cứu hộ không?
Trả lời: Luật GTĐB năm 2008 quy định người có giấy phép lái xe (GPLX) ô tô ở hạng nào thì được phép điều khiển các loại phương tiện ô tô hạng tương ứng với GPLX được cấp và phải đảm bảo các quy định của pháp luật khi phương tiện lưu thông trên đường.
Để hướng dẫn, cũng như quy định chi tiết đối với từng hạng GPLX, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009 quy định về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho các hạng GPLX ô tô B1, B2, C, D, E…. Tại Khoản 6, Điều 21 của thông tư trên quy định GPLX hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau: Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; ô tô tải, máy kéo rơ-moóc có trọng tải dưới 3.500kg và các loại xe quy định cho phép lái xe hạng B1.
Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, bạn điều khiển xe ô tô cẩu có trọng tải 1,5 tấn kéo theo sau một ô tô 7 chỗ ngồi như nêu ở trên là đúng với quy định của pháp luật.
Độc giả Trần Mai Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi: Tôi vừa chứng kiến một vụ tai nạn liên hoàn gây ách tắc giao thông hơn 2 giờ. Theo quan sát, vụ tai nạn do lỗi lấn làn đường không đúng quy định của chiếc xe 5 chỗ. Xin hỏi, trường này xử lý thế nào?
Trả lời: Luật GTĐB năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bộ phải chấp hành biển báo hiệu và quy tắc giao thông trên đường bộ.
Với trường hợp nêu trên, hành vi điều khiển ô tô con vi phạm lỗi tránh, vượt không đúng nơi quy định gây TNGT được quy định tại Điểm C, Khoản 7, Điều 5 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt từ 7.000.000- 8.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX 2 tháng.
Tuy nhiên, đối với các vụ TNGT liên hoàn xảy ra, CSGT TTKS trên đường sẽ tiến hành bảo vệ hiện trường, đồng thời thông báo cho công an quận, huyện địa bàn xảy ra vụ tai nạn đến khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các bên, lời khai của nhân chứng. Căn cứ vào dấu vết hiện trường của vụ tai nạn, lời khai của các bên, lời khai của nhân chứng, cơ quan chức năng sẽ tìm ra nguyên nhân, lỗi thuộc bên nào, sau đó sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Thông thường, đối với các vụ tai nạn liên hoàn thì phương tiện gây tai nạn sẽ bị tạm giữ để phục vụ điều tra, xác minh.
Độc giả Trần Văn Tá (Gia Lâm, Hà Nội) hỏi: Tôi lái ô tô lưu thông hướng từ huyện Gia Lâm về nội thành TP Hà Nội. Khi qua cầu Vĩnh Tuy, tôi cho xe rẽ phải xuống đường Nguyễn Khoái, sau đó bị CSGT tuýt còi kiểm tra. CSGT cho biết, tôi vi phạm lỗi “chuyển làn đường không có tín
hiệu báo trước”. CSGT lập biên bản xử phạt là đúng hay sai, xử lý thế nào?
Trả lời: Luật GTĐB năm 2008 quy định đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chấp hành biển báo hiệu đường bộ và quy tắc giao thông trên đường.
Với trường hợp nêu trên, khi điều khiển phương tiện lưu thông trên cầu, muốn rẽ phải để chuyển hướng sang làn đường khác phải bật xi nhan báo cho các phương tiện phía sau biết. Việc xe đang lưu thông trên đường muốn rẽ phải mà không bật xi nhan sẽ có thể xảy ra TNGT bất cứ lúc nào. CSGT lập biên bản lỗi vi phạm của bạn là đúng với quy định.
Việc xử lý lỗi chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước (đối với ô tô) được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.
Tổng hợp