1. Phải cố gắng sửa chữa những bộ phận bị hỏng, tránh thay mới hoàn toàn cho đỡ lãng phí. Có những bộ phận mà nhiều chi tiết vẫn có thể thay thế được từng phần, thì cố gắng xác định hỏng chi tiết nào ta thay thế chi tiết đó, tránh việc phải thay cả toàn bộ cụm/bộ phận đó.
2. Khi thay, nhớ giữ lại các bộ phận cũ, đừng vứt chúng đi. Việc này có 2 mục đích. Một là khi bộ phận mới thay bị hỏng, mình nhanh chóng có mẫu đi mua cái khác, khỏi chờ tháo xe ra. Hai là có thể tháo một số chi tiết ở bộ phận cũ bị hỏng ra để thay vào cái mới, khỏi cần đi mua.
Khi thay đồ mới nên giữ lại các bộ phận cũ bị hỏng - Ảnh minh họa.
Ví dụ như cận Tết vừa rồi, máy phát của em đột nhiên lăn đùng ra. Hôm đó phải đi mua máy phát khác thay cho nhanh để dùng cho kịp Tết. Em giữ lại cái máy phát cũ. Tuần trước cái máy phát mới thay lại chập chờn, lúc sạc được lúc không, thế là em lôi máy phát cũ ra thay sang cái mới được nào là chổi than, nào là đi-ốt. Chỉ có IC nạp là bị hỏng ở cả 2 máy phải đi mua thêm thôi..
Còn những thứ liền một khối như dàn lạnh chẳng hạn, nếu đã xác định thay thì vứt luôn cái cũ ra hàng đồng nát cho rộng nhà vì không thể “xài” lại được nữa. Và cả đời xe, chắc cái đó chỉ thay một lần là cùng, ít có cơ hội mang đi làm mẫu.
3. Các bộ phận bên ngoài động cơ, kể cả các cảm biến, nếu không gây chết máy thì có thể lười đi sửa, thay chậm cũng được.
Nhưng các trục trặc trong động cơ, đặc biệt gây ra tiếng động lạ, cần sửa càng sớm càng tốt, cho dù khi mở máy ra thường rất tốn kém. Các chi tiết gây ra tiếng động đó thường dễ bị bào mòn, từ đó sinh ra vụn kim loại, tiếp tục bào mòn các chi tiết khác.
4. Khi đi sửa xe, tốt nhất nên có thời gian ngồi kẹp thợ. Nói chuyện, nhắc nhở khéo léo với những câu kiểu như "Cái này chốc nữa có cần lau chùi, rửa lại không?". Hoặc cả điệu doạ dẫm, như "Cái van tiết lưu của anh còn tốt, cố gắng giữ gìn đừng để tắc phải lại phải thay tốn tiền".
Xe cũ thì thường các giắc nối rất bẩn, cả đất cát và dầu mỡ, nhìn thấy thì bảo "Lấy RP7 xịt hộ anh cái này, cái kia". Nói chung chịu khó giao tiếp, nói chuyện với thợ thì sẽ tốt hơn cho mình rất nhiều.
5. Bác nào xe cũ tầm trên chục năm mà có dịp phải đại tu, mở máy ra thì nên chú ý kiểm tra các cái "mắt nước" ở vách bên của máy, các mắt tròn tròn xem nó có bị rỉ không. Rỉ thì thay luôn, tránh trường hợp đang đi nó bị thủng chảy hết sạch nước làm mát, mất rất nhiều công sức để cứu hộ với thay mắt khác.
Thường thì máy làm bằng gang còn những cái mắt nước đó làm bằng sắt/thép, có thể bị rỉ và thủng. Em đã bị 1 lần, may mà không cháy máy.
Cũng nhân thể đại tu, các bác kiểm tra các ống dẫn bằng cao su, cái nào mục, nát rồi thì thay luôn. Ống chú ý có 2 loại, dẫn nước làm mát/dẫn hơi và dẫn xăng/dầu.
6. Về việc mua đồ, hầu như đối với tất cả các loại đồ cho xe, nếu mua mới đều có 2 loại: hàng xịn và nhái, mà dân bán đồ thường gọi là "hàng tốt" và "hàng thường". Nên cố gắng cân đối để mua hàng xịn, tốt, vì nó sẽ hoạt động được lâu dài và không gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Ví dụ như má phanh, loại đểu sẽ cứng, đạp không ăn, và bào mòn đĩa phanh nhanh.
Một số chi tiết máy móc có thể mua ở hàng bãi - Ảnh minh họa.
Riêng đèn pha, nếu đi lâu rồi mà pha cũ không sáng được như mới, các bác nâng cấp lên bi-xenon luôn đi, khỏi phải tìm mua lại pha làm gì, chả tốn kém hơn mấy mà cực kỳ hiệu quả.
Khi tự đi mua, đặc biệt là ra chợ trời, mình rất khó mua được giá như thợ, vì họ sẽ nhìn mặt mà phát giá, biết là chủ xe đi mua sẽ hét giá khá cao. Mặc cả nhiệt tình đi, sẵn sàng bỏ sang hàng khác mua nếu thứ mình cần mua không phải là hàng độc mỗi mình họ có. Nếu hàng giá trị thấp thì có thể chặc lưỡi cho nhanh đỡ mất công đi tìm thêm.
Nên gọi điện hỏi hàng, chốt giá từ nhà sẵn, trừ những thứ phải có mẫu thì mang đi tìm thấy đúng rồi mới mặc cả sau, hoặc gia công thì phải xem xét hiện trạng mới có phương án giá.
Khi gọi điện hỏi nên cũng cấp luôn loại xe, đời xe, nếu mua linh kiện gắn với máy thì cung cấp cả loại động cơ, như xe em nói là "máy 2JZ", để cửa hàng nhanh chóng tra mã hàng và giá bán.