Quá tải lưu thông đường bộ luôn là vấn đề nóng bỏng dịp cuối năm. Đặc biệt, khi việc vận tải hàng hóa và hành khách tăng đột biến dịp tết. Trong khi 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đang lún sâu vào vấn nạn kẹt xe, quá tải ở sân bay, bế tắc về giải pháp… thì các cung đường Bắc-Nam, đặc biệt đoạn qua miền Trung lại đồng loạt xuống cấp nặng. Đáng nói là những cung đường này vừa mới được đầu tư kinh phí lớn để nâng cấp, mở rộng, hàng loạt các trạm thu phí dựng lên, tăng mức thu 2,5 - 3 lần. Nhưng giao thông thì không êm thuận, tiềm ẩn tai nạn, nhất là với lưu lượng xe vận tải và hành khách gia tăng.
Kỳ 1: Quốc lộ “tan nát” ngay sau khi nâng cấp
Chiều 21/12/2016, phát biểu trước lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và Bình Định nhân chuyến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt ở tỉnh này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ đặt câu hỏi: “Quốc lộ 1 mới đầu tư nâng cấp, tại sao hư hỏng nhanh và nhiều đến thế?”. Thắc mắc từ người đứng đầu Chính phủ đã không nhận được báo cáo giải trình, ít nhất là cho đến khi kết thúc cuộc làm việc.
Vừa hoàn thành đã hỏng nặng
Đầu năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện sai phạm ở một số dự án đầu tư, nâng cấp và mở rộng QL1A đoạn qua miền Trung với con số gần 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, bức xúc của người tham gia giao thông thật sự trở thành điểm khi các công trình vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng, giao thông trắc trở, mà dân vẫn phải đóng phí cao ở các trạm BOT. Đặc biệt, QL1A đã tan nát với chi chít ổ gà, ổ voi rải khắp các đoạn đường mới nâng cấp từ khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Ngày 4/1, nhóm P.V Lao Động có cuộc khảo sát bằng xe máy từ đầu đến cuối trục đường huyết mạch qua Bình Định. Ban đầu chúng tôi định thử đếm xem có bao nhiêu điểm hư hỏng, vá víu suốt hành trình, nhưng mới đi chừng trên dưới 20 km, dự kiến hoang tưởng này đã tan tành. Đơn giản là không thể thống kê, tính đếm tình trạng “thương tích” hỗn loạn trên cơ thể công trình trọng điểm quốc gia vừa khánh thành chưa lâu. Con đường tựa chiếc áo mới may đã vội vã đổi màu, dày đặc, chi chít những miếng vá loang lổ, nham nhở.

Đoạn đường khổ ải ở Mỹ Phong, Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
QL1 đoạn Bình Định dài gần 120 km. Khi nâng cấp, được chia làm 3 dự án thành phần. Đoạn giữa đầu tư bằng vốn trái phiếu chính phủ; hai phía bắc và nam là các dự án BOT. Nay thì dọc dài cả Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, hư hỏng gần như không bỏ qua bất kỳ đoạn tuyến nào. Lũ vừa rút, cơ quan quản lý và nhà thầu thi công chưa ồ ạt đổ quân ra đường cái quan như đợt trám vá gần 5.000 m2 cuối tháng 10 năm ngoái. Sát mép đường chiều lưu thông Bắc - Nam thuộc thôn Văn Trường Tây, xã Mỹ Phong, Phù Mỹ, ông Nguyễn Trọng Khánh lom khom dùng cuốc khơi thông dòng nước từ Núi Trọc lênh láng đổ xuống. Nước miên man tràn ra mặt đường, đọng thành vũng dưới những hố sâu có bề mặt rộng bằng chiếc chiếu.
Sáng 2/1, ngay vị trí này, chiếc xe loại 5 chỗ vừa ỳ ạch nhích tới thì bất thần đứng khựng, tự biến mình thành “bia đỡ đạn” cho cỗ xe tải đang sát rạt đằng sau. Hậu quả là xe 5 chỗ bị bẹp dí đuôi sau, báo hại chủ nhân phải vật vạ bên đường gần 2 ngày đêm chờ xử lý hậu họa. “Họ vừa rời đi hôm qua, nghe đâu thương thảo bồi thường không được xuôi chèo mát mái”, ông Khánh nói với chúng tôi rồi kể tiếp câu chuyện khác: “Đường sá mới xong mà chất lượng tệ quá. Đừng đổ thừa mưa lũ. Không phải bây giờ mới tan nát thế đâu. Người ta đã sửa đi, sửa lại không biết bao nhiêu lần rồi. Cao ráo cỡ xe khách giường nằm mà có lần đi qua cũng bung rớt từng mảnh vỏ. Trong Đèo Nhong, đoạn rẽ xuống thôn Phú Nhiêu, cứ vài hôm là xảy ra tai nạn. Tôi có đứa cháu hành nghề y nên tận mắt chứng kiến đến 7 - 8 trường hợp chỉ vì té xe mà cậy nhờ đến dao kéo”.
Những điểm lầy lội cỡ Văn Trường Tây, dẫu sao cũng có thể đếm được bằng... đầu ngón tay. Kiểu “ổ gà”, “ổ trâu” mới thực sự là... hằng hà sa số. Ở phía nam cầu Vạn Thiện thuộc địa phận xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, chúng tôi kịp ghi lại hình ảnh cặp vợ chồng nhà nọ suýt đổ kềnh ra đường do không kịp tránh “cái bẫy” cài đặt sẵn như thế. Ông chồng buộc phải lấn sang làn ôtô bởi bên kia vạch vôi sát lề, mặt đường chỉ toàn đá dăm lổn nhổn.

Bẫy tai nạn sau lũ
Hết địa phận Bình Định, sang Phú Yên - QL 1A - đoạn qua huyện Tuy An đang “bày trận” chắp vá. Đoạn từ xã An Dân về thị trấn Chí Thạnh còn nguyên trạng hố hục rõ to và dày đặc mặt QL1A. Tại thị xã Sông Cầu (từ km 1265+00 đến km 1353+300) do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) quản lý phải hì hục chặn xe để đắp vá. Vì hư hỏng quá nghiêm trọng, nên tại đây không vá kiểu “dã chiến”, đơn vị thi công cắt rộng các thảm nhựa, trám lại.
Riêng tuyến đường tránh qua Dốc Găng (thị xã Sông Cầu), người đi đường và phương tiện vẫn đang “chịu trận” với chi chít ổ trâu, ổ voi. Anh Trần Văn Hữu (làm lốp tại một cơ sở trên đèo Dốc Găng) cho biết, nếu ngày thường, anh chỉ làm khoảng 4 lốp xe hư hỏng thì sau mưa lũ, trung bình mỗi ngày phải “phẫu thuật” và thay thế đến hơn 10 lốp bị rách, thủng, nổ. “Không lốp nào chịu nổi. Phương tiện bị tai nạn chủ yếu là xe ôtô con. Hầu như ngày nào cũng có xe bị nổ lốp vào đây. Phần lớn người bị nạn là người dân nơi khác điều khiển xe lưu thông qua đây, vì họ không nắm được “địa hình” đường sá hư hỏng. Có người bị tai nạn giữa đêm phải kêu tôi giúp đỡ. Tết nhất đến nơi rồi, mật độ xe cộ lưu thông nhiều hơn nhưng tôi chưa thấy đường tránh này được tu sửa” - anh Hữu cho hay.

Mặt đường QL 1A mở rộng qua thị xã Sông Cầu, Phú Yên
chi chít ổ gà, ổ trâu.
Anh Huỳnh Nhật Hoài, ở TX Sông Cầu cho biết anh và xe máy vừa bị “cắm” xuống ổ gà sâu chừng 30 cm trên QL1A, đoạn qua xã Xuân Cảnh. Chỉ vào vết thương chi chít còn chưa lành hẳn ở tay, chân, mặt, anh Hoài bức xúc: “Đường sá quá dữ dằn, ổ gà đầy rẫy, tránh được ổ này thì lọt xuống ổ khác. Tôi đi lúc đó mới 17 giờ chiều, trời còn chưa tối, mà vẫn bị tai nạn. Sau khi rơi xuống “ổ trâu” đó, tôi bị trầy xước khắp người, còn xe bị hư hỏng nặng. Vừa nhờ người dân đưa đi cấp cứu thì lại nghe họ nói một người dân khác tiếp tục bị tai nạn ở “ổ trâu” đó. Cách đây 1 tháng, một chiếc container chở ôtô mà “nhảy” một hồi rơi cả ôtô xuống đường”. Tài xế xe tải Nguyễn Tấn Hùng (BKS 47R-002.07) cho biết, anh thường xuyên vận chuyển hàng qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên. “Nếu một chuyến bình thường tôi đi 10 giờ thì thời gian qua phải chạy 11-12 tiếng vì đường ổ trâu quá nhiều. Tài xế xe khách Lê Văn Hải (chạy tuyến Bắc - Nam) cho hay: “Tính mạng hàng chục hành khách trên xe không phải chuyện đùa. Tôi bẻ lái tránh các ổ gà thì khách trên xe bảo sao xe nghiêng lắc nhìn dễ sợ vậy, dù xe chạy như rùa bò qua các đoạn hỏng hóc. Tết nhất mà đường sá không sớm được sửa chữa, cánh tài xế rất bất an”.
Lại đổ lỗi... ông trời
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III Trần Hưng Hà, mưa lớn kéo dài từ ngày 12 - 16/12/2016, trên tuyến QL1A đoạn qua Phú Yên mặt đường phát sinh hư hỏng ổ gà 5 - 7 cm là 750 m2; phát sinh ổ gà 12 cm là 350 m2. Còn giải thích hiện tượng mặt đường rạn, nứt, bục, vỡ liên tục ở Bình Định thì một nhà quản lý có trách nhiệm cho biết: “Sức ép tiến độ là có thật. Đoạn Bình Định từng là hợp phần trễ nải nhất nước. Khi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp quản vai trò đại diện chủ đầu tư từ Ban QLDA 2, gói thầu làm nhanh cũng chỉ đạt 20% khối lượng. Còn lại là 17 - 18%. Lý do khác đến từ vật liệu. Nếu đá Bình Đê chất lượng khá tốt thì các mỏ đá ở Phú Tài lại có vấn đề về khả năng kết dính. Đá Phú Tài sử dụng khá nhiều cho dự án. Ngay dự án BOT phía bắc, có thời điểm phải vận chuyển đá Phú Tài ra”.
Còn nguyên nhân nào khác nữa không? Vụ ầm ỹ kéo 4 xe bồn bịt kín trạm thu phí Nam Bình Định hồi giữa tháng 11 do Cty Minh Đạt khởi xướng nhằm gây sức ép đòi hơn 16 tỉ đồng tiền nợ mà đối tác (Cty CP Đại Tín, nhà thầu chính của Cty TNHH đầu tư BOT Bình Định) lần lữa, dây dưa không chịu trả có thể cung cấp thêm hướng nghi vấn khác. Như báo chí đã thông tin, một trong những lý do được Tổng Giám đốc Đại Tín Lê Văn Bé đưa ra giải thích cho hành vi “giam nợ” là “chất lượng công trình của Minh Đạt không đảm bảo, nguồn gốc nhựa đường không rõ ràng”(!?).
Chiều 5/1, trả lời Lao Động, ông Nguyễn Minh Khánh (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho hay, sáng cùng ngày, cơ quan này đã họp với các nhà thầu và đơn vị tư vấn thiết kế, chuẩn bị cho đợt tu bổ “đến hẹn lại lên”: “Hiện máy móc đã sẵn sàng cho hai dự án BOT cả bắc và nam. Ở tuyến tránh Phù Mỹ, hoạt động sửa chữa diễn ra 2 hôm nay”. Khi được hỏi giải pháp kỹ thuật nào cho “vũng bùn” An Trường Tây, ông Khánh nói “sẽ kiểm tra công trình xây dựng gia đình ông Nguyễn Trọng Khánh có xâm hại đoạn cống thoát nước bên dưới hay không. Nếu có, phải phối hợp xử lý và khắc phục triệt để”. Với tình trạng mấp mô, lồi lõm mặt đường, ông Khánh giải thích: “Làm như vừa rồi là tạm thời, cốt đảm bảo giao thông. Tới đây sẽ phải thi công lại, thay bêtông ximăng bằng bêtông nhựa, sẽ cắt gọt, lăn lu đến chừng nào êm thuận thì thôi”. “Chiến dịch” sắp tới, được biết, sẽ bắt đầu từ ngày 9/1 và kết thúc trước 20/1, tức 23 tháng chạp âm lịch.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 1 qua Bình Định, trước nay trong các báo cáo khắc phục sự cố, luôn khẳng định như đinh đóng cột rằng đã làm đâu ra đấy. Trong báo cáo gửi Bộ GTVT do Phó Tổng Giám đốc Lê Thanh Bình ký nêu việc sửa chữa hư hỏng mặt đường được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GTVT. Mặt đường sau khi sửa chữa đạt yêu cầu chất lượng và đảm bảo êm thuận. Căn cứ “cuốc xe điền dã” của chúng tôi thì kết luận của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh dùng sai cụm từ “êm thuận”! |