Hỏi: Lâu nay, người vi phạm vẫn bị Cảnh sát giao thông (CSGT) dừng xe và yêu cầu kiểm tra các loại giấy tờ. Vậy xin hỏi, nếu người dân nghi ngờ người dừng xe giả mạo CSGT thì có được yêu cầu kiểm tra ngược hay không? Hiện có văn bản nào quy định về việc này hay không?
Trả lời: Yêu cầu kiểm tra của người dân xuất phát từ thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người tham gia giao thông không vi phạm mà vẫn bị CSGT dừng phương tiện để yêu cầu kiểm tra, dẫn đến người tham gia giao thông có quyền nghi ngờ cảnh sát đã làm sai quy trình.
Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, CSGT muốn dừng đỗ phương tiện của người tham gia giao thông trong trường hợp họ không vi phạm thì phải thỏa mãn một trong những điều kiện: Phải có kế hoạch hay mệnh lệnh của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an tỉnh trở lên; hoặc có kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Trưởng phòng Tuần tra (thuộc Cục), Trưởng phòng CSGT, Trưởng công an huyện trở lên; Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan chức năng nhằm phục vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm hay vi phạm pháp luật khác; Hoặc có tin báo, tố giác vi phạm pháp luật.
Người dân có được quyền kiểm tra giấy tờ CSGT? (Ảnh minh họa) |
Vì thế, trong những trường hợp quy định trên, quyền yêu cầu xuất trình kế hoạch, mệnh lệnh của người dân là hoàn toàn chính đáng và phải được chấp nhận.
Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rõ, người dân có quyền tự do đi lại, tự do tiếp cận thông tin, trừ trường hợp đó là thông tin mật. Mà thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước thì phải được đóng dấu “mật”, “tuyệt mật” hay “tối mật”, khi đó lực lượng CSGT mới có quyền từ chối yêu cầu của người dân một cách đúng luật. Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định quyền này của người dân cụ thể tại Điều 9, Điều 10.
Mặt khác, trên thực tế đã xảy ra trường hợp CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nhưng không có văn bản được phê duyệt của người có thẩm quyền, thậm chí còn có hiện tượng giả danh CSGT để dừng xe, dọa dẫm rồi lấy tiền của người dân… Bởi vậy, việc người dân yêu cầu CSGT cho biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát là có căn cứ.
Tuy nhiên, nếu người dân cứ bị dừng xe là đòi kiểm tra kế hoạch chuyên đề của CSGT thì sẽ rất bất tiện cho người thi hành công vụ, thậm chí có thể dẫn đến lạm dụng việc kiểm tra này để cố tình gây khó dễ cho CSGT. Nếu nghi ngờ, người dân có thể yêu cầu kiểm tra chứng minh thư CAND, gọi điện đến đơn vị của chiến sĩ cảnh sát đó, hoặc đường dây nóng để xác minh, tố cáo.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hướng dẫn công khai cách thức kiểm tra, giám sát với những trường hợp có tính phổ biến, để vừa đảm bảo cho người dân được kiểm tra, giám sát vừa không làm khó người thực thi công vụ, đồng thời ngăn chặn được trường hợp lạm quyền, giả danh cảnh sát.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang
(Trưởng văn phòng Luật sư Đăng Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)