Chị Vân lần đầu đua hạng Chuyên nghiệp tại PVOIL VOC 2024. |
Tay đua nữ đầu tiên tham gia hạng Chuyên Nghiệp tại chảo lửa Đồng Mô
PVOIL VOC 2024 đánh dấu lần đầu có một vận động viên nữ đăng ký thi đấu ở hạng Chuyên nghiệp (trước đây gọi là Mở rộng). Chị Nguyễn Thị Vân, người chưa từng đua xe, năm nay sẽ ngồi ghế phụ đội HOC - Korea Team, đồng hành cùng chồng mình - cựu vô địch PVOIL VOC 2021 - Lee Jon Hun.
"Có chút áp lực khi là tay đua nữ đầu tiên thi hạng Chuyên nghiệp, chỉ sợ làm trò cười cho khán giả", chị Vân chia sẻ.
Trên thực tế, chị Vân đã là thành phần không thể thiếu của đội đua do chồng mình lái chính nhiều năm qua. Hình ảnh người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng vô cùng nhanh nhẹn, luôn theo sát tay đua Lee Jon Hun trong từng bài thi đã quá quen thuộc với khán giả hạng Chuyên nghiệp. Những mùa ấy, dù không ngồi đua, Vân luôn được Ban Tổ chức ưu ái cho vào trực tiếp khu vực bên cạnh đường thi. Nguyên do là chồng chị, người Hàn Quốc, lái chính hay còn gọi là Giống, cần có một phiên dịch trong những trao đổi với lái phụ, còn gọi là Chã.
"Các anh trong câu lạc bộ khi biết tin mình đăng ký làm Chã, cười bảo: người nhỏ, da trắng, tự nhiên đua hạng Chuyên nghiệp làm gì cho vất vả", chị Vân nói. "Trước kia đến Đồng Mô chỉ sợ mỗi bụi, giờ thêm nỗi sợ không kéo được tời, bị rơi xuống nước và đủ thứ lo lắng khác".
Chiếc xe đua của vận động viên Lee Jon Hun đang leo dốc bài số 5 - Dốc Tử thần tại PVOIL VOC 2023. |
Tại chảo lửa Đồng Mô sắp tới, đội đua HOC - Korea Team có số thứ tự 410. Từ sau ngày được thông báo bốc thăm số thi đấu, chị nghiêm túc lên hẳn một giáo trình tập luyện cho mình.
"Mỗi ngày 30-40 phút chạy bền. Ra xưởng tập vác cái cày (dụng cụ làm mỏ neo để mắc tời cho xe) mà anh em công nhân cứ cười", Vân nói. Sau những bài tập nhẹ, tay đua nữ tăng dần độ khó với các bài nặng hơn. "Trước giải hai tuần mình mới bắt đầu tập lái xe đua, chuẩn bị cho các bài đổi lái".
Tất nhiên với chiếc xe được ví như mãnh thú hầm hố ở hạng Chuyên nghiệp, không dễ để điều khiển ngay cả với các tay lái nam. Cũng may, sau nhiều năm đi theo anh Lee, chị Vân cũng trang bị được kha khá kiến thức khi là người trực tiếp xem xét và đóng góp vào quá trình làm xe.
Ở cấp độ khó nhất, chị Vân cho hay đang trong quá trình làm quen với các thao tác vác dây tời, kéo tời, móc tời. Người kéo tời phải có sức khoẻ rất tốt, nhất là trong quá trình thi đấu căng thẳng và mệt mỏi, chưa kể dây tời ngấm nước, bám bùn đất rất nặng. Bên cạnh đó còn là kỹ năng khéo léo thuần thục bởi không có nhiều thời gian để xử lý. Chưa kể việc phối hợp Giống - Chã cực kỳ quan trọng bởi nếu không sẽ có nhiều nguy hiểm xảy ra. Đã từng có nhiều tình huống các tay lái trong khi tập luyện, thi đấu bị chấn thương, thậm chí đứt ngón tay khi bị dây tời xiết.
Tính đến nay, chỉ còn hai tuần nữa là giải khởi tranh. Những phút mệt mỏi, chị Vân lại tự động viên mình: "Cứ leo lên xe mà đua, không đi được thì quay xe, có gì đâu".
Bên cạnh offroad, Vân có niềm đam mê mãnh liệt với các loài hoa. |
Anh Lee Jon Hun là chỗ dựa tinh thần vững chắc
Theo chia sẻ của vận động viên nữ đầu tiên đua hạng Chuyên nghiệp, như mọi khi, Lee chưa bao giờ đặt mục tiêu đạt giải mà chỉ cần vui và được thỏa mãn đam mê. Theo chồng đi offroad rất nhiều giải tổ chức từ Việt Nam tới Hàn Quốc, chị Vân tự nhận mình còn nghiện offroad hơn cả chồng. Đây cũng là cơ hội cho chị được trực tiếp thỏa mãn đam mê, thay vì chỉ đứng ngoài đường đua như nhiều năm qua.
"Anh Lee nói mình, áp lực làm gì, anh ấy đã lái rồi, mình chỉ việc làm Chã thôi", Vân kể. "Hồi trước, mình hay đùa anh Lee khi nào "về hưu" thì mình sẽ lái thay, còn hay xin anh cho làm Chã. Lúc ấy anh xót vợ, không muốn cho đua vì sợ vất vả. Giờ anh ngồi ghế chính, vợ ngồi cạnh, anh vui lắm".
Vợ chồng chị Vân - anh Lee đang có cuộc sống hạnh phúc tại Việt Nam. |
Chị Vân và anh Lee bén duyên khi chị sang Hàn Quốc làm việc, còn anh thì đi về công tác giữa hai nước liên tục. Kể về lần gặp gỡ định mệnh cách đây hơn chục năm, chị cũng không nghĩ người đàn ông này có "ngoại hình hầm hố" này là chồng mình.
"Lúc đó ở sân bay, khi chuẩn bị sang Hàn Quốc, mình bị quá cân hành lý nên được yêu cầu bỏ lại thùng phở gà ViFon yêu thích. Mình tiếc quá, nhìn quanh thấy anh Lee đứng đó, mình đánh liều gửi nhờ, vì anh đi công tác nên chả có đồ đạc gì nhiều. Anh Lee nhìn từ đầu đến chân, hỏi gửi cái gì, gửi về đâu, chắc sợ mình làm gì mờ ám. Cuối cùng anh cũng đồng ý, bảo ghi số điện thoại ghi tên cho anh ấy. Rồi khi sang bên kia, mình tự đi lấy thùng phở chứ cũng không có dịp gặp anh cảm ơn".
Khoảng 2-3 tháng sau, anh Lee bất ngờ gọi điện cho chị, nhờ sang dịch hộ cho khách hàng Việt Nam. Sau đó cứ thỉnh thoảng anh lại rủ chị café, rồi đi chơi, rồi hẹn hò. Hai người nên duyên từ đó.
Chị Vân tâm sự, anh Lee vốn không phải gu của chị. "Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ thích anh Lee vì anh hầm hố, đã vậy còn mê offroad, da đen. Mình thì yêu cái đẹp, yêu hoa. Ai dè ghét của nào trời trao của đó", chị cười.
Theo nữ tay đua offroad, chính anh Lee là người đưa chị đến với đam mê offroad. "Theo anh đi đua nhiều giải ở Hàn Quốc, sau về Việt Nam, anh Lee gia nhập câu lạc bộ offroad Hà Nội (HOC), không biết từ lúc nào mình yêu cái sự khốc liệt, bụi bẩn, bùn đất của bộ môn này", chị tâm sự.
Vân là hậu phương vững chắc cho Lee trong các giải đua offroad. |
Năm 2021, khi giành chức vô địch Hạng Mở rộng, Lee gửi lời cảm ơn tới vợ khi là hậu phương vững chắc của mình trong giải. Đáp lại, tay đua người Hàn Quốc mùa giải này lại trở thành chỗ dựa tinh thần lớn cho vợ trong lần đầu chơi hạng khó nhất sân chơi VOC.
"Mình yên tâm với anh Lee, vì anh lái khá tốt nếu như xe ổn. Và xe đua, đội mình luôn làm kỹ", chị Vân chia sẻ.
Đó cũng chính là yếu tố tiếp thêm sự tự tin cho chị khi đến Đồng Mô năm nay. Vẫn chất giọng trầm và phong thái bình tĩnh quen thuộc, nữ tay đua Hạng Chuyên nghiệp không để lộ chút áp lực nào trong lần đầu ngồi xe đua.
"Đua offroad là để thỏa mãn đam mê, giống như chơi hoa thôi". Hỏi về vườn hoa tự trồng, chị thủng thẳng đáp:
- Tập vẫn tập, hoa vẫn trồng, vẫn chăm hằng ngày. Việc nào ra việc đó chứ! (cười)
Phương Huyền