Tình huống lùi xe vô tình gây tai nạn thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Các chủ phương tiện nên để ý đến tình huống này để có kinh nghiệm xử lý, tránh gặp rắc rối về sau.
“Em đỗ xe trên vỉa hè, đường 2 chiều nhưng mỗi làn đường xe rất hẹp. Lúc em lùi xe từ vỉa hè để xuống đường thì bị một chiếc xe khác đi sát lề cùng chiều đâm sầm vào đít xe em. Cơ bản thiệt hại cũng không quá nặng. Em có gọi ngay cho bảo hiểm đến để đánh giá thiệt hại. Bên bảo hiểm kết luận em lùi xe là sai, vì đã không quan sát đủ an toàn.
Nếu tình huống như vậy tức là em phải đền bù toàn bộ thiệt hại của xe đã đâm vào đít em à các bác? Và liệu phía bảo hiểm hỗ trợ em được bao nhiêu ạ?”
Một chiếc xe bán tải lùi xe gây tai nạn trên đường. Ảnh minh hoạ |
Đối với tình huống này của thành viên Hoàng Dương có liên quan đến loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, vì vậy tôi xin trích dẫn quy định liên quan đến về việc hỗ trợ chi trả bảo hiểm như thế này.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định, mức bồi thường tài sản trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. Như vậy trường hợp này nếu Cơ quan công an đã kết luận bạn sai thì bạn phải bồi thường toàn bộ phần thiệt hại cho xe bên kia. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BTC quy định mức trách nhiệm bảo hiểm với thiệt hại về tài sản do ô tô gây ra là 100 triệu đồng/vụ, như vậy phía bảo hiểm sẽ có trách nhiệm xem xét bồi thường tối đa cho bạn là 100 triệu đồng đối với vụ này.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm (tức là không thể quá 100 triệu đồng), trừ trường hợp chủ xe cơ giới tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.
Nếu bạn Hoàng Dương có nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cùng một lúc thì cũng chỉ được đền bù theo hợp đồng ký kết sớm nhất, hay còn gọi là hợp đồng giao kết đầu tiên chứ không thể cùng lúc yêu cầu bồi thường tất cả các hợp đồng đâu nhé. Bạn có thể yêu cầu các công ty bảo hiểm kia phải hoàn lại cho bạn 100% phí bảo hiểm đã đóng đối với các hợp đồng bảo hiểm còn lại.
Phương Huyền