Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, có 6 địa phương không xảy ra TNGT là: Bắc Ninh, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí, Ninh Bình là địa bàn xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến 2 người chết.
Số liệu TNGT đang theo chuẩn của Bộ Công anSố liệu TNGT tới đây sẽ được lấy từ nhiều nguồn khác nhau để đối chiếu - Ảnh: Tạ Tôn |
Ngày 7/2, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Phong, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Bình cho biết, số liệu TNGT trên địa bàn, Ban ATGT lấy từ Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình. “Dữ liệu TNGT là dữ liệu Quốc gia do ngành Công an quản lý nên số liệu TNGT của họ là dữ liệu có tính pháp lý. Chúng tôi chỉ lấy số liệu từ Phòng CSGT Công an tỉnh chuyển sang làm căn cứ”, ông Phong nói.
Sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, CSGT Ninh Bình cho biết, đã có văn bản báo cáo Cục CSGT (Bộ Công an) đính chính, bổ sung thêm thông tin trên địa bàn xảy ra 1 vụ TNGT làm 2 người chết. Đại tá Đinh Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: Vụ TNGT xảy ra hôm 26/1 (tức 29 Tết), song do anh em ở dưới không hiểu cứ nghĩ 30 mới tính là Tết nên khi tổng hợp chỉ báo cáo từ ngày 27/1 (tức 30 Tết), lệch đi một ngày và không đưa vụ TNGT xảy ra hôm trước vào báo cáo. “Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã có văn bản báo cáo gửi lên Cục CSGT để bổ sung thông tin và sẽ có chấn chỉnh cụ thể trong việc thu thập dữ liệu từ các địa phương”, Đại tá Ninh nói.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, vấn đề báo cáo số liệu TNGT có trung thực hay không thời gian qua được nhiều người đặt câu hỏi. Tuy nhiên, phải nói rằng, trong báo cáo ATGT, thời điểm báo cáo rất quan trọng. Ví dụ, quy định 12h, công an các tỉnh phải nộp hết báo cáo số liệu TNGT. Đến thời điểm đấy, có bao nhiêu người ta nộp bấy nhiêu. Nhưng sau khi báo cáo nộp lên, có thể phát sinh thêm tai nạn nhưng không được cập nhật bổ sung vào báo cáo.
Cũng theo ông Hùng, so 7 ngày Tết năm nay với 7 ngày Tết năm ngoái, tất cả các tiêu chí TNGT đều tăng. Tuy nhiên, khi so sánh tổng thể 7 ngày Tết năm nay với 9 ngày Tết năm ngoái bằng cách tính bình quân số người chết một ngày thì số người chết do TNGT lại giảm. “Số người chết dịp Tết 2017 là 29 người/ngày, dịp Tết năm 2016 là 33 người/ ngày. Về số liệu chính xác về TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 26/1 - 1/2), ông Hùng cho biết, toàn quốc xảy ra 369 vụ TNGT, làm chết 205 người, làm bị thương 417 người. “Số liệu này được lấy theo chuẩn của Bộ Công an”, ông Hùng nói thêm.
Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, Uỷ ban ATGT Quốc gia căn cứ vào số liệu của Bộ Công an để báo cáo. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm là từ thời điểm báo cáo đến thời điểm công bố, cần liên tục cập nhật số liệu, tránh tình trạng báo chí, mạng xã hội đã đưa thông tin rồi mà chúng ta vẫn lấy số liệu cũ. “Ví dụ, như nhận số liệu lúc 12h, sau đó tổng hợp và công bố lúc 16h. Trong khoảng thời gian đó, nếu có thông tin tai nạn phải cập nhật ngay”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đặt mã số từng vụ tai nạn tránh bỏ lọt thống kê.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Minh, chuyên gia GTVT cho biết, thống kê TNGT khá phức tạp nên cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan. Chẳng hạn một người bị thương không phải do TNGT nhưng khi vào bệnh viện vì một lý do nào đó đã khai do TNGT để được điều trị. Những trường hợp như vậy trong thực tế là có và hoàn toàn có thể phát hiện được nếu đối chiếu với hệ thống dữ liệu của CSGT. Ngược lại, có những vụ TNGT người dân không khai báo với CSGT mà tự dàn xếp với nhau. Bởi vậy, các số liệu TNGT muốn chính xác phải có sự kiểm tra chéo từ nhiều nguồn như: CSGT, bệnh viện, bảo hiểm và trong một số trường hợp là chính quyền địa phương. Do số liệu được thống kê bởi nhiều cơ quan nên điều quan trọng là tránh bị trùng lặp. “Kinh nghiệm quốc tế là cơ quan chức năng hoặc cơ quan tiếp cận TNGT đầu tiên sẽ đặt một mã số cho vụ tai nạn. Mã số đó sẽ được sử dụng cho các tiến trình tiếp theo và chia sẻ cho các cơ quan có liên quan để tham chiếu khi cần thiết”.
Đối với hoạt động thống kê, phân tích TNGT, do mang tính liên ngành nên cần phải có quy định của Chính phủ mới thực hiện được. Hiện nay nội dung xây dựng Nghị định về thống kê, báo cáo và chia sẻ dữ liệu về TNGT đang được Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Minh, TNGT chỉ là một vấn đề. Muốn quản lý ATGT tốt hơn thì cần phải quản lý được cả các vi phạm TTATGT, thông qua việc thống kê và chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan. Luật Thống kê hiện nay mới chỉ quy định thống kê về số vụ, số người chết và số người bị thương, nên trong thời gian chờ sửa đổi bổ sung Luật Thống kê cần phải có thêm quy chế báo cáo về TTATGT nhằm cung cấp và lưu trữ những lỗi vi phạm về TTATGT của người tham gia giao thông qua từng năm (như việc đỗ xe không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe...), các thông tin khác có liên quan đến hạ tầng, người lái. Đây có thể coi là công việc thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý ATGT tốt hơn.
“Như vậy, cơ sở dữ liệu Quốc gia về ATGT sẽ bao gồm hai mảng chính, thứ nhất là dữ liệu về TNGT của Bộ Công an; thứ hai là các thông tin về hạ tầng, phương tiện, người lái, bảo hiểm, Y tế cũng như thông tin thống kê về các vi phạm TTATGT... sẽ được chuyển về hệ dữ liệu Quốc gia. Tùy theo chức năng nhiệm vụ, các đơn vị sẽ được phân quyền tiếp cận để sử dụng dữ liệu. Khi đó sẽ cơ bản khắc phục những bất cập trong trong thống kê TNGT, đồng thời giúp quản lý ATGT tốt hơn”, ông Minh nói.
UBATGTQG