Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay lực lượng chức năng đã tạm giữ 531 xe ba, bốn bánh giả danh xe thương binh, người khuyết tật; tình trạng xe ba bánh hoạt động trên đường đã giảm mạnh. Nhưng gần đây, những phương tiện này tiếp tục hoạt động trở lại. Tại khu vực đường Nguyễn Xiển (đoạn qua cầu Dậu, quận Hoàng Mai), gần chục xe ba bánh vẫn đậu ven đường, luôn chào mời chở hàng cho khách. Ngoài ra, khu vực đường Giải Phóng cũng tái xuất hiện xe ba bánh hoạt động với tần suất lớn, chở hàng cồng kềnh.
Theo Đội Cảnh sát giao thông số 14, từ tháng 6 đến nay, Đội đã thu giữ gần 140 xe ba bánh vi phạm, giả danh thương binh, người khuyết tật. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì phương tiện vi phạm nhiều, nhưng lực lượng Cảnh sát giao thông mỏng, địa bàn quản lý rộng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý một chủ xe ba bánh. |
Quận Đống Đa được xem là nơi có số lượng xe ba bánh tập trung nhiều nhất với hàng nghìn xe đang hoạt động. Theo Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, trung bình mỗi tháng, Đội xử lý vài chục trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, giả danh thương binh, người khuyết tật. Tuy nhiên, việc xử lý không dễ vì lực lượng của Đội mỗi chốt chỉ có 2-3 cán bộ, chiến sĩ trực, vào giờ cao điểm vừa điều tiết giao thông, vừa phải xử lý xe ba bánh...
Đánh giá về những khó khăn trong xử lý những vi phạm nêu trên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết, dù đã có nhiều kế hoạch, triển khai quyết liệt, song việc xử lý vẫn như "bắt cóc bỏ đĩa". Để giải quyết tận gốc, phải xử lý nơi sản xuất loại xe tự chế này. Hiện tại, lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ đang xử lý phần "ngọn", do đó hiệu quả không cao.
Phải có lộ trình
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, cùng với việc công an các quận, huyện và thị xã làm tốt công tác điều tra cơ bản, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã chỉ đạo các đội tập trung xử lý nghiêm tất cả vi phạm, đồng thời không can thiệp vào việc xử lý của Cảnh sát giao thông. Những trường hợp can thiệp, đề nghị cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ghi lại tên tuổi, địa chỉ để chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của những người này. Đồng thời, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp, tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ để giải quyết triệt để vấn đề này.
Hiện nay, Công an thành phố đã hoàn thành việc rà soát, xác định đối tượng sử dụng và số lượng xe ba, bốn bánh trên địa bàn. Theo đó, thành phố có 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba bánh, bốn bánh; 4.367 trường hợp sử dụng xe (593 trường hợp thương binh, 88 trường hợp bệnh binh, 99 trường hợp người khuyết tật, 3.587 trường hợp khác). Trong đó, chỉ 30 xe đã đăng ký, được phép lưu hành phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh.
Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải đã đề xuất với UBND thành phố lộ trình và giải pháp hạn chế, tiến tới cấm sử dụng loại phương tiện này. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ vận động các doanh nghiệp và thương binh, người khuyết tật đang sử dụng xe ba, bốn bánh để vận chuyển hàng hóa chuyển đổi sang xe dành riêng cho trường hợp này. Cùng với đó là quy định về thời gian, phạm vi hoạt động, đồng thời tiếp tục kiểm tra, kiên quyết xử lý xe không bảo đảm điều kiện...
Năm 2018, lực lượng chức năng sẽ triển khai cấp biển số, đăng ký, đăng kiểm cho xe ba bánh do thương binh, người khuyết tật điều khiển và không được phép chở thêm người cũng như hàng hóa; đồng thời thu hồi toàn bộ xe ba, bốn bánh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.