Ba Lan tịch thu ô tô nếu tài xế say rượu kể từ 14/3. |
Từ ngày 14/3, Ba Lan áp dụng quy định tịch thu ô tô đối với người lái xe trong tình trạng say xỉn, dù có gây ra tai nạn trên đường hay không.
"Tịch thu ô tô do lái xe trong tình trạng say rượu là một hình phạt nghiêm khắc. Nhưng nó có thể ngăn cản một cách hiệu quả nguy cơ gây ra tai nạn giao thông do say rượu", ông Mikołaj Krupiński, phát ngôn viên của Viện Vận tải Ô tô cho biết.
Cụ thể, việc tịch thu phương tiện giao thông tại Ba Lan sẽ áp dụng trong các trường hợp sau:
1- Người điều khiển phương tiện cơ giới nếu có nồng độ cồn trong cơ thể cao hơn 0,75 phần nghìn trong hơi thở hoặc 1,5 phần nghìn trong máu sẽ bị tịch thu xe.
Trong trường hợp gây tai nạn, tòa án có thể ra lệnh tịch thu xe nếu nồng độ cồn trong cơ thể người đó ở mức 0,5 phần nghìn trong hơi thở hoặc 1 phần nghìn trong máu.
(Lưu ý, Ba Lan cho phép lái xe có cồn dưới ngưỡng 0,2 phần nghìn trong máu hoặc 0,1 phần nghìn trong hơi thở - không áp dụng zero).
Ông Mikołaj Krupiński cho biết thêm, trung bình mỗi năm cảnh sát bắt giữ khoảng 100.000 người lái xe trong tình trạng say rượu. Tính riêng năm 2022, 923 vụ tai nạn gây ra bởi nhóm tài xế xe du lịch, do lái trong tình trạng say rượu, chiếm tỉ lệ 65,2%. Vì vậy, mục đích của quy định này nhằm ngăn cản tài xế lái xe sau khi uống rượu.
Theo quy định được áp dụng từ 14/3, với những trường hợp vi phạm, cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện trong 7 ngày để công tố viên ra lệnh đảm bảo tài sản. Sau đó, tòa án ra lệnh tịch thu tài sản đó cho kho bạc nhà nước.
Nếu chiếc xe không phải là tài sản của người lái xe hoặc bị hư hỏng nghiêm trọng, tòa án sẽ ra lệnh tịch thu tài sản tương đương. Nếu tài xế là nhân viên lái xe của công ty, tòa án sẽ áp dụng khoản bồi thường cho Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân và Hỗ trợ Sau khi sám hối. Mức phạt từ 5.000 PLN đến 60.000 PLN.
Giá trị của chiếc xe sẽ được tính dựa trên giá trị thị trường trung bình của chiếc xe tương ứng, có tính đến nhãn hiệu, kiểu dáng, năm sản xuất, loại thân xe, loại dẫn động và động cơ, công suất hoặc công suất động cơ và quãng đường ước tính của chiếc xe.
Các phương tiện bị tịch thu sẽ được gửi đến các cuộc đấu giá thừa phát lại, được quy định bởi Đạo luật về thủ tục thi hành án trong hành chính và các quy định thực hiện của nó. Giá khởi điểm ở phiên đấu giá đầu tiên sẽ là 75% giá trị của chiếc xe do người định giá xác định.
Tịch thu phương tiện của tài xế lái xe khi say xỉn là biện pháp ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông hiệu quả. |
Quy định tịch thu phương tiện không phải mới. Vào năm 2014, một dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội về việc tịch thu phương tiện của thủ phạm gây ra vụ tai nạn giao thông đường bộ trong tình trạng say rượu, dẫn đến cái chết của một người khác. Tuy nhiên dự luật này bị bác bỏ do một số vấn đề liên quan dến quyền sở hữu phương tiện và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình thủ phạm.
Đến năm 2021, Ba Lan áp dụng quy định tịch thu xe gây tai nạn trong trường hợp tài xế có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép.à
Ngoài ra, không chỉ Ba Lan, nhiều nước châu Âu khác đã ban hành lệnh tịch thu ô tô vì lái xe trong tình trạng say rượu, như ở Lithuania và Latvia. Hình phạt tịch thu ô tô đang có hiệu lực ở một số nước châu Âu và ngày càng được áp dụng nhiều hơn trong các trường hợp chạy quá tốc độ. Thậm chí, ở Pháp, tái phạm cùng một hành vi phạm tội sẽ dẫn đến mức phạt tăng 100%.
Trước quy định mới, một cuộc khảo sát được thực hiện với 1.017 tài xế Ba Lan. 40% trong số người được hỏi cho rằng đây là hình phạt hiệu quả.
Phương Huyền