Từng được xem như phương tiện di chuyển tiện lợi, thân thiện với môi trường, phù hợp với người thu nhập thấp..., xe đạp điện và xe máy điện giờ đây lại bị coi là hiểm hoạ giao thông ở Trung Quốc, dẫn tới lệnh cấm loại phương tiện này ở nhiều thành phố lớn.
Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, người đi xe đạp điện... chiếm tỉ lệ cao
trong các vụ cấp cứu TNGT ở nhiều bệnh viện lớn.
Bắc Kinh đã chính thức áp dụng lệnh cấm xe hai bánh chạy điện - xe đạp điện, xe máy điện - trên 10 tuyến phố lớn ở thành phố này từ đầu tuần trước, nhằm lập lại trật tự giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT). Trong số 10 tuyến phố nói trên có Đại lộ Trường An kéo dài và nhiều phố quanh khu vực Quảng trường Thiên An Môn - trung tâm thành phố.
Sở Giao thông Bắc Kinh cho biết, đây là 10 tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn, tỷ lệ TNGT cao, và thường không có làn đường dành riêng cho xe đạp.
Với quy định mới, người vi phạm sẽ bị phạt 20 Nhân dân tệ (tương đương 3,1 USD hay 70.000 VND) và tịch thu phương tiện nếu không chịu nộp phạt.
Số nạn nhân TNGT đi xe đạp điện bị chấn thương sọ não cũng có tỉ lệ cao
một cách đáng ngại do thường né tránh các biện pháp bảo vệ.
Hiện có khoảng 4 triệu chiếc xe hai bánh chạy điện đang được sử dụng tại Bắc Kinh; trong đó xe máy điện nhiều hơn xe đạp điện. Việc người đi xe đạp điện, xe máy điện vượt đèn đỏ hoặc đi ngược chiều, đi sai làn không hiếm gặp ở thành phố đông đúc này.
Năm ngoái, tại Bắc Kinh xảy ra 31.404 vụ tai nạn liên quan đến xe hai bánh chạy điện; trong đó có 113 trường hợp tử vong và 21.423 trường hợp chấn thương. Số người bị thương chiếm 36,7% số vụ TNGT các loại.
Từ đầu năm đến nay, cảnh sát đã nhận được hơn 6.000 đơn thư liên quan đến xe hai bánh chạy điện.
Trước Bắc Kinh, một vài thành phố tại Trung Quốc
đã cấm xe đạp điện, xe máy điện để giảm TNGT.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, một lệnh cấm tương tự đối với xe đạp điện, xe máy điện cũng đã được triển khai ở Thẩm Quyến, vấp phải sự phản đối của nhiều công ty thương mại điện tử và công ty chuyển phát.
Các công ty chuyển phát nhanh và các nhà hàng ở thành phố này sử dụng xe đạp điện, xe máy điện cho 80% hoạt động giao nhận hàng. Tại Bắc Kinh, tỷ lệ là hơn 90% nhà hàng giao thực phẩm tận nơi cho khách bằng xe đạp điện, xe máy điện.
Theo tờ South China Morning Post, các công ty chuyển phát nhanh ở Thẩm Quyến cho biết họ chỉ có thể để nhân viên giao hàng làm vào sáng sớm và tối muộn - ngoài giờ làm việc của cảnh sát giao thông, để tránh bị bắt.
Hơn 800 người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện ở Thẩm Quyến này đã bị bắt và gần 18.000 xe bị tịch thu kể từ khi chính quyền thành phố áp dụng lệnh cấm vào ngày 21/3/2016.
Lệnh cấm này đã khiến khoảng 1.000 người làm nghề giao hàng bỏ việc vì sợ bị cảnh sát bắt hoặc chủ phạt vì không giao kịp đơn hàng.
Một lệnh cấm tương tự cũng đã được áp dụng ở Tây An - thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây ở phía tây bắc Trung Quốc - vào năm 2006; sau đó, các thành phố khác như Hải Khẩu và Vũ Hán cũng học tập.
Sau Bắc Kinh, một số thành phố khác của Trung Quốc có thể cũng sẽ áp dụng lệnh cấm tương tự. "Các thành phố có tình hình giao thông phức tạp có thể cũng sẽ áp dụng các lệnh cấm tương tự vì mối lo về an toàn do loại xe này gây ra đã trở thành một vấn đề "đau đầu" ở Trung Quốc," ông Wang Limei - Phó chủ tịch Hiệp hội giao thông đường bộ Trung Quốc - cho biết.