Trong tuần này Nissan cho hay họ sẽ xuất khẩu 100.000 mẫu xe thể thao nhỏ Rogue mỗi năm. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đặt ở Kyushu và đưa sang thị trường Bắc Mỹ bắt đầu từ đầu năm 2016, theo The Wall Street Journal ngày 10/7.
Một mẫu Fit subcompact của Honda
Trong khi đó, hãng Honda cũng tiết lộ kế hoạch xuất khẩu 40.000 xe Fit subcompact đến Bắc Mỹ tính tới tháng 3 năm sau. Nhà máy Honda tại Mexico, nơi sản xuất dòng Fit Subcompact này vẫn sẽ hoạt động, tuy nhiên sẽ tập trung vào mẫu SUV HT-V subcompact phổ biến hơn, Honda cho biết. Như vậy, các dòng xe Fit subcompact sẽ là nhiệm vụ của nhà máy tại Nhật trong thời gian tới.
Việc Honda và Nissan đồng loạt đẩy mạnh xuất khẩu thẳng sang thị trường Mỹ và Bắc Mỹ nói chung đánh dấu sự chuyển đổi trong chiến lược của họ.
Trước đây với việc tận dụng nhân công, nhiên liệu và một đồng yen mạnh, những hãng xe lớn của Nhật đã mở nhà máy tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy với riêng việc đồng yen sụt giá so với USD 3 năm liền, họ nhận thấy việc xuất khẩu thẳng sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn, The Wall Street Journal nhận xét.
Vào năm 2010, Honda sản xuất 27% số xe của họ trong nước và xuất khẩu được 1/3 số ấy. Đến năm 2014, Honda chỉ sản xuất 21% xe trong nước, nhưng chỉ xuất khẩu 3%. Và bây giờ trong bối cảnh mới, có vẻ như một lần nữa Honda cũng như các hãng xe Nhật lại phải quay về với việc chú trọng xuất khẩu.
Sự thay đổi này thành hay bại chưa thể biết, nhưng ít nhất Honda và Nissan có thể nhìn theo tấm gương của Toyota. Hãng sản xuất xe lớn thứ 3 Nhật Bản được xem là người hưởng lợi nhiều nhất từ sự suy yếu của đồng yen.
Cách đây 3 năm, thời điểm đồng yen đạt mức giao dịch cao kỷ lục, Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota bị chỉ trích vì trung thành với chính sách chú trọng sản xuất trong nước, khi làm tới 3 triệu chiếc trong nước, tức chiếm 1/3 số lượng sản xuất của hãng trên toàn cầu.
Trong năm tài chính qua, Toyota công bố lợi nhuận ròng kỷ lục 2,17 nghìn tỷ yen (tương đương 17,6 tỷ USD).
Mặc dù vậy các thống kê vừa qua cho thấy, các hãng xe Nhật Bản đang gặp rất nhiều vấn đề trong việc cạnh tranh thị trường.
Ngược lại với việc đồng yen yếu hơn USD là việc Nhật Bản phải vất vả trong việc xuất khẩu đến các thị trường lớn nhưng đang gặp khó khăn về kinh tế như Nga và Trung Quốc.
Xuất khẩu sang Trung Quốc từ Nhật Bản giảm 47% về số lượng trong 5 tháng đầu tiên của năm. Xuất khẩu sang Nga, một nền kinh tế yếu hơn, giảm 37% trong cùng thời kỳ,theo số liệu từ Hiệp hội sản xuất xe hơi Nhật Bản.
Ngay đến Toyota bất chấp đã "giành chiến thắng" tại Mỹ với số lượng xuất khẩu tăng 5% từ tháng 1 tới tháng 5 năm nay, nhưng sụt giảm tới 48% tại Trung Quốc, đơn giản vì họ vẫn tồn ứ sản phẩm tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới này.
Theo DoanhnhanSaigon