Hơn 20 người thiệt mạng mỗi ngày
Báo cáo về công tác đảm bảo trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 do ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia – trình bày tại phiên họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người; giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với 6 tháng đầu năm 2016.
Trong đó, trên đường bộ đã xảy ra 9.457 vụ TNGT, làm chết 4.031 người, bị thương 7.890 người; đường sắt xảy ra 76 vụ với 65 người chết và 30 người bị thương.
Trong nửa đầu năm 2017 có 38 tỉnh, TP trực thuộc trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng 22 địa phương lại có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016. Cá biệt có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu.
Theo báo cáo sơ bộ của công an các địa phương, đa phần các vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng đều liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe ô tô tải; một phần liên quan đến xe máy.
Các vụ TNGT phần lớn đều do lái xe vi phạm quy định trật tự ATGT như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém...
Về TNGT đường sắt, nguyên nhân được chỉ ra là do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định ATGT khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh.
Ủy ban ATGTQG cũng nhận định, dù tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng TNGT vẫn diễn biến khó lường.
Tình trạng xe dù, bến cóc vẫn diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, hiện tượng xe chở quá tải tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu như Yên Bái, Phú Thọ…
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 30/6, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk H’ring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Sau tai nạn, nhiều người đã tham gia cấp cứu nạn nhân - Ảnh: T.T.N |
Người thực thi công vụ dung túng vi phạm
Chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế công tác thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT.
“Còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thuỷ nội địa”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự, ATGT mặc dù đã khá đầy đủ nhưng vẫn còn những lỗ hổng, bất cập, hoặc đạt hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; việc triển khai còn thiếu linh hoạt, áp dụng cứng nhắc.
Trong quý 3 và những tháng còn lại trong năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10%; giảm số vụ ùn tắc giao thông trên các trục giao thông trọng điểm và tại Hà Nội, TP HCM…
Giao nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong quý III cho các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT quốc gia tập hợp những bất cập về mặt quy định pháp luật, chính sách trong bảo đảm trật tự, ATGT để kiến nghị với các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch sửa đổi, hoàn thiện.
Bộ Giao thông vận tải phải nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn về quản lý chất lượng lái xe kinh doanh vận tải và quy định thời gian thử thách đối với người mới có giấy phép lái xe; trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm trên luồng hàng hải và đường thuỷ nội địa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện và chỉ đạo địa phương xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường bộ; bổ sung gờ giảm tốc, cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt; rà soát, điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn 41 mới, báo cáo tình hình thực hiện trong quý III năm 2017.