Ông Yamamoto Kenichi. |
Trong giai đoạn từ những năm 1980 của thế kỷ trước, ông Yamamoto đã giữ cương vị chủ tịch của Mazda. Trước đó, ông đã tốt nghiệp trường Đại học Tokyo với bằng kĩ sư cơ khí và có thời gian phục vụ trong hải quân Nhật Bản.
Không lâu sau khi khởi đầu sự nghiệp tại công ty máy bay Kawanishi, chiến tranh thế giới thứ II đã bùng nổ. Sau giai đoạn này, kĩ sư trẻ Kenichi Yamamoto về làm việc trong nhà máy hộp số Toyo Kogyo giữa thành phố quê hương Hiroshima, lúc này hoang tàn sau vụ nổ hạt nhân. Nhà máy sở hữu tên gọi Mazda này sau đó cũng mở rộng lĩnh vực chế tạo sang xe thương mại, vũ khí, dụng cụ, và cả xe du lịch.
Ban đầu, Kenichi Yamamoto được giao lắp ráp hộp số và vi sai cho các xe tải ba bánh. Sau khi tìm thấy những bản vẽ kĩ thuật chính xác cho các loại phụ tùng mà mình đảm nhận, ông đã liên tục giám sát chất lượng xuất xưởng. Sự năng động và những đóng góp quan trọng ở khía cạnh này đã khiến ban lãnh đạo Toyo Kogyo để mắt tới ông Yamamoto, và giao trọng trách mới ở bộ phận kĩ thuật. Sau một thời gian phấn đấu, Kenichi Yamamoto đã lên tới vị trí Phó Giám đốc bộ phận thiết kế động cơ và xe vào năm 1959. Trong giai đoạn này, ông đã giám sát việc phát triển các mẫu xe tải Mazda K360 và R360, cũng như mẫu xe du lịch đầu tiên.
Tuy nhiên, phải tới năm 1984, Toyo Kogyo mới lần đầu tái sử dụng thương hiệu Mazda trên những chiếc xe thương mại, rất lâu kể từ khi cái tên này xuất hiện lần đầu trên chiếc xe tải 3 bánh năm 1931.
47 Ronin, đội kĩ sư được chọn lựa đặt biệt để phát triển động cơ xoay Wankel tại Mazda. |
Trong giai đoạn đầu thập kỷ 60, Mazda đã kí kết hợp tác với NSU, với một phần thỏa thuận nằm ở việc hãng xe Đức cho phép đối tác Nhật Bản phát triển động cơ xoay Wankel. Dĩ nhiên, Yamamoto trở thành người dẫn dắt dự án độc đáo này.
Tới năm 1963, đội ngũ 47 Ronin đã hoàn tất mẫu thử nghiệm đầu tiên, lắp đặt trên chiếc xe thể thao Cosmo Sport 110S (sản xuất từ năm 1967). Sau đó, Yamamoto cũng đã cải thiện động cơ xoay cả về nhiên liệu tiêu thụ (tới 40%), và khí thải nhằm đáp ứng các quy chuẩn chặt hơn của Mỹ và Châu Âu.
Dù không phải sản phẩm thực sự thành công về mặt thương mại, nhưng động cơ xoay của Mazda đã có những bước tiến lớn nhờ công sức của Yamamoto. Ngược lại, nhà lãnh đạo này của Mazda cũng nhờ đó mà từ "lính mới" trở thành Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của Mazda trong những năm cuối thập niên 70.
Kể cả khi trở thành Chủ tịch của tập đoàn, Yamamoto vẫn trực tiếp chịu trách nhiệm các dự án nghiên cứu và phát triển của Mazda. Trong khoảng thời gian này, nhiều sản phẩm mạnh cũng đã ra đời - bao gồm cả chiếc roadster MX-5 Miata, song song với những thành tích đáng nể về thể thao - điển hình là chiếc Mazda 787B với động cơ xoay đã chiến thắng trong giải Le Mans 1991.
Trước khi về hưu vào năm 1992, Kenichi Yamamoto đã để lại những di sản tuyệt vời cho Mazda, trong đó có cả bán tải REPU, R100, RX-2, RX-3, RX-4, ba thế hệ RX-7. Trong nhận định của giới chuyên môn, ông Kenichi Yamamoto cũng chính là người đã tạo ra nét cá tính cho những chiếc xe Mazda, mở đường cho hàng loạt thế hệ xe đã đưa thương hiệu Nhật Bản này lên đỉnh cao, qua đó tạo cơ hội thành công cho SkyActiv-X, SkyActiv-R...
Nguyễn Thúc Hoàng Linh