Trước khi lên đường quay lại chinh phục hang Địa Ngục - top 10 hang sâu nhất và khó chinh phục nhất Việt Nam tôi lên kế hoạch cặn kẽ cho hành trình. Không thể qua loa được vì đây cũng là một trong những nơi ít người dám và có khả năng đặt chân đến nhất, hơn nữa chính bản thân tôi đã phải bỏ dở ở hành trình trước.

Thời gian cho chuyến đi vào ngày 15/1/2015, dự kiến trong 2-3 ngày. Địa điểm chính là vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang là nơi có đủ các yếu tố tạo nên 1 trong những hang sâu nhất Việt Nam - hang Địa Ngục.
Hang là nơi 4 dòng suối đổ về rồi chảy xuống sông Nho Quế, theo người dân bản địa thì đây là 1 hang rất sâu,theo chiều thẳng đứng chứ không phải sâu theo chiều ngang, bao nhiêu nước chảy vào hang cũng hết. Vào mùa mưa không vào được hang vì nước suối rất to, không cẩn thận bị nước suối cuốn vào hang là khỏi về nhà. Mùa khô suối cạn mới có thể tiếp cận được cửa hang, dân địa phương chưa ai dám đi cả vì phải đu dây, hang sâu và là một nơi linh thiêng. Hang cách biên giới Trung Quốc khoảng 10km.
Sau 2 tháng chuẩn bị đồ nghề, mua dây bên Mỹ, quyết tâm chinh phục hang Địa Ngục lên cao hơn bao giờ hết. Hiện đang là thời điểm thuận lợi vì mùa khô suối cạn, tháng 1 năm 2015.
Lịch trình:
- tối : 15/1/2015 đi xe khách lên Hà Giang
- sáng : 16/1/2015 :vào bản,
Sau đó trek xuyên rừng khoảng 2km, đi dọc theo lòng suối cạn đến cuối dòng suối đổ vào cửa hang, nơi hơi nước bốc lên nghi ngút ( mà dân gian hay gọi là "lam sơn chướng khí".
- Đu dây 70m sâu thẳng xuống lòng hang, dưới đó tiếp tục đu dây vào lần nữa.
Chai Sâm panh thứ 2 sẽ đc khui khi chinh phục điểm sâu nhất của hang Địa Ngục, dự kiến là điểm cuối hang Địa Ngục cũng là 1 hồ nước rất sâu và rộng.
- Sau khi trở về từ hang Địa Ngục, gặp lại ánh sáng mặt trời, anh em sẽ làm một bữa lẩu tại 1 quán ăn rất ngon gần đó rồi chia tay cậu em người Hán và chú trưởng thôn, anh em về lại Hà Nội.

Thành phần tham gia: 5 người, có kinh nghiệm đi trek. Sau 2 tuần đăng tuyển trên Facebook, chúng tôi đã tuyển đủ 5 thành viên. Do thám hiểm hang động là 1 môn rất mới ở Việt Nam nên chúng tôi có 2 buổi tập và test thể lực anh em.

Buổi test khả năng đu dây và sợ độ cao trên cầu Long Biên diễn ra tốt đẹp mặc dù trời mưa và rét.

Danh sách 5 thành viên chinh phục - hang Địa Ngục (sâu -293m, top10 hang sâu nhất VN thời điểm hiện tại, theo thống kê của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam):
1/ Long Icon: đội trưởng, phụ trách dẫn đoàn, hướng dẫn kỹ năng đu dây lên, xuống và 1 số kỹ năng thám hiểm hang động. Cầm bộ đàm số 1.
2/ Nguyễn Văn Duy: có kinh nghiệm đi hang nhưng là lần đầu tiên đi cùng đoàn, hy vọng có thể chia sẻ 1 vài kỹ năng thám hiểm hang động với anh em.
3/ Nguyễn Thành Công: to khoẻ nhất đoàn, có nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển dây leo núi và giúp anh em tời đồ lên xuống.
4/ Nguyễn Đức Toàn: cao ráo đẹp trai nhất đoàn, vào bản có thể dùng nam nhân kế khi cần thiết.
5/ Tuan Doan: đội phó, đi chốt đoàn, có kinh nghiệm đi hang và kỹ năng đu dây sẽ đứng ở đầu dây còn lại hỗ trợ mọi người đu dây. Tuan cầm bộ đàm số 2.
Đặc biệt đoàn có 1 nhà nữ thám hiểm xinh nhất đoàn - Uyên Nguyễn.
Tất cả đã sẵn sàng. Cần phải nói thêm là chuyến này chúng tôi dự kiến đi 2 hang : hang Ong sâu top5 VN và hang Địa Ngục sâu top10 VN, hang Địa Ngục khó nên chỉ có 5 nam giới tham gia.

Cả đoàn tập trung tại bến xe Mỹ Đình lúc 8h tối ngày 15/1/2015 để xếp hành lý, mỗi người quản lý 2 túi đồ, 1 đồ cá nhân và 1 đồ đoàn, chụp ảnh trước khi lên xe giường nằm.
Đoàn thám hiểm có 1 nhà thám hiểm xinh đẹp đi cùng lo công tác hậu cần cho anh em và có tham gia thám hiểm hang Ong cùng 5 anh em.
Chân dung "Ngũ hổ vồ xôi":

9h tối xe xuất phát, sáng 5h ngày 16/1/2015: chúng tôi đến thành phố Hà Giang, đổi xe bé lên Đồng Văn.

Sáng 16/1/2015: Dọc đường lên Đồng Văn chúng tôi ăn sáng tại Tráng Kìm, cả đoàn mua thịt nướng để ăn trong hang. Bạn nào "đi hang" sẽ cảm nhận được sự "thiếu đạm" của chúng tôi.


Đến Đồng Văn, cả đoàn xuống xe chuẩn bị hành lý vào bản. Mùa này ban ngày nhiệt độ ngoài trời khoảng 0-2 độ C, gió rét kinh khủng, nói chung cứ hở khoảng da nào ra là thấy rét và buốt.

Vì hang Địa Ngục rất khó xơi, nên chúng tôi quyết định thám hiểm hang Ong trước. Hang Ong cũng là 1 hang khó, nhưng chỉ có những đoạn đu dây leo dây sâu khoảng 15m nên chúng tôi muốn mọi người làm quen trước khi đi hang Địa Ngục - một hang rất khó với nhiều đoạn thả dây sâu 70, 80m.
11h sáng 16/1/2015.
Cả đoàn làm kiểu ảnh trước khi vào hang Ong - 1 trong những hang sâu nhất Việt Nam. Mặt ai cũng tươi tỉnh vì vừa được ngủ suốt đêm và ăn uống no nê . "Ngũ hổ vồ xôi" - 5 nhà thám hiểm nam và 1 nhà thám hiểm nữ.

Phía xa là hang Ong, miệng hang rất to hứa hẹn bên trong sẽ rất rộng và đẹp.

Hang Ong là 1 hang rất thiêng, sở dĩ có tên hang Ong vì cách đây vài chục năm, trước cổng hang có 1 tổ ong rất to, có 1 người thợ săn lấy súng kíp bắn vào tổ ong để lấy mật, ong đuổi theo người đó về tận nhà, người thợ săn chui vào chăn trốn mà vẫn bị ong đốt chết. Những người trong vùng bảo trong hang có một con trăn rất to (người bảo là trăn, người bảo là rắn), vì thấy xác nó lột ở cổng hang. Nên bà con ít dám lai vãng vào hang. Chúng tôi thắp nén nhang và đốt mã trước cửa hang cầu xin bình an. Nhang và mã chúng tôi thành tâm mua từ Hà Nội.

Trong 2 có 2 ngách, chúng tôi thấy ngách bên trái gần hơn nên quyết định đi ngách này.

Cả đoàn bắt gặp 1 cái cây mọc trên 1 cành củi mục nằm trên đống sỏi không có đất. Thế mới thấy sự sống luôn vươn lên dù là ở những nơi tối tăm khắc nghiệt nhất.

Những viên sỏi tròn xoe do nước chảy bào mòn. Mùa mưa chỗ tôi đứng đây là một dòng suối.

Đường bắt đầu hẹp dần, thành viên to béo nhất đoàn vẫn tươi cười lách qua được dù có chút khó khăn.

Đường đi càng lúc càng hẹp dần, chúng tôi phải rất vất vả lách qua.

Đến 1 hố sâu nhưng vách đá hẹp nên chúng tôi có thể trèo qua mà không cần đu dây ngang. Đeo ba lô nặng qua những chỗ này rất nguy hiểm vì dễ mất trọng tâm, nên chúng tôi phải "chuyền cành" , tức là di chuyển hành lý cho từng người một, người nọ chuyền người kế tiếp. Nhà nữ thám hiểm được ưu tiên trèo sang không phải "chuyền cành".

Bắt đầu phải đu dây xuông một hố sâu 15m, đu dây thì chúng tôi ko ngại nhưng vấn đề ở đây là chỗ đu dây xuống rất bé mà chúng tôi gọi là : lỗ chó. Thực sự chúng tôi cũng không nghĩ là chúng tôi có thể chui lọt một lỗ bé như thế, chứ chưa nói là vừa chui, vừa đu dây xuống.

Chui qua lỗ thấy phía dưới cũng khá rộng.

Vừa xuống chúng tôi lại gặp một dòng suối nhỏ, phải rất khó khăn chúng tôi mới qua được vì không muốn lội suối, nước lạnh như nước tủ đá thôi.

Đường đi càng lúc càng khó vì hành lang rất hẹp, lách người qua đã khó, chưa nói đến việc không thể đeo balô mà toàn phải "chuyền cành".

Đi hang bạn có biết đồ dùng nào là quan trọng nhất không? Xin thưa mũ bảo hiểm và đèn đeo trán. Không có mũ thì đầu sẽ đầy "ổi" và không có đèn (ánh sáng) thì không có đường về.

Cả đoàn tiếp tục đu dây qua một hố sâu khoảng 10m. Đây là một dòng thác vào mùa mưa.

Mệt quá cả đoàn ngồi nghỉ. Dù mệt mỏi và gặp nhiều khó khăn, nụ cười vẫn luôn nở trên môi chúng tôi.

Nghỉ xong, chúng tôi lại tiếp tục gặp một khe hẹp, dưới là hố sâu khoảng 20m, chả biết bên dưới rộng hẹp ra sao vì đường xuống rất hẹp, soi đèn xuống chỉ thấy có nước phía dưới.

Leo xuống đã khó, chúng tôi còn phải lắp ròng rọc và tời đồ xuống, công việc tưởng chừng như đơn giản này lại rất phức tạp và mệt mỏi vì khe hẹp phải vừa kéo, vừa đẩy túi đồ giữa khe đá hẹp. Lực ma sát của túi và khe đá rất lớn đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng của chúng tôi.

Khó nhọc trèo xuống vực sâu, hẹp.

Ngồi nghỉ 1 lát, cả đoàn lại gặp 1 hố sâu, dùng máy đo laze thấy hố sâu khoảng 35m.

Đây thực sự là một hố sâu ngoài dự kiến của chúng tôi, vì trước khi thám hiểm hang Ong này, chúng tôi đã có được bản đồ hang nhờ sự giúp đỡ của chú Viện trưởng viện Khoa học Địa Chất và các anh chị em trong viện. Trong bản đồ không hề đề cập gì đến đoạn hố sâu 35m này vì vậy chúng tôi không mang đủ dây. Số dây chúng tôi mang theo chỉ có 9 đoạn dây ngắn từ 10m -> 25m, nối dây thì cũng ok nhưng khá nguy hiểm, vì vậy chúng tôi quyết định quay trở lên, không quên đánh dấu lại mốc dây cho các đoàn sau.
Đồng hồ chỉ 1h sáng ngày 17/1/2015.

Chúng tôi quyết định dừng chuyến thám hiểm hang Ong tại đây, hang Ong không hổ danh là hang top5 Việt Nam về độ sâu. Cả đoàn ngồi lại nghỉ và mở Sâm panh ăn mừng mặc dù chưa đi hết hang như kế hoạch đề ra. Hẹn gặp lại hang Ong vào lần sau!


Leo lên cũng là cả 1 vấn đề lớn. Sự hỗ trợ từ các thành viên trong đoàn là điều không thể thiếu. Trong 6 người thì chỉ có 2 người biết nhau từ trước, còn lại toàn lần đầu đi cùng nhau, nhưng chính những khó khăn đã làm chúng tôi thêm gắn bó với nhau như những anh em quen thân lâu ngày.

Lên đến cửa hang Ong là 2h sáng 17/1/2015, chúng tôi quyết định ngủ lại cửa hang. Nhiệt độ trong hang rất lạnh đã vắt kiệt sức của đoàn. Tính ra chúng tôi đã đi liên tục 15 tiếng gần như không ăn, không nghỉ.
Chúng tôi nhóm lửa và người ngủ, người ngồi bên đống lửa suốt đêm đến sáng. Lạnh quá không ngủ được, tôi mặc 7 áo, 2 quần (1 quần giữ nhiệt ), chân đi 2 đôi tất dày mà vẫn lạnh cóng chân, ngủ vật vờ nửa thức nửa ngủ.
Sai lầm lớn của tôi - trưởng đoàn là đã đánh giá thấp hang Ong. Hang Ong có 2 đường, 1 đường rộng, 1 đường hẹp, chúng tôi đã chọn đường hẹp dẫn đến vắt kiệt sức lực cũng như làm mất 1 chút nhuệ khí của đoàn.
7h sáng 17/1/2015, cả đoàn dậy dọn đồ rồi ra nhà cậu dẫn đường để nghỉ và chuẩn bị đồ để chinh phục hang Địa Ngục.
Về đến nhà cậu dẫn đường, mọi người dọn đồ, chuẩn bị đồ để đi hang Địa Ngục - mục đích chính của chuyến thám hiểm lần này. Nhìn vậy mà nhiều đồ lắm, trước khi đi chúng tôi đã bàn luận và lên kịch bản chuẩn bị đồ rõ ràng chi tiết cho từng hang, vậy mà vẫn mất thời gian.

Nhà nữ thám hiểm vào bếp nấu cơm, còn 5 thằng đàn ông kẻ tranh thủ nằm phơi nắng, kẻ tranh thủ tắm rửa... Tác giả đang tranh thủ chợp mắt 1 lát, phơi nắng ngoài sân sau một đêm mệt nhọc.

12h trưa: Bữa cơm được dọn ra, nhà nữ thám hiểm đi cùng nấu ăn ngon quá, cả nhóm đánh sạch bách cả mâm.

(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên Khoanlang, diễn đàn OtoFun.BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.