![]() |
Sợi carbon vật liệu siêu nhẹ, siêu bền đang đối mặt nguy cơ bị cấm tại châu Âu vì lo ngại môi trường. |
Sợi carbon vật liệu nổi tiếng với đặc tính nhẹ hơn nhôm, cứng hơn thép, đang đối mặt nguy cơ bị cấm sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô tại châu Âu. Theo một bản dự thảo sửa đổi Chỉ thị Xe hết niên hạn sử dụng (ELV) của Nghị viện châu Âu, sợi carbon lần đầu tiên có thể bị xếp vào danh sách vật liệu độc hại, một động thái chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp vật liệu.
Chỉ thị ELV được thiết lập nhằm giảm thiểu tác động môi trường từ việc tái chế xe hơi khi hết vòng đời sử dụng. Các vật liệu nguy hại như chì, thủy ngân hay cadmium hiện vẫn được miễn trừ trong ngành ô tô. Tuy nhiên, sợi carbon có thể sớm bị loại bỏ hoàn toàn nếu đề xuất mới được thông qua.
Lý do là khi sợi carbon bị phá vỡ hoặc đốt bỏ, các sợi nhỏ li ti kết hợp với nhựa epoxy có thể phát tán vào không khí. Những sợi này có thể gây kích ứng da, tổn thương niêm mạc và tiềm ẩn nguy cơ làm nhiễu mạch điện trong thiết bị, điều đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh xe điện và xe tự hành ngày càng phổ biến.
![]() |
Hiện tại, sợi carbon được ứng dụng rộng rãi trong hàng không, cánh tuabin gió, xe mô tô phân khối lớn, và đặc biệt là xe điện, nơi yêu cầu về trọng lượng nhẹ và hiệu suất cao trở thành yếu tố sống còn.
Dù chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với thép hay nhôm, sợi carbon vẫn là lựa chọn hàng đầu cho nhiều hãng xe, đặc biệt khi cần giảm trọng lượng để cải thiện tầm hoạt động cho xe điện.
Thị trường sợi carbon toàn cầu được định giá khoảng 5,48 tỷ USD vào năm 2024, dự báo sẽ đạt hơn 17 tỷ USD vào năm 2035. Ngành ô tô hiện chiếm khoảng 10–20% nhu cầu, và tỷ trọng này tiếp tục tăng.
Nếu lệnh cấm có hiệu lực, những thương hiệu dựa nhiều vào vật liệu này như McLaren, Lamborghini hay Ferrari sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. McLaren, chẳng hạn, sử dụng khung gầm monocoque bằng sợi carbon cho toàn bộ dòng xe của mình. Việc mất đi vật liệu chủ lực sẽ buộc các hãng phải tìm kiếm giải pháp thay thế tốn kém và ít hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các nhà cung ứng lớn như Toray Industries, Teijin và Mitsubishi Chemical, chiếm tới 54% thị phần sợi carbon toàn cầu, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng Toray, 50% doanh thu từ ngành ô tô sử dụng sợi carbon đến từ châu Âu, và ô tô là thị trường lớn thứ ba sau hàng không và điện gió.
Theo nội dung bản dự thảo, nếu được thông qua, lệnh cấm sẽ không có hiệu lực trước năm 2029, tạo ra khoảng thời gian 4 năm để các hãng xe điều chỉnh sản phẩm, chiến lược và chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo không nên xem nhẹ tác động tiềm tàng. Trong một thế giới đầy biến động, những thay đổi chính trị như việc Mỹ bất ngờ áp thuế 25% lên xe nhập khẩu vào tháng 4/2025 đã đủ để khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Do đó, không loại trừ khả năng các quy định môi trường của châu Âu cũng có thể xoay chuyển cục diện ngành vật liệu trong tương lai gần.
Viên Huy