Qua các tranh luận trên group Facebook của Cộng đồng Otofun ngày hôm qua 6/4, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông ở đường Võ Chí Công, Hà Nội, rất nhiều lái xe lâu năm chia sẻ họ thường xuyên để chân trần hoặc đi dép lê lái xe. Nhiều thành viên nữ cho biết họ luôn để sẵn đôi dép lê trên xe, cứ khi nào lái xe là bỏ giày ra để đi dép.
Lý do là đi dép, đi chân trần người lái cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn so với việc đi giày cả ngày, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng nực ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong tất cả các khuyến cáo dành cho lái xe, hành động này đều bị coi là gây nguy hiểm, thậm chí còn bị phạt tiền.
Đi giày đúng cỡ sẽ giúp người lái xe an toàn hơn khi tham gia giao thông. |
Luật Giao thông Việt Nam chưa có quy định nào về việc bắt buộc phải mang giày hay không được mang dép, giày cao gót khi lái xe ô tô. Tuy nhiên, rõ ràng một trang phục gọn gàng sẽ mang lại cho người lái tư thế điều khiển phương tiện an toàn hơn. Tại các trung tâm huấn luyện lái xe, học viên được yêu cầu phải mang giày bệt hoặc giày thể thao khi dạy thực hành.
Giày bệt, giày thể thao là những lựa chọn tốt nhất cho người lái xe khi tham gia giao thông. Bởi hai loại giày này đảm bảo được các yếu tố như chắc chắn, không sợ bị tuột, linh hoạt, giúp chân người lái dễ dàng di chuyển. Bên cạnh đó, với phần đế giày dày, chắc chắn, hai loại giày này còn giúp người lái điều phối lực bàn chân tác động lên bàn đạp một cách tốt nhất và chuẩn xác nhất.
Trong các sự kiện lái thử của tất các hãng xe tại Việt Nam cũng đều yêu cầu tất cả khách hàng tham gia phải đi giày, tuyệt đối không được mang dép để đảm bảo trong quá trình di chuyển không xảy ra bất kỳ sai sót hoặc chấn thương nào.
Ông Đoàn Hiếu Minh - nguyên Chủ tịch Rolls-Royce Motorcars Hanoi, từng yêu cầu lái xe bắt buộc phải đi giày để đảm bảo an toàn |
Ông Đoàn Hiếu Minh - nguyên Chủ tịch Rolls-Royce Motorcars Hanoi, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Ngũ Phúc Đường, từng đưa ra yêu cầu rất khắt khe trong việc tuyển mộ lái xe siêu sang giúp cho khách hàng của mình. Theo ông Minh, tài xế lái xe sang bắt buộc phải đi giày. Nhưng đôi giày phải vừa cỡ chân, lỏng quá hay chật quá đều không được. Ông Minh còn yêu cầu lái xe cho ông khi đi giày phải dùng loại giày có quai dán hoặc cài khuy một bên (giày monkstrap), không dùng giày buộc giây hay giày lười.
Dưới đây là những loại giày dép không phù hợp hay bị cấm khi lái xe.
Đi chân trần lái xe
Nhiều người có thói quen đi chân trần khi lái xe, đặc biệt là vào mùa hè. Bởi họ cảm thấy như vậy mới thoải mái, không bị bí bức. Các chủ xe chạy dịch vụ hay vận tải còn cho biết nếu mang giày hoặc dép cả ngày sẽ không hợp lý, gây khó chịu và mùi hôi.
Nhiều tài xế Việt chọn đi chân trần khi lái xe. |
Tuy nhiên, đi chân trần khi lái xe sẽ có một vài nhược điểm sau đây:
– Khi đạp côn, ga, phanh phải sử dụng nhiều lực hơn vì dùng chân nhấn trực tiếp vào bàn đạp sẽ không có sự phân tán lực từ đế giày.
– Bàn chân thường có diện tích lớn hơn so với diện tích của bàn đạp nên khi nhấn bàn đạp bằng chân không sẽ có cảm giác khó chịu.
– Thói quen tháo giày, bỏ ngay bên cạnh chỗ để chân rất dễ khiến giày bị kẹt vào chân ga gây nên những tình huống nguy hiểm.
Đi dép lê lái xe
Dép lê, dép xỏ ngon là sự lựa chọn của nhiều chủ xe khi tham gia giao thông. Bởi giống như đi chân trần, mang dép cũng đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn mang giày. Thậm chí, nhiều chủ xe còn cho rằng đi dép tổ ong lái xe còn thích hơn đi giày.
Tuy nhiên, khi lái xe mang dép sẽ khó thực hiện các thao tác linh hoạt. Bởi dép thường có xu hướng trơn và không có điểm tựa khiến lái xe bị hạn chế khi xử lý những tình huống đột ngột phát sinh. Hơn nữa, dép khá trơn có thể bị tuột ra ngoài và kẹt vào bàn đạp, điều này cũng sẽ gây nguy hiểm cho người lái xe.
Dép là sự lựa chọn của nhiều lái xe Việt Nam. |
Bên cạnh đó, đi dép sẽ làm giảm đi cảm giác của người lái khi dùng phanh hay ga, dễ gây ra trường hợp bí chân ga do dép nhẹ. "Đi tông lào coi như không có chân, đi dép lê khả năng chuyển ga/phanh kém hẳn, có dép tổ ong với chân đất khá hơn tí nên quay đầu, đỗ xe ngắn còn sử dụng tạm được chứ đi dài mình chỉ đi giày nếu không rất không yên tâm, sợ sẽ đưa người khác đi ăn chuối vì không kịp chuyển phanh/ga", một OFer chia sẻ.
"Nếu quan sát sẽ thấy chân phanh sẽ cao hơn chân ga, từ phanh sang ga có thể xoay đầu mũi chân sang ga, chứ từ ga sang phanh sẽ phải nhấc cái đầu mũi chân lên. Đi dép sẽ dễ bị vướng cạnh mũi dép ở chân phanh khi chuyển chân, mũi giầy gọn hơn không bị vướng", OFer Nguyen Manh Bang chia sẻ.
OFer Nông Dân lại kể: "Hồi em tập lái đi dép tông vì trời nóng mà nhấp phanh, ga, côn cứ trượt, thế là từ đó cứ lái xe là đi giày".
Ngoài ra, nhiều thành viên trên Cộng đồng Otofun cũng cho biết, khi đi học lái xe, thầy dạy lái cũng nhắc nhở mọi người phải mang giày thay vì dép để đảm bảo an toàn và có cảm giác thật hơn khi lái. Đặc biệt là những lái xe mới, người già, phụ nữ lại càng cần phải đi giày thay vì đi dép. "Ở Nhật Bản tham gia giao thông mà đi dép lê, dép tông, không đi dép có quai sẽ bị phạt", OFer Lê Anh chia sẻ.
"Thực ra thì khi mang giày hay dép có quai hậu, hay dép da ôm sát chân, hay chân trần đều lái xe tốt. Chỉ riêng dép lê trong một số trường hợp sẽ không an toàn. Khi đạp, miết, tì hay nhấp nhứ côn, ga, phanh gót chân sẽ không có điểm tựa tốt để mũi chân và bàn chân linh họat khi thực hiện các động tác trên. Trường hợp trời mưa dép bị ướt dễ dẫn đến tình trạng bị trượt gót chân hoặc bàn chân. Lái xe trong những trường hợp này cảm giác phanh hay ga sẽ không thật. Trường hợp xấu là dép móc luôn vào ga hay phanh thì rắc rối to", một thành viên khác chia sẻ.
Do đó, dép không phải là một lựa chọn tốt khi lái xe. Nếu mang dép, người lái nên chọn có quai hậu (sandal) để đảm bảo độ chắc chắn và ngăn ngừa được các nguy hiểm xảy ra. Bởi sandal thường có phần đế cứng giúp cho việc phân tán lực của bàn chân tốt hơn, giúp tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái khi đạp hay thắng.
Đi giày cao gót hoặc bốt
Cả hai loại này đều không phù hợp cho việc lái xe. Bốt thường làm hạn chế cử động của khớp cổ chân gây hạn chế trong việc xử lý tình huống bất ngờ do có cổ cứng và dài. Bốt còn dễ gây mỏi nếu bạn phải lái xe trong thời gian dài.
Trong khi đó, một số chị em khi lái xe còn chọn đi giày cao gót. Điều này sẽ khiến họ gặp khó khăn khi điều khiển chân ga, chân phanh, thậm chí luống cuống đạp nhầm từ chân phanh sang chân ga, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách nguy hiểm, khi di chuyển trên các tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc.
Đi giày cao gót lái xe vô cùng nguy hiểm |
Giày cao gót thường không có độ bám/độ trụ tốt cho chân, rất dễ khiến lái xe không có tư thế thoải mái nhất khi lái xe. Kết cấu của giày cao gót giúp nâng cao chân hơn bình thường, nên làm người lái khó khăn trong việc cảm nhận lực tác động lên bàn đạp phanh/ga.
Việc đi giày cao gót còn tạo một khoảng trống giữa bàn chân với bàn đạp. Khoảng trống này sẽ khiến lái xe nhấn trượt phanh hoặc vô ý đạp nhầm vào bàn đạp ga. Hay thậm chí, một số đôi giày cao gót có thể khiến lái xe bị mắc kẹt vào thảm trải sàn, mắc kẹt giữa bàn đạp, khiến người lái giảm khả năng phản ứng của chân trong tình huống khẩn cấp.
Tùng Thiện