Phân khúc bán tải tại thị trường Việt Nam gần như là sân chơi riêng của Ford Ranger với doanh số và thị phần vượt trội so với phần còn lại. Từ đó, hãng xe Hoa Kỳ mạnh dạn lấn sân sang một phân khúc cao hơn: những chiếc bán tải hiệu năng cao với thiết kế và trang bị “đặc sệt” chất off-road nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm sử dụng thoải mái.
Đây cũng là cơ sở cho sự ra đời của Ranger Raptor – một chiếc bán tải “tiền tỷ” với giá bán ngang những mẫu xe hạng D cao cấp nhưng mang lại nhiều giá trị khác biệt cho chủ nhân.
Dù yêu hay ghét Ford, khó ai có thể phủ nhận thiết kế luôn là một trong những yếu tố thu hút nhất của thương hiệu ô tô Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt đúng với line-up xe gầm cao của hãng, mà một trong những đại diện tiêu biểu nhất là Ranger Raptor.
Thiết kế mạnh mẽ và tạo cảm giác “đô con” vẫn là đặc trưng của dòng sản phẩm Raptor. Ở thế hệ này, với nền tảng từ Ranger tiêu chuẩn và Everest 2023 hoàn toàn mới, Raptor cũng được nâng cấp về ngoại thất.
Cụm đèn trước dạng LED ma trận cao cấp với tính năng tự động bật tắt, cân bằng góc chiếu và phân vùng chiếu sáng là chi tiết mới so với Raptor thế hệ đầu. Bao lấy cụm đèn là dải định vị LED dạng chữ C, kết nối hài hoà với lưới tản nhiệt với logo Ford cỡ lớn tạo nên diện mạo đặc trưng cho Raptor.
Diện mạo này không chỉ định hình phong cách và tệp khách hàng cho xe mà còn là “tuyên ngôn” thể hiện cá tính và giá trị nhận diện của bản thân chủ xe. Ấn tượng mạnh mẽ, nam tính và lôi cuốn là điều mà mọi chủ xe đều có được khi bước xuống từ Ranger Raptor. Nhờ đó, thiết kế chính là yếu tố “ăn điểm” đầu tiên khiến khách hàng sẵn sàng xuống tiền cho chiếc bán tải có giá bán lên tới 1,3 tỷ - mức giá cao nhất cho một chiếc bán tải được phân phối chính hãng tại Việt Nam.
Thiết kế nội thất của Ranger Raptor thừa hưởng khá nhiều chi tiết theo DNA thế hệ mới của Ranger tiêu chuẩn hay Everest. Vẫn là layout hai màn hình LCD kích thước lớn, màn hình trung tâm 12 inch đặt dọc điều khiển hầu hết mọi tính năng chính của xe.
Tuy nhiên, phần viền cam trên nhiều chi tiết nội thất cũng phần nào thể hiện được chất “thể thao” và đặc biệt trên Raptor. Thiết kế vô lăng cũng là yếu tố được nhiều chuyên gia và khách hàng đánh giá cao.
Vô lăng với chấu sơn bạc cùng logo Raptor màu cam nổi bật và đẹp mắt. Vạch đỏ phía trên không chỉ mang tính thẩm mỹ, thể hiện thiên hướng thể thao mà còn phục vụ một mục đích rất hữu ích: giúp người lái xác định nhanh vị trí vô lăng và bánh xe trước trong những tình huống lấy lái liên tục.
Là mẫu xe hướng nhiều đến người lái, mọi trang bị hay và hiện đại nhất trên Raptor cũng nằm ở hàng ghế trước. Hai ghế thể thao với thiết kế ôm người cùng chỉ khâu sáng màu là điểm nhấn tạo ấn tượng ngay cho người lái và bạn đồng hành khi bước lên xe.
Các phần dễ gây trượt khi vào cua và đánh lái gấp như đệm đùi hai bên, đệm đỡ lưng, hông đều được Ford sử dụng vật liệu Alcantara với độ bám cao, đảm bảo giữ cơ thể được ôm chắc với ghế, không tạo cảm giác chao đảo và bồng bềnh.
Với kích thước lớn, Raptor vẫn mang đến không gian đủ rộng rãi cho hành khách ở hàng ghế sau. Khoảng để chân và không gian trần xe dư dả với kích thước trung bình của người Châu Á. Tuy nhiên, độ ngả ghế nên được cải thiện để đảm bảo độ thoải mái trên những hành trình dài.
Động cơ là chi tiết gây tiếc nuối và được đem ra bàn tán sôi nổi nhất ở thời điểm những thông tin chính thức đầu tiên về Ranger Raptor được tiết lộ. Biến thể động cơ xăng tăng áp V6 dung tích 3.0L tại Thái Lan đã không được Ford Việt Nam đem về.
Do đó, Ranger Raptor 2023 vẫn sử dụng động cơ Diesel Bi-Turbo 2.0L như phiên bản Wildtrak. Nhận xét ở một bình diện khách quan, khối động cơ này không hề yếu và vẫn hoàn toàn đáp ứng tốt được nhu cầu của đại đa số khách hàng.
Động cơ này cho công suất tối đa 208 hp ở vòng tua 3.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 500 Nm ở dải vòng tua rất sớm, từ 1.750 – 2.000 vòng/phút. Động cơ này kết hợp với hộp số tự động 10 cấp mới của Ford, đã được hãng map lại thuật toán điều khiển để sang số nhanh và đáp ứng tốt hơn với mỗi pha sâu chân của người lái.
Bên cạnh động cơ – hộp số, hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian cũng là linh hồn trong trải nghiệm vận hành của Ranger Raptor. Người lái có toàn quyền điều khiển hệ thống này qua nút xoay gài cầu điện tử với 4 chế độ chính, phục vụ việc gài cầu cho tốc độ thấp và gài cầu cho tốc độ cao.
Đúng vậy, Ranger Raptor 2023 đã được trang bị tính năng được trông đợi nhất nhưng vẫn chưa xuất hiện trên Everest và Ranger tiêu chuẩn: tính năng lựa chọn hệ dẫn động 2 cầu ở tốc độ cao 4A. Tính năng này giúp xe vận hành hoàn toàn như một mẫu xe hai cầu toàn thời gian AWD. Người lái hoàn toàn có thể sử dụng nó để vừa chạy hàng ngày trên đường đẹp, vừa “vui vẻ” một chút với những cung đường off-road nhẹ.
Nhắc đến “vui vẻ” là phải nhắc đến 7 chế độ lái trên Ranger Raptor. Xe có 3 chế độ tiêu chuẩn là Normal, Sport và Slippery cho đường bằng, 4 chế độ riêng cho off-road là Rock, Sand, Mud và đặc biệt là Baja chuyên dụng để vận hành off-road ở tốc độ cao như ở những cuộc đua Baja 1000. Chừng này chế độ là thừa đủ để người lái có những giờ phút thật sự vui vẻ sau vô lăng dù bên dưới bánh xe đang là loại đường nào.
Khả năng vận hành đa địa hình của xe cũng được nâng tầm với hệ thống treo độc lập cùng giảm xóc độc quyền đến từ thương hiệu Fox danh tiếng. Ford cho biết đã điều chỉnh lại thành phần và cách vận hành của hệ thống giảm xóc này để đảm bảo hiệu năng cao và độ thoải mái cao nhất khi chạy nhanh trên đường xấu nhưng vẫn đảm bảo đầm chắc và không gây bồng bềnh khi chạy đường đẹp.
Với tất cả những thành phần cao cấp và “fancy” như trên, mẫu bán tải đầu bảng của Ford Việt Nam vận hành như thế nào? Hãng đã sắp xếp mọt buổi trải nghiệm ngắn trên cung đường địa hình có kiểm soát tại Ninh Thuận để giúp chúng tôi có được những hình dung nhất định về “chất F150” bên trong Raptor.
Phấn khích là từ đầu tiên có thể được dùng để diễn đạt cảm xúc của đội ngũ đánh giá. Dù rằng, người thực sự thấy phấn khích nhất là người cầm vô lăng của xe. Trên thực tế, sẽ không có quá nhiều dịp và cung đường (có kiểm soát an toàn) để Raptor có thể bộc lộ hết cái hay của mình. Do đó, việc đạp mạnh ga của Raptor trên những cung đường cát, đá sỏi trải dài hàng km mà Ford Việt Nam bố trí là trải nghiệm khó quên.
Người lái chỉ cần chọn đúng chế độ mong muốn, xe gần như sẽ tự động xử lý mọi thứ để đảm bảo trải nghiệm mượt mà và an toàn nhất. Ở điều kiện đơn giản là cung đường cát trải dài thẳng tắp, tôi chọn chế độ tốc độ cao Baja và dễ dàng giữ xe ở ngưỡng tốc độ 60 -70 km/h một cách an toàn và tự tin. Đây là một con số mà thoạt nghe có vẻ bình thường, nhưng thực ra chỉ những người ngồi trong xe trên những cung đường “khó nhằn” này mới hiểu nó nhanh như thế nào.
Nhờ những gia cố về khung gầm cùng các cải tiến về hệ thống treo mới thực sự toả sáng trên Raptor. Với những mô đất không quá sâu, hệ thống treo gần như trải phẳng mặt đường, tạo cảm giác như xe đang lướt đi một cách nhẹ nhàng và êm ái. Bộ giảm chấn mới được Ford tinh chỉnh nén nhanh và nhả chậm, nhờ đó độ nảy và xóc mà cơ thể cảm nhận khi chạy đường xấu là ít hơn. Đây cũng là yếu tố tạo cảm giác ổn định và an tâm cho người lái.
Cũng ở dải tốc độ từ trung tới cao như thế này, tôi cũng cảm nhận được những thay đổi về thuật toán điều khiển hộp số mà Ford đề cập có tạo được sự khác biệt. Mỗi pha nhấn nhanh và sâu chân, hộp số gần như ngay lập tức về số để sẵn sàng sức kéo cho cả 4 bánh xe. Một động cơ vừa phải nhưng được bắt cặp với một hộp số tối ưu sẽ cho trải nghiệm mạnh mẽ và phấn khích bất ngờ. Điều này hoàn toàn đúng với Raptor.
Không chỉ hỗ trợ người lái off-road ở tốc độ cao theo phong cách Baja, Ranger Raptor cũng thể hiện sự đầu tư và chỉn chu của Ford cho nhu cầu off-road thực tế với công nghệ Trail Control hoàn toàn mới. Đây được hiểu nôm na là tính năng ga tự động Cruise Control nhưng cho điều kiện off-road tốc độ thấp. Khi kích hoạt Trail Control từ màn hình trung tâm, tôi thao tác tương tự như Cruise Control: cài một tốc độ nhất định (miễn là dưới 32 km/h).
Ví dụ, khi vượt qua khu vực đường cua dốc với nền đất sình lầy, tôi chọn mức set 10 km/h. Sau đó, tôi có thể quên luôn ga phanh và tập trung hoàn toàn vào việc điều khiển tay lái. Xe sẽ luôn giữ mức tốc độ đã được cài đặt dù đang ở khúc cua, bánh mắc lầy hay leo dốc. Chưa dừng lại ở đó, dù tôi tăng hoặc giảm tốc đột ngột, sau đó xe vẫn đưa tốc độ về lại mức đã được cài đặt ban đầu cho đến khi tôi chọn tắt Trail Control. Trong thực tế, sẽ không có quá nhiều lúc bạn cần tới một chế độ có phần chuyên biệt và đặc thù như Trail Control. Tuy nhiên, việc Ford phát triển và trang bị chế độ này lên chỉ mình Ranger Raptor cũng cho thấy sự chỉn chu của hãng và thể hiện thiên hướng địa hình hiệu năng cao mà Raptor được định vị.
Kết lại, bỏ ra 1,3 tỷ đồng cho một mẫu bán tải chưa phải là điều quá quen thuộc tại Việt Nam. Nhưng cũng nhờ đó, lựa chọn của bạn sẽ rất ít bị “đụng hàng”. Ở khía cạnh sản phẩm, những gì mà Raptor đem lại thật sự vượt khỏi những tiêu chuẩn thông thường của một chiếc bán tải tầm trung: thiết kế đẹp mắt đã trở thành bảo chứng thành công, công nghệ hỗ trợ vận hành cao cấp, trải nghiệm lái đậm chất Mỹ, hệ thống treo xịn và “đáng tiền” từ Fox cùng giá trị nhận diện không thể bàn cãi cho chủ xe. Bên cạnh đó, cùng với những công nghệ hỗ trợ mới, việc Off-road trên Ranger Raptor thế hệ mới dễ như việc bạn đang chơi một tựa game về đua xe.
OtoFun eMagazine Bài viết: Đức Thiện Thiết kế: Nguyễn Sinh |