Đề xuất mức phạt khi cho trẻ dưới 10 tuổi ngồi hàng ghế trước ô tô |
Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ô tô (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Trước đó, ngày 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026. Trong Luật này có một số quy định liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ngồi trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đi xe khách không thắt dây an toàn, cả hành khách và tài xế đều bị phạt |
Lỗi không thắt dây an toàn phạt bao nhiêu? |
Cú đâm rụng cầu sau bán tải Ford Ranger XLS và những bài học về an toàn |
Cụ thể, khoản 3 Điều 10 của Luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái ô tô khi tham gia giao thông.
Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ghế trước là các vị trí nguy hiểm nhất trên ô tô trong những trường hợp va chạm. Chính vì thế, hệ thống túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn. Tuy nhiên, trẻ em có thể trạng nhỏ hơn, không phù hợp với các hệ thống này.
Nghiên cứu từ WHO khẳng định ghế sau là vị trí an toàn nhất dành cho trẻ. |
PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cho biết, hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Ví dụ như Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135 cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136 cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm.
"Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, TP.HCM 1,1%, Đà Nẵng 0%", ông Cường nói và nhấn mạnh việc sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông và trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Trẻ chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150cm.
Theo TS Dương Khánh Vân (cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới WHO), nghiên cứu từ WHO khẳng định ghế sau là vị trí an toàn nhất dành cho trẻ. Đồng thời việc sử dụng thiết bị an toàn chuyên dụng giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em khi xảy ra va chạm.
Trong đó, đối với trẻ 8-12 tuổi, việc sử dụng đệm nâng giúp giảm tới 19% các thương tích không gây tử vong khi so sánh với trẻ chỉ sử dụng dây an toàn.