Hà Nội đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông, đua xe dịp nghỉ lễ Hà Nội điểm danh hàng loạt bến "cóc", xe khách trá hình Hà Nội sẽ có bến xe quy mô lớn ở Cổ Bi, Gia Lâm |
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh khi điều chuyển các tuyến vận tải hành khách tại các bến xe trên địa bàn trong đó nhấn mạnh việc điều chuyển luồng tuyến là theo đúng quy hoạch, không vì bất cứ một nhóm lợi ích nào và sẽ tiếp tục cơ cấu lại các tuyến theo nguyên tắc mỗi tỉnh về một bến xe.
Theo đó, đợt điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát vừa qua đã hoàn thành 99% khối lượng với 623/681 nốt đi 24 tỉnh thành đã hoàn thành sắp xếp lại. Hiện còn 5 nốt của 5 đơn vị thuộc các tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa đã tự ý bỏ tuyến, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông tin đến các Sở Giao thông Vận tải đối lưu để có biện pháp xử lý. 53 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình hiện đang tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại.
Trước và trong quá trình triển khai sắp xếp điều chuyển luồng tuyến, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành, Công an TP và các đơn vị liên quan tổ chức các tuyến xe buýt kết nổi từ bến xe đến bến xe, từ bến xe đến trung tâm; rà soát các tuyến đường, địa điểm dễ phát sinh hiện tượng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn các quận, huyện, khu vực xung quanh các bến xe khách; các bến xe nhanh chóng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị sớm ổn định hoạt động... “Sau thời gian thực hiện việc điều chuyển luồng tuyến vận tải, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông và ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3, khu vực bến xe Mỹ Đình đã được cải thiện đáng kể,” ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhìn nhận.
Theo ông Chung, chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã được Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai nghiên cứu và lên phương án từ đầu năm 2016 và được tiến hành chuẩn bị kỹ trong một thời gian dài. “Việc điều chuyển luồng tuyến vận tải nằm trong kế hoạch chung của thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông, không vì bất cứ một nhóm lợi ích nào,” Chủ tịch Chung quả quyết.
Thừa nhận đến nay thành phố Hà Nội chưa nhận được đơn thư nào của người dân về việc điều chuyển luồng tuyến, Chủ tịch Chung cho biết, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kết nối cho người dân đi lại được thuận tiện nhất, lấy người dân và doanh nghiệp phục vụ. Ủy ban Nhân dân thành phố đã quy hoạch 8 bến xe đều ra vành đai 4, việc kết nối từ vành đai 4 đến trung tâm thành phố bằng xe buýt và các phương tiện hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm chỉnh phương án điều chuyển luồng tuyến vận tải, tiếp tục sắp xếp, tổ chức phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, hiệu quả, khắc phục khó khăn trước mắt để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty vận tải tổ chức, tăng cường các tuyến xe buýt kết nối giữa các bến xe được chở hành lý; rà soát nhu cầu trên các tuyến buýt đảm bảo kết nối trực tiếp giữa các bến xe và nhu cầu đi lại thực tế của nhân dân trên cơ sở điều tra nhu cầu đi lại của hành khách tại các bến xe cho phù hợp.
Các bến xe nâng cao chất lượng phục vụ, giám sát các loại lệ phí và giá dịch vụ tại các bến xe theo hướng giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xây dựng khung giá dịch vụ cho xe ra vào bến cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Lực lượng Thanh tra giao thông và Công an tăng cường kiểm tra xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng, xe limousine trá hình, xe chạy sai luồng tuyến và các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt tại các khu vực bến xe Mỹ Đình, dọc đường vành đai 3 đến bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát.
Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại các tuyến thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa giữa 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm theo nguyên tắc các tuyến của 1 tỉnh về 1 bến xe; tuyến có cự ly ngắn về bến xe Giáp Bát, cự ly dài về bến xe Nước Ngầm đảm bảo khả năng tiếp nhận của bến xe; tổ chức giao thông khu vực bến xe Nước Ngầm, Mỹ Đình... Ngoài ra, thành phố làm tiếp điều chuyển tuyến vận tải hành khách Hà Nội-Ninh Bình theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (điều chuyển 50 chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Giáp Bát) đồng thời triển khai đầu tư các bến xe khách liên tỉnh theo đúng quy hoạch và kế hoạch, tiếp tục tổ chức, sắp xếp hợp lý, khoa học các luồng tuyển vận tải hành khách liên tỉnh theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải.