Trong phần 1, em đã nói sơ qua lịch trình chuyến đi trong mấy ngày Tết của mình. Ở phần này, em sẽ nói cụ thể hơn về các nơi em đi qua.
Đầu tiên là Kon Tum. Nơi đây có một số địa điểm du lịch khá độc đáo, em sẽ giới thiệu với các bác dần dần. Thứ nhất phải kể tới Nhà thờ gỗ Kon Tum được người Pháp xây dựng từ năm 1913. Được gọi là nhà thờ gỗ vì chất liệu chính để làm nên nhà thờ này là từ gỗ.
Ngày chủ nhật nên khá đông người đi lễ, buổi lễ cũng đã tan. Nhiều người, đặc biệt là trẻ em nán lại chơi ở khuôn viên nhà thờ.
Các cửa sổ được làm từ kính màu, mô tả một số câu chuyện.
Đoạn văn dưới đây em chịu không hiểu nội dung là gì, chắc là tiếng của người dân tộc.
Tòa giám mục Kon Tum.
Từ Nhà thờ gỗ, chạy thẳng đường Lý Tự Trọng rẽ trái ra Trần Hưng Đạo là tới Tòa giám mục Kon Tum. Tòa giám mục còn được gọi là Chủng viện thừa sai Kon Tum do Đức cha Martial Jannin Phước thành lập năm 1935. Năm 2010 vừa qua đã kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Chủng viện này.
Từ cổng vào là 2 hàng đại cổ ra hoa có màu đỏ rất lạ.
Nhìn chính diện.
Ngay trước tòa nhà có bức tượng Đức cha sáng lập Chủng thừa viện. Chủng viện có một khu vườn rất rộng, nhiều cây to, tuyệt đẹp! Và có nhiều bức tượng đá, mỗi bức tượng có khắc một tên. Có lẽ là tên vị thánh nào đó.
Tham quan xong nhà thờ và tòa giám mục, em quyết định chạy về Gia Lai. Thấy xe quá bẩn nên ghé vào một hàng rửa xe. Chỉ xịt nước bên ngoài mà 50.000 đồng, đắt hơn cả ở Hà Nội đã có kèm hút bụi.
Trong lúc chờ rửa xe, chụp cái trời xanh Tây Nguyên cho đỡ buồn.
Rừng cao su ở Iachim.
Rời Kon Tum, ra gần hết thành phố thì có biển đề Yaly 15km, thấy hơi lạ vì đây không phải là Ialy nhưng tò mò nên em đi vào chơi xem sao. Đi vào thấy đường hơi nhỏ và xấu. Đi thêm 1 đoạn thấy cột cây số đề là Iachim, hóa ra biển báo ở trong một kiểu, ở ngoài một kiểu, Iachim là một thị trấn cách Kon Tum khoảng 15km.
Rừng cao su đang rụng lá, nhìn trời xanh và rừng cây thấy quá thích nên em ghé vào chơi, chụp ảnh lưu niệm.
Trên đường đi ở Tây Nguyên, em gặp rất nhiều cây hoa này nhưng không biết tên.
Thủy điện Ialy.
Vào đến Thủy điện Ialy, nhìn thấy biển đề khu du lịch sinh thái cách 2km, em phi vào cái đường mà cây mọc kín hết lối đi, đến nơi thì thấy cửa khóa gỉ ngoèn. Quay ra đường cái rẽ vào khu nhà hàng bên ngoài thì cũng thấy khóa cửa, đoán là các nhà hàng này nghỉ Tết hết rồi nên quyết định sẽ tự ăn đồ đã chuẩn bị sẵn trên xe. Chỉ có điều hơi tiếc là không có cơ hội ăn cá anh vũ mà các bác trên OF đã quảng cáo trước đây.
Rất may là dù gần Tết nhưng thủy điện vẫn bán vé cho vào tham quan. Tuy nhiên em vào thủy điện chủ yếu là tìm chỗ để cắm trại ăn trưa nên không vào tham quan tổ máy. Vì quanh Thủy điện không có hàng quán nào nên bọn em quyết định tìm một chỗ thoáng mát để ngả mâm ăn trưa. Trời khá gió nên phải lấy mấy cái ô để che gió, rán bánh chưng và giò chả mang theo.
Đang chuẩn bị bữa ăn thì thấy một cậu bảo vệ đi xe máy qua dừng lại hỏi chuyện. Hóa ra những ngày Tết bảo vệ ở đây lại rất mệt vì có nhiều người dân đi thuyền vào lấy trộm sắt. Thậm chí cả đường điện ngầm người ta cũng sẵn sàng đào.
Cậu bảo vệ cho biết khu nhà hàng và du lịch sinh thái ở bên ngoài thủy điện do vắng khách nên đã đóng cửa vài tháng rồi. Cậu này là người ở Ứng Hòa (Hà Nội), đi bộ đội rồi vào đóng quân ở Gia Lai hơn chục năm. Thủy điện tuyển bảo vệ nên xin vào làm, giờ lấy một cô vợ dân tài chính cũng cùng quê nhưng ở trong này.
Anh em hàn huyên, làm lon bia chúc Tết xong thì cậu ấy lại phải chạy đi làm nhiệm vụ. Cả khu vực thủy điện rất rộng lớn, để đi hết được chắc cũng mất nhiều thời gian. Tự nhiên em lại thấy hơi ái ngại, mình Tết được đi chơi, nhiều người Tết chả được về quê thăm họ hàng gia đình mà vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, ý nghĩ này cũng qua rất nhanh.
Mấy tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk có sáng kiến rất hay là ghi luôn mức phạt một số lỗi ngay trên cột đèn giao thông. Việc này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa răn đe lớn vì lúc chờ đèn xanh đỏ kiểu gì cũng đọc vì làm gì có việc gì khác để làm. Nhiều đoạn đường có bắn tốc độ cũng có biển báo "Đoạn đường CSGT thường xuyên đo tốc độ". Cũng có thể như vậy mà người dân chấp hành luật tốt lên.
Tối về tới Buôn Mê Thuột, em tra Internet để kiếm nhà hàng, chạy một vòng để đến nhà hàng thì không tìm thấy. Cuối cùng thấy có nhà hàng Đắk Mê trông có vẻ to, đông khách thế là em vào ăn trước, lo chuyện ngủ sau.
Trong lúc chờ đồ ăn dọn lên, tranh thủ lấy danh sách khách sạn gọi một lượt để hỏi phòng. Cuối cùng thấy khách sạn Biệt Điện gần trung tâm, giá cũng ổn nên em chốt luôn.
Kết thúc ngày thứ 4 của chuyến đi.
Sáng ngày thứ năm của chuyến đi, em giở máy ra lên chương trình và tìm đường với vietbando.com (em đi đâu ngoài GPS và quyển bản đồ, toàn dùng website này để lên kế hoạch). Các địa danh cần phải đi là Buôn Đôn; thác Dray Sáp và Dray Nur; Làng cafe Trung Nguyên và tối thì phải về ngủ ở Lak Resort.
Đầu tiên là đi Buôn Đôn, cách Kon Tum 40km. Thủ phủ của huyện Buôn Đôn là Thị trấn rất lớn, đẹp lộng lẫy không kém gì thủ đô. Tuy nhiên phải chạy tiếp hơn chục km thì mới tới khu du lịch (KDL) Buôn Đôn. Cách KDL Buôn Đôn 5 km là khu Thác 7 nhánh và có công ty xây dựng một KDL cạnh tranh có tên là Bản Đôn có mấy cái biển chỉ dẫn ở ngay đường đi. Nếu bác nào thích vào thăm thác 7 nhánh thì rẽ vào, còn nếu không thì chạy tiếp tới KDL Buôn Đôn cách đó 5 km.
Ở Buôn Đôn có mấy chỗ chơi và xem:
1. Cưỡi voi offroad, tùy theo tour 15 phút hay 30 phút mà mình sẽ được đi dài hay ngắn. Nếu đi 30 phút (hình như 80.000 đồng) thì cả nhà em ngồi chung trên 1 thớt voi. Vợ em lúc đi mặt tái mét mồm cứ lẩm bẩm "Sao mình dại thế nhỉ, để cả nhà ngồi lên trên cái ghế lỏng lẻo cột trên lưng con voi, nhỡ nó mà rơi xuống thì". Lưng con voi rất cao, so với cái xe buýt chạy ngang qua liên tục thì có thể tương đương với chúng ta ngồi trên nóc xe. Khi đi qua những cái dây điện chăng ngang đường là mọi người đều phải cúi xuống. Đi ngang qua mấy cây vú sữa là có thể hái quả dễ dàng. Trong tour 30 phút có đoạn lội xuống sông, rất phê.
2. Đi thăm cái cầu treo độc đáo bắc vào một cây đại thụ cực kỳ nhiều nhánh. Đi hết cái cầu treo đó sẽ sang tới khu chuồng thú có nuôi trăn, khỉ, gà lôi và cá sấu. Cầu treo này được làm từ cáp sắt sau đó lát gỗ và tre, đi lại nó đung đa đung đưa, khá hay.
3. Đi thăm căn nhà sàn cổ đã được làm cách đây 116 năm. Trong căn nhà có treo nhiều đồ vật dùng để săn bắt voi. Độc đáo nhất là sợi dây làm từ da nhiều con trâu mộng, qua một quá trình chế biến bao gồm cả phơi, bện và gác bếp thì đã ra được một cuộn dây cực kỳ chắc chắn, có khả năng trói được voi rừng.
4. Đi thăm mộ vua săn voi.
Lại tiếp chuyện cưỡi voi ở Buôn Đôn. Buôn Đôn là nơi có truyền thống bắt và nuôi dạy voi, chính vì vậy công ty du lịch Buôn Đôn đã bỏ tiền ra mua 3 con voi chuyên để chở khách đi du lịch. Đấy là quản tượng kể như vậy khi em hỏi có phải là voi của nhà bác ấy không. Người quản tượng làm thuê cho công ty, anh cũng là dân ở Buôn này.
Con voi rất cao, ngồi trên cái ngai của nó thì mình ngồi cao hơn nóc xe buýt. Đi đường không để ý là dây diện hoặc cây cối vướng vào cổ là chuyện bình thường. Để trèo lên con voi cũng phải có kiểu riêng. Hôm em đố bọn trẻ con nhà em, đứa thì đoán là voi phải quỳ xuống để mình trèo lên, đứa thì đoán là dùng thang, có đứa còn nói là phải có thang dây.
Thực ra, ở những nơi thế này, người ta phải xây những cái đài để trèo lên voi.
Lúc nghỉ ngơi không phải đưa khách đi chơi, voi sẽ bị xích vào những cái cây.
Bốn người nhà em, cộng thêm bác quản tượng, mà đối với con voi chả hề hấn gì. Cảm giác ngồi lênh khênh tít trên cao thật là lạ. Em chụp từ trên cao xuống vài kiểu để thấy cưỡi voi nó cao thế nào.
Tiếp theo, em đi tham quan thác Dray Sap, nằm trong địa phận quản lý của Kiểm Lâm, mở cửa chính thức đón khách tham quan từ 22/12/2010.
Rừng này còn rất nhiều cây to, trông rất đặc biệt. Nhiều cây còn có biển tên đàng hoàng.
Cây này rất to, thân cây như được bện từ hàng trăm thân nhỏ.
Từ thác Dray Sáp đi khoảng vài trăm mét qua hai cái cầu là tới thác Dray Nur. Thác Dray Nur còn được gọi là thác khói vì hơi nước lúc nào cũng mù mịt.
Khu vực này giáp danh giữa địa phận Đắk Lắk và Đắk Nông. Nước và đá ở đây có màu rất lạ.
Không ngờ phía trên thác Dray Nur lại có khu du lịch mới mở, rất khang trang. Hỏi ra mới biết là Cafe Trung Nguyên mua lại để kinh doanh.
Kết thúc một ngày tham quan hết ngồi trên lưng voi rồi lại đi tắm suối, cảm giác khoan khoái vô cùng. Nhưng vẫn còn rất nhiều điều thú vị khác nữa về Tây Nguyên, các bác cứ chờ xem nhé!
(Còn nữa)
Trên đây là chia sẻ của thành viên Giaothong, diễn đàn Otofun. BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn!
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.