Khánh thành cầu Bắc Luân II Việt - Trung tại Quảng Ninh Hà Nội: Va vào tàu hỏa, xe tải bẹp rúm Honda Việt Nam triển khai "Hội thi Tay lái vàng” 2017 |
Văn bản nhiều, hiệu quả ít
Nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông của học sinh, ngay sau ngày khai giảng năm học mới 2017-2018, tất cả các trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã tập trung phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Các nhà trường đều lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết giáo dục công dân...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu bắt buộc 100% nhà trường tổ chức ký cam kết với phụ huynh, không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, khảo sát ở một số cổng trường THPT khu vực nội thành vào ngày 13-9 cho thấy, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, phụ huynh đỗ xe ở nơi có biển cấm, chở quá số người quy định... khá phổ biến.
Tại cổng Trường Tiểu học Tô Hoàng, THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng), không ít phụ huynh đi xe máy đứng lộn xộn trước cổng trường, không đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa, đón. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), trong tháng 8-2017 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi, chiếm 2,7% số vụ tai nạn xảy ra trong tháng. Nhiều học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ chỉ là đối phó, khi hết đợt cao điểm, hoặc vắng bóng lực lượng chức năng, các em lại tái phạm.
Lý giải về việc giao xe máy phân khối lớn (dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên) cho con đến trường, bà Lê Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) cho biết, do nhà xa, thương con học lớp 12 phải di chuyển nhiều và thấy bạn cùng trường cũng sử dụng xe máy, nên dù đã ký cam kết với nhà trường, gia đình vẫn cho con dùng xe.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông chưa giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng do nguyên nhân từ nhiều phía: Gia đình nuông chiều, lực lượng công an không nỡ “mạnh tay”, còn trường học mới chỉ “giơ cao đánh khẽ”...
Không để tình trạng "người rắn, kẻ buông"
Qua nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố gần đây cho thấy, những vụ tai nạn giao thông của học sinh xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu như: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.
Tỷ lệ tai nạn giao thông của học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,5 vụ/học sinh). Trong khi đó, qua khảo sát 2.390 học sinh THPT tại Hà Nội cho thấy, 52% các em lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện đi lại và 7% đi xe máy trái phép.
Tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn phổ biến. |
Thế nhưng, việc xử lý học sinh vi phạm để răn đe, tránh tái phạm lại không đơn giản. Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Điều tra - Khám nghiệm tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt) cho biết, việc xử lý vi phạm giao thông với học sinh gặp nhiều khó khăn. Học sinh khi vi phạm quy định an toàn giao thông thường có biểu hiện trốn tránh lực lượng chức năng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác; khi bị bắt lỗi, thường không có giấy tờ xe hoặc được phụ huynh ứng cứu...
Để giải quyết tình trạng này, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Hà Nội), các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa nội dung giáo dục an toàn giao thông vào giảng dạy; tăng cường trách nhiệm của lực lượng bảo vệ nhà trường, kiểm soát hành vi và phương tiện đi lại của học sinh, yêu cầu phụ huynh không giao mô tô, xe máy phân khối lớn cho con khi chưa đủ tuổi theo quy định. Phía lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì việc gửi thông báo các trường hợp học sinh vi phạm cho nhà trường để có hình thức xử lý nghiêm khắc; tăng cường tuyên truyền tại nhà trường bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức của học sinh khi tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng, việc này không chỉ trông chờ vào nhà trường, mà đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Để tạo cho học sinh thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, nhà trường - gia đình - xã hội phải chung sức, thống nhất trong mọi việc, tuyệt đối không để tình trạng “người rắn, kẻ buông”.
Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) xử phạt một trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Nhật Nam. |
Còn theo ông Lê Vấn Vương, phụ huynh học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm), ngoài sự quyết liệt của cơ quan chức năng, sự giám sát chặt chẽ của gia đình, các nhà trường cần tuân thủ những quy định của ngành. Được biết, tại Điều lệ trường học và Quy định đánh giá, xếp loại học sinh ban hành năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông có thể bị xử lý ở mức cao nhất là buộc thôi học có thời hạn, xếp loại hạnh kiểm yếu.
Rõ ràng, quy định đã có từ lâu, nhưng chưa có đơn vị nào áp dụng triệt để. Vì vậy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, các nhà trường cần nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông.