|
Mỗi khi nhắc đến BMW, gần như điều đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến đó là một chiếc xe có lưới tản nhiệt hình quả thận. Mọi mẫu xe của BMW đều có lưới tản nhiệt quả thận từ những huyền thoại như BMW M1, đến các mẫu xe mới nhất như X7 hay các mẫu siêu xe điện là i8. Không dừng lại ở đó, DNA thiết kế nổi tiếng của BMW còn một chi tiết nữa mà không phải ai cũng nhận ra. Đó là thiết kế cột C đặc trưng có tên gọi Hofmeister kink. |
Để dễ hiểu, Hofmeister kink là kiểu thiết kế bẻ cong đường viền kính trên cánh cửa sau thay vì tiếp tục đi thẳng, giúp ô kính cuối cùng tạo thành hình tứ giác. Trong khi đó, đa số các xe khác thường có phần viền này vẫn đi thẳng, ô kính cuối có dạng hình tam giác. Thiết kế này xuất hiện lần đầu tiên trên chiếc BMW 1500 năm 1961 và được đặt theo tên của Giám đốc thiết kế của BMW lúc bấy giờ, Wilhelm Hofmeister. Ông nắm giữ vị trí này trong khoảng thời gian hơn 15 năm 1955 - 1970. Kể từ thời điểm đó, chi tiết này trở thành dấu hiệu đặc trưng trên những chiếc xe đến từ xứ sở Bavaria. |
|
Sau Thế chiến thứ 2, châu Âu nói chung và Đức nói riêng thiệt hại nặng nề và khó khăn trong một thời gian dài. Người dân không còn có tiền để mua một chiếc ô tô. BMW đã phải thay đổi bằng việc sản xuất nồi và chảo nấu nếu không muốn bị phá sản. Nhưng với khởi điểm là một nhà sản xuất ô tô, BMW không thể tiếp tục tình trạng này lâu, ban lãnh đạo công ty quyết định khôi phục lại công việc ban đầu. Vào năm 1959, mọi thứ trở nên tồi tệ đối với BMW đến nỗi công ty gần như sắp bị bán cho đối thủ Daimler-Benz. May mắn thay, cuối cùng, một nhà công nghiệp giàu có là Herbert Quandt quyết định cứu BMW. Sau khi Quandt gia nhập công ty, mọi thứ bắt đầu khởi sắc trở lại. Những chiếc xe được sản xuất sau đó được gọi là “New Class - Thế hệ mới”. Các mẫu xe được sản xuất dưới sự lãnh đạo của Fritz Fiedler. Ông nhận ra rằng, muốn hồi sinh BMW, hãng cần sản xuất những chiếc xe có dung tích xy-lanh nhỏ, trong khoảng 1,5 - 2 lít. Bởi một mẫu xe rất nổi tiếng sử dụng động cơ nhỏ thời điểm đó là Borgward Isabella ngừng sản xuất, để lại một thị trường rộng mở. |
| Không bỏ lỡ cơ hội này, BMW giới thiệu chiếc 1500 vào tháng 9/1961 tại Triển lãm Frankfurt. Tại sự kiện này, BMW 1500 nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo công chúng và giới chuyên môn. Một câu chuyện thú vị kể lại rằng, thời điểm đó, nếu muốn tận mắt chứng kiến chiếc xe này, một người phải chờ tới 30 phút mới đến lượt đứng gần. Đó là giá trị vô hình mà ai cũng cảm nhận được, báo hiệu cho một chu kỳ thành công mới. Vào thời điểm đó, rất ít mẫu xe có khả năng cạnh tranh với BMW 1500 về sức mạnh động cơ. Công nghệ được áp dụng cho chiếc xe này được nhiều người mô tả là “không thể tin được” vào thời điểm đó. BMW 1500 sở hữu động cơ 4 xy-lanh dung tích 1,5 lít cho công suất 80 mã lực tại 5.500 vòng/phút, tốc độ tối đa tới 150 km/h. Xe còn được trang bị hệ thống treo độc lập và phanh đĩa ở bánh trước. Quan trọng nhất, đây là chiếc xe có thiết kế hoàn toàn mới. Không đẹp như mẫu mui trần BMW 3200 CS gần đó, nhưng chiếc sedan này có mức giá hợp lý và tính thực tế cao hơn. Giới trung lưu nước Đức đang dần phục hồi kinh tế sau chiến tranh cần một chiếc xe như thế. |
Trong quá trình thiết kế, nhóm nghiên cứu của BMW cũng tham khảo lời khuyên từ nhà thiết kế Giovanni Michelotti. Ông cũng là người phụ trách thiết kế chiếc BMW 700 trước đó. Kết quả là chiếc 1500 cần mang trên mình một thiết kế mang hơi hướng phong cách Italia kết hợp với công nghệ Đức. Đó là một chiếc sedan bốn cửa, rộng rãi, thiết kế liền mạch và trở thành xu thế mới trong thời gian dài. Một điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa chiếc 3200 CS và 1500 là việc cột C của xe được thiết kế theo phong cách mới. Ô kính cuối có đường viền trên gấp khúc xuống, tạo hình tứ giác gọi là Hofmeister kink. Tổng thể chiếc xe cũng nhờ đó mà không còn tròn mà khỏe khắn hơn, mạnh mẽ hơn. Kể từ đó, đây cũng là chỉ dấu hàm ý những chiếc xe BMW luôn sử dụng hệ dẫn động cầu sau. Hiện nay điều này không còn đúng. Những chiếc BMW cỡ nhỏ như 2-Series, X1 và X2 đang được trang bị hệ dẫn động cầu trước. Nhiều ý kiến cho rằng điều này làm mất đi bản sắc vốn có của BMW, nhưng hãng xe nước Đức có lý của mình. Nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc xe nhỏ. Cùng với kinh nghiệm hàng trăm năm, BMW biết cách tạo nên một chiếc xe dẫn động cầu trước mà không hề nhàm chán. | sdfsdfsd |
|
|
Sau thế hệ “New Class”, Hofmeister kink vẫn tiếp tục tồn tại đến các mẫu xe của BMW đến hôm nay. Hai dòng xe ăn khách nhất của BMW từ trước đến nay là 3-Series và 5-Series đều sở hữu thiết kế này trên cột C. Những mẫu xe mới nhất của BMW như 2-Series, 4-Series, 8-Series hay hai mẫu xe điện i3 và i8 cũng được thừa hưởng giá trị làm nên truyền thống của hãng xe nước Đức. Bên cạnh đó, các mẫu SUV BMW X cũng được áp dụng triết lý này, có hơi khác một chút ở chỗ được chuyển từ cột C về phía sau, sang cột D. |
| Kể từ khi Hofmeister kink được BMW giới thiệu, nhiều hãng xe đã cố gắng sao chép và cách điệu theo các cách khác nhau. Đó dường như trở thành quy chuẩn để nhận biết một mẫu xe sang trọng. Volkswagen chỉ áp dụng kiểu cột C này trên chiếc Passat chứ không phải là mẫu xe giá rẻ như Golf. Có thể kể đến một vài cái tên như Lincoln của Ford, Buick của Chevy, Lexus của Toyota, Genesis của Hyundai. Trái lại, các đối thủ trực tiếp của BMW là Audi và Mercedes-Benz lại không muốn áp dụng cách làm này, như một cách khẳng định họ cũng có thể tạo nên dấu ấn riêng. |
Với lịch sử gần 60 năm được áp dụng, BMW muốn nâng tầm Hofmeister kink hơn nữa. Những mẫu xe gần đây như 8-Series hay 3-Series G20, Hofmeister kink được cải tiến một chút, mang lại cái nhìn tươi mới hơn cho dải sản phẩm của hãng. Chưa dừng lại ở đó, các nhà thiết kế của BMW còn áp dụng cả trên những vị trí khác của các dòng xe. Mới nhất, Hofmeister kink đã xuất hiện hai bên hông xe những chiếc 3-Series GT F30 hay 4-Series. Rõ ràng, Hofmeister kink là một trong những di sản làm nên bản sắc và DNA trong thiết kế của BMW. Trong tương lai, nhiều mẫu xe mới sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển triết lý thiết kế được đặt theo tên cha đẻ của nó, ngài Wilhelm Hofmeister. | vcvfsf |
|