(OTOFUN) - Với việc những chiếc Phantom thế hệ hiện tại sẽ được dừng sản xuất vào cuối năm nay, đây thực sự là thời điểm thích hợp để nhìn lại quá trình phát triển của dòng xe huyền thoại tới từ Anh quốc. Rolls-Royce tuyên bố mẫu Phantom mới sẽ là "chiếc ô tô tốt nhất thế giới", và trong thời gian một năm chờ đợi siêu phẩm này, hãy cùng nhau nói về những gì mà bảy thế hệ đi trước đã làm được.
"Bóng ma bạc" Silver Ghost, chiếc xe tiền nhiệm của dòng Phantom lừng danh.
Biệt danh "chiếc ô tô tốt nhất thế giới" được dành tặng lần đầu cho Rolls-Royce Silver Ghost trong một bài đánh giá đăng trên Autocar năm 1907. Đây cũng là chiếc xe xác lập nên những giá trị tiền đề cho mẫu Phantom đầu tiên.
Thế hệ Phantom thứ nhất
Năm 1925, Rolls-Royce giới thiệu một chiếc xe biệt danh "Silver Ghost". Mẫu xe mới này mang tên New Phantom, sử dụng động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng với các van đũa đẩy (pushrod valve).
Chỉ có 3.512 chiếc New Phantom được sản xuất. Vì vậy, tới thời điểm hiện tại, thế hệ đầu của dòng xe được xem như một món đồ sưu tầm giá trị.
Rolls-Royce Phantom I, hay New Phantom.
Mẫu Phantom đầu tiên được sản xuất trên cùng khung xe với người tiền nhiệm, tại hai nhà máy của Rolls-Royce. Một ở Derby, Anh quốc và một ở Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Tương tự nhiều mẫu xe hiện tại, Rolls-Royce chỉ chế tạo khung gầm và các bộ phận cơ khí của New Phantom, trong khi sẽ có một nhà sản xuất riêng đảm nhiệm thân xe. Ở thời điểm đó, nghành công nghiệp chế tác thân xe đang nở rộ và cho phép khách hàng tuỳ biến toàn bộ chiếc xe của họ.
Thế hệ Phantom thứ hai
Ra mắt chỉ bốn năm sau New Phantom, chiếc xe hiện mang tên gọi Phantom II chỉ được gọi đơn giản là Phantom tại thời điểm trình làng.
Trong một quãng thời gian ngắn, cả hai đời xe Phantom đều được bán trên thị trường. Chiếc Phantom mới cũng sử dụng động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng 7.7L tương tự thế hệ đầu tiên. Tuy nhiên, xe chứng kiến nhiều cải tiến rõ rệt.
Rolls-Royce Phantom II mang tới nhiều cải tiến rõ rệt.
Mặc dù dùng nền tảng giống nhau nhưng khung gầm xe được làm mới hoàn toàn. Động cơ được gắn trực tiếp vào hộp số sàn 4 cấp. Không như thế hệ trước, toàn bộ khung gầm, động cơ và hệ dẫn động của xe đều được sản xuất tại nhà máy ở Derby của Rolls-Royce.
Truyền thống tuỳ biến thân xe vẫn tiếp tục, chủ nhân vẫn được lựa chọn công ty đảm nhiệm việc chế tác thân xe cho họ. Một số tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực này tại thời điểm đó gồm có Hooper, Mulliner, Park Ward và Henley.
Phantom III
Đây là thế hệ Phantom đầu tiên được trang bị động cơ V12 và sau đó Rolls-Royce cũng không sử dụng loại động cơ này cho các mẫu Phantom đời tiếp theo cho tới tận năm 1998.
Việc sản xuất Phantom III bị dang dở do Thế Chiến II,
thậm chí chiếc xe cuối cùng mất đến... 6 năm để tới tay chủ nhân sau khi xuất xưởng.
Trong vòng đời 3 năm của mình, chỉ 727 khung gầm, động cơ và hệ dẫn động của xe được sản xuất và chiếc Phantom III cuối cùng tới tay khách hàng vào năm 1947. Đó là hệ quả của việc Thế Chiến II nổ ra.
Động cơ V12 7.33L trên Phantom III làm từ hợp kim nhôm với 24 bu-gi, hai cục chia điện và hai cuộn tăng áp. Thân xe gồm các loại hai chỗ, bốn chỗ, mui trần và được đảm nhiệm bởi nhiều công ty từng tham gia chế tác thế hệ thứ hai của dòng xe.
Phantom IV
Thế hệ thứ tư của Rolls-Royce Phantom hiện vẫn được coi là quý hiếm nhất trong dòng xe này. Đó là vì Rolls-Royce chỉ sản xuất 18 chiếc Phantom IV từ năm 1950-1956 và 17 trong số đó dành cho các chính khách và hoàng tộc.
Đây cũng là thế hệ Phantom duy nhất sử dụng động cơ 8 xi-lanh thẳng hàng được đánh giá cao nhờ sức mạnh và khả năng tiết kiệm nhiên liệu ở tốc độ thấp. Thân xe vẫn do nhiều công ty khác nhau đảm nhiệm.
Chỉ có 18 chiếc Phantom IV trên toàn thế giới.
Ban đầu, Phantom IV dự định chỉ được sản xuất một chiếc duy nhất, sau khi Hoàng tế Philip lái một phiên bản thử nghiệm của chiếc xe vào năm 1948. Tuy nhiên, vị Công tước xứ Edinburgh này thích thú với chiếc xe tới mức đặt mua nó và Phantom IV trở thành chiếc Rolls-Royce đầu tiên sở hữu bởi một thành viên trong gia đình Hoàng gia Anh quốc.
Hiện 16 trên tổng số 18 chiếc Phantom IV vẫn tồn tại và đều là món tài sản vô cùng giá trị.
Phantom V
Thế hệ Phantom thứ năm được chế tạo tại Crewe, quê nhà hiện tại của hãng xe Bentley. Đó là vì Rolls-Royce từng sở hữu Bentley trước khi Volkswagen thực hiện thương vụ mua lại.
Rolls-Royce Phantom đời thứ năm được trang bị động cơ V8 và sản xuất chỉ với số lượng 516 chiếc. RR chế tạo khung gầm và hệ dẫn động cho xe trong khi các công ty sản xuất thân xe độc lập phụ trách làm thân cho Phantom V.
Ít ai biết rằng Bentley cũng từng tham gia sản xuất Rolls-Royce Phantom.
Tính năng trợ lái cùng hộp số tự động 4 cấp đã trở thành trang bị tiêu chuẩn. Rolls-Royce cũng mua lại những công ty như Mulliner, James Young và Park Ward và giao cho họ phụ trách việc thiết kế các phiên bản Phantom tiêu chuẩn. Vòng đời của Phantom V kéo dài 9 năm.
Phantom VI
Thế hệ thứ sáu của xe được giới thiệu ngay chính vào năm Phantom V dừng sản xuất. Rolls-Royce vẫn chế tạo khung gầm, động cơ và hệ dẫn động trong khi phần thân giao cho các hãng sản xuất thân xe chuyên biệt. Trong suốt vòng đời 22 năm, chỉ có 374 chiếc Phantom VI xuất xưởng.
Phantom VI vẫn sử dụng động cơ V8 6.23L như nguời tiền nhiệm, nhưng sau đó được nâng cấp dung tích lên 6.75L.
Phantom VI là chiếc xe cuối cùng của Rolls-Royce sử dụng khung gầm rời.
Đầu năm 1979, Phantom VI bắt đầu có hệ thống điều hoà hai vùng trước-sau riêng biệt. Tuy nhiên, model này chưa từng được bán ra tại Mỹ vì quy định của EPA (Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ) và NTHSA (Cục quản lý an toàn đường cao tốc quốc gia Hoa Kỳ).
Một trong những điểm quan trọng nhất của thế hệ Phantom thứ sáu này nằm ở việc đây là mẫu xe Rolls-Royce cuối cùng sử dụng khung gầm rời.
Phantom VII
Thế hệ Phantom thứ bảy được giới thiệu 13 năm sau khi người tiền nhiệm Phantom VI dừng sản xuất và 78 năm sau khi chiếc Phantom đầu tiên xuất hiện.
Phantom VII, thế hệ Phantom mới nhất,
vừa chính thức kết thúc vòng đời của mình trong năm 2016.
Chiếc xe này cũng đánh dấu một kỷ nguyên mới cho Rolls-Royce khi nó ra mắt 5 năm sau khi thương hiệu Anh quốc "về chung một nhà" với BMW. Năm 2003 cũng là thời điểm nhà máy sản xuất và quản lý của Rolls-Royce tại Goodwood được khánh thành.
Mỗi chiếc Phantom VII đều được tuỳ biến theo từng cá nhân, từ màu sơn, gỗ cho tới các chi tiết thuộc da. Bên cạnh việc giữ lại các đường nét thiết kế truyền thống, Rolls-Royce Phantom VII được làm từ nhôm với các công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm đó. Xe sử dụng động cơ V12 6.7L sản xuất bởi BMW.
Phantom VII được nâng cấp nhẹ (facelift) vào năm 2012 với nhiều thay đổi về kỹ thuật cũng như công nghệ nhưng thiết kế ngoại thất vẫn không thay đổi quá nhiều.
Đây cũng sẽ là thế hệ Phantom cuối cùng có phiên bản Coupe (2 chỗ, 2 cửa) và Drophead (4 chỗ, 2 cửa) với trục cơ sở thông thường và trục cơ sở kéo dài.