Dân Hà Nội đổ xô vào Sài Gòn tìm mua ô tô cũ do khan hàng dịp cuối năm Ô tô nhập nguyên chiếc tăng mạnh, sắp hết khan hàng? |
Hiện tại, hai hãng xe Nhật tại Việt Nam là Mitsubishi và Suzuki đều đã thông báo cho các đại lý về việc chậm giao hàng trong tháng 4/2021 do thiếu hụt nguồn cung chíp bán dẫn và một số linh kiện điện tử. Trong đó, xe Mitsubishi phải sau 20 ngày làm việc mới có thể tiếp tục giao cho nhà phân phối để bán cho người tiêu dùng. Các mẫu xe chậm giao có Mitsubishi Xpander, Outlander (lắp ráp trong nước) và Attrage (nhập khẩu từ Thái Lan). Ước tính, khách hàng trong nước đã đặt xe Mitsubishi phải chờ đến nửa cuối tháng 5 mới có thể nhận xe.
Thiếu linh kiện khiến các hãng xe đang rơi vào tình trạng khan hàng |
Tương tự, xe Suzuki XL7 và Ertiga vấp tình trạng nguồn nhập khẩu bị hạn chế trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021 do nhà máy Suzuki tại Indonesia buộc phải cắt giảm sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện. Ngoài Mitsubishi, Suzuki, tình trạng thiếu hụt linh kiện, thậm chí gián đoạn giao xe cũng xảy ra với các thương hiệu phổ biến khác tại Việt Nam.
Một nguồn tin từ hệ thống phân phối của Mercedes-Benz Việt Nam xác nhận thời gian đặt hàng các mẫu xe nhập khẩu của thương hiệu hạng sang nước Đức đã bị kéo dài thêm đáng kể. Trước đây, một mẫu xe đặt về từ các nhà máy nước ngoài chỉ mất 6 hay 7 tháng, nhưng tới nay đã lên từ 10 đến 12 tháng/xe. Đáng chú ý, chiếc sedan siêu sang Mercedes-Maybach S580 ra mắt từ tháng 11/2020, nhưng việc đặt hàng từ nhà máy sản xuất tại Đức tới nay vẫn chưa khả thi.
Bên cạnh những tác động đối với hoạt động kinh doanh, việc thiếu hụt chíp bán dẫn và linh kiện còn tác động tới cả kế hoạch vận hành trong năm 2021 của một số thương hiệu tại Việt Nam. Đại diện nhà phân phối Subaru ở thị trường trong nước xác nhận đã phải tạm hoãn kế hoạch ra mắt thêm mẫu xe mới trong năm nay do khó đảm bảo nguồn cung từ Nhật Bản và Thái Lan. Trước đó, Subaru Nhật Bản cũng thông báo tạm ngừng hoạt động tại nhà máy Yajima ở tỉnh Gunma từ ngày 10 đến 27/4 do thiếu chíp bán dẫn.
Theo một số chuyên gia về lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam, bên cạnh việc thiếu linh kiện bán dẫn, dịch bệnh hoành hành ở nhiều quốc gia vốn là xương sống của chuỗi cung ứng ô tô thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Brazil..., hay hạn hán ở Đài Loan (Trung Quốc) - một nguồn cung chíp bán dẫn chủ chốt của thế giới - đã gây gián đoạn lắp ráp hoàn thiện ô tô. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm container, chi phí vận tải gia tăng... cũng tạo thêm sức ép lên thị trường xe trong giai đoạn hiện nay.
Tình trạng thiếu hụt phụ tùng, đặc biệt là chíp bán dẫn được giới chuyên môn dự đoán sẽ còn kéo dài tới hết năm nay, thậm chí sang tới năm 2022.