Theo kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kể từ ngày 1/7 tới đây, lực lượng chức năng sẽ thực hiện xử lý người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”. Cụ thể, người đi xe đội mũ không đủ 3 bộ phận (gọi là 3 lớp), gồm vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ, không có nhãn mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy và dấu hợp quy thì sẽ bị xử phạt giống như mức phạt đối với vi phạm không đội mũ bảo hiểm.

Từ ngày 1/7, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy đội mũ bảo hiểm "rởm" sẽ bị xử phạt - Ảnh minh họa.
Trước quy định này, hầu hết người đi đường đều tán thành, bởi đội mũ bảo hiểm chất lượng cao sẽ giúp họ bảo vệ an toàn, giảm thiểu thương vong trong trường hợp xảy ra tai nạn. Trong thời gian gần đây, khi ngày 1/7 đang tới gần, nhiều người đã “rục rịch” chuẩn bị cho mình một chiếc mũ đạt chuẩn. Tuy nhiên, mặc dù chưa đội mũ bảo hiểm mới, họ đã đứng trước nỗi lo bị mất mũ giống như thời gian trước đây.
Chị Trần Thu Hương (nhân viên bán hàng ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị cũng đã từng dùng mũ bảo hiểm “xịn”, thậm chí là ba chiếc mũ, nhưng tất cả chúng đều “không cánh mà bay”. “Tôi cũng muốn dùng mũ tốt lắm, nhưng sau ba lần mất mũ, tôi thực sự thấy rất bực mình và xót tiền.Lần thứ nhất bị mất khi tôi gửi xe trong bệnh viện. Sau đợt đó, tôi cũng làm như mọi người chỉ là cho dây mũ vào cốp xe. Nhưng lần thứ hai, khi vào siêu thị gửi xe, vì quên, tôi để mũ treo ở ngoài và cũng bị mất. Lần thứ ba thì tôi không thể ngờ được. Tôi vào mua quần áo và để xe ở ngoài, chứ không phải là nơi trông gửi xe, ấy vậy mà tôi cũng bị mất. Mỗi chiếc mũ có giá vài trăm nghìn đồng, chứ có ít ỏi đâu. Kể từ đó, tôi mua mũ 30.000 đồng dùng cho lành. Mất cũng không tiếc” – Chị Hương chia sẻ.
Anh Đức Minh (sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo ngại rằng nếu quay trở lại dùng mũ đạt chuẩn, anh có bị mất mũ như trước kia hay không. “Khi học năm thứ ba, bố mình mua cho mình xe máy và mua luôn cho mình một chiếc mũ bảo hiểm xịn. Nhưng dùng chẳng được bao lâu, nó đã bị đánh mất. Vì vậy, cũng giống như nhiều người, mình mua chiếc mũ 50.000 ở vỉa hè để đội. Mũ nhẹ và quan trọng là có mất, cũng không bị xót của. Sắp tới, khi có quy định, mình cũng sẽ phải mua mũ tốt dùng thôi, để tránh bị CSGT xử phạt. Tuy nhiên, chắc mình phải mua máy chống trộm cho mũ bảo hiểm quá”- Đức Minh hài hước nói.

Nhiều người bị mất mũ bảo hiểm vì treo mũ ở xe như thế này - Ảnh minh họa.
Lời giải thích tại sao dùng mũ “rởm” của chị Hương và anh Minh cũng rất giống với “tâm tư” của nhiều người đi xe gắn máy, xe máy điện khác. Nhất là với những người đi xe không có cốp rộng, nỗi lo bị mất mũ luôn thường trực. Vì một hoặc nhiều lần mất mũ đạt chuẩn, đắt tiền, họ đã quay sang dùng mũ bày bán ở vỉa hè với giá rẻ.
Theo như lời thú thực của nhiều người thì ngoài khả năng bị mất mũ bảo hiểm vì những kẻ có ý định đi trộm mũ để bán lại cho các cửa hàng, một số lớn bị “chôm” mũ là do chính người gửi xe “hàng xóm” của mình lấy.
Vì bị một người khác lấy mất mũ ở nơi trông gửi xe, chị L.T.M thừa nhận đã từng bất đắc dĩ lấy mũ của xe bên cạnh. “Khi biết mình bị mất mũ, tôi rất bực mình. Lúc đó, tôi có việc gấp, dù biết là không nên nhưng tôi đành phải lấy mũ của xe bên cạnh”.

Ở bãi gửi xe rất dễ là nơi lấy trộm mũ "liên hoàn" - Ảnh minh họa.
Giống như chị M, nhiều người sau khi tức giận vì mất mũ, liền quay sang lấy mũ của người khác, bất kể đó là mũ “rởm” hay mũ “xịn”. Họ hành động như vậy với các lý do như là “đang mệt, không muốn đi bộ ra mua mũ”, “dù gì cũng không phải mình cố tình lấy”, “không mang theo tiền để mua mũ mới”…Và giống như theo hiệu ứng domino, một loạt người trong bãi xe đó sẽ mất mũ của mình và lấy mũ của người khác.
Thật ra đây là một cách hành xử vị kỷ, nói sâu xa hơn là thói ăn cắp vặt, nhưng được che đậy bởi suy nghĩ “không có gì sai”, “vì bị người khác lấy của mình trước”, “không cố tình”. Tuy nhiên, để không giống với người đã lấy mũ của mình, chúng ta tùy từng hoàn cảnh mà có thể tìm ra các cách gỡ khó khác như nhờ bạn bè, người thân mang mũ tới; đi xe buýt, xe ôm hoặc taxi về; đi bộ đi mua mũ…
Sắp tới ngày 1/7, ngày chính thức quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện (bao gồm cả xe đạp điện), mong rằng tình trạng mất mũ bảo hiểm sẽ không còn tiếp diễn “rầm rộ” trở lại. Trước hết, mỗi người đi đường cần tự tìm cách bảo quản đồ của mình để đề phòng kẻ gian ăn cắp tài sản, sau đó, dù có không may bị rơi vào tình thế mất mũ hoặc thiếu mũ, chúng ta cũng không nên để mình trở thành kẻ trộm, cho dù là kẻ trộm bắt đắc dĩ.
Theo Đường bộ