(OTOFUN) - Chưa trở thành điểm nóng ùn tắc giao thông như Hà Nội, TP.HCM, nhưng với tốc độ phương tiện, mật độ dân cư khu vực nội thị gia tăng nhanh, Đà Nẵng đang lập đề án hạn chế phương tiện cá nhân trình lãnh đạo thành phố trong tháng 6.
Gia tăng ùn tắc cục bộ
Cao điểm cuối giờ chiều, lượng phương tiện đổ dồn về phía đường: Hùng Vương, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hoàng Diệu… khiến hàng loạt nút giao thông dọc các tuyến đường này có nguy cơ ùn tắc cục bộ. Chỉ vài chục giây chờ đèn tín hiệu giao thông, nút giao Hùng Vương - Hàm Nghi đã có hàng trăm xe ùn ứ, phương tiện nhích từng mét. “Có ngày chờ đến hai lần đèn xanh - đỏ tôi vẫn chưa qua được nút giao này”, ông Trần Đình Nam (45 tuổi, trú đường Ngô Gia Tự, Đà Nẵng) nói.
Ùn tắc giờ cao điểm tại một nút giao ở Đà Nẵng.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 12/2016, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo ngành chức năng phải sớm có giải pháp căn cơ giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, kiểm soát phương tiện. Nếu để đến năm 2020, Đà Nẵng có nguy cơ “vỡ trận” kiểm soát giao thông. Theo ông Xuân Anh, kinh nghiệm kiểm soát phương tiện ở một số nước là đưa ra hạn ngạch cấp phép thêm bao nhiêu ô tô ở các thành phố lớn mỗi năm. Trên cơ sở này đem ra đấu giá, ai đấu giá trúng thì được mua ô tô. Quy định rõ tỷ lệ mua ô tô trên hộ gia đình, nhà có nhiều người mới được mua ô tô...
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng nhìn nhận, tình trạng ùn tắc phương tiện đã xảy ra ở nhiều tuyến phố trung tâm trong giờ cao điểm. Nguyên nhân do sự gia tăng nhanh của các loại xe cá nhân, tốc độ phát triển dân số, mật độ dân cư, các tòa nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại ở khu vực nội thị.
Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có hơn 1,1 triệu dân với 55.000 ôtô và hơn 715.000 xe máy, chưa kể các phương tiện vãng lai khác. Tỷ lệ tăng trưởng ôtô, xe máy mỗi năm của Đà Nẵng trên dưới 12%, trong khi các tuyến đường chính rất khó mở rộng, hạ tầng giao thông cơ bản định hình, ổn định. Nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân như hiện tại, nếu không có các giải pháp đột phá về hạ tầng, kiểm soát phương tiện, Đà Nẵng cũng như Hà Nội, TP.HCM đều quá tải về khả năng lưu thông. “Giờ cao điểm, hầu hết lực lượng CSGT được tăng cường ra đường, đảm bảo giao thông nhưng với đà này nguy cơ ùn tắc vẫn gia tăng”, ông Ngọc nói.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết, đang triển khai hàng loạt biện pháp để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông cục bộ, tạo sự thông thoáng cho phương tiện dọc tuyến đường trung tâm như: Thu hẹp nút giao, bố trí lối thoát phương tiện cho các hướng di chuyển cùng làn về phía phải mà không phải chờ đèn xanh - đỏ… Đồng thời, Sở GTVT đang làm đề án hạn chế xe cá nhân dự kiến trình lãnh đạo TP Đà Nẵng trong tháng 6 tới. Trong đó, đưa ra các phương án kiểm soát ô tô, xe máy vào trung tâm để giảm thiểu ùn tắc.
Sớm kiểm soát phương tiện
Theo đánh giá, ùn tắc giao thông gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt đời sống xã hội, “thương hiệu thành phố đáng sống” của Đà Nẵng cũng như tăng thời gian đi lại, tăng tiêu hao nhiên liệu, ô nhiễm môi trường và các chi phí vô hình về chất lượng sống, chi phí di chuyển… KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng nhận định, nếu không có giải pháp kịp thời, vấn nạn ùn tắc chắc chắn xảy ra tại Đà Nẵng trong tương lai gần. Việc hạn chế phương tiện cá nhân là rất cần thiết, không chỉ với xe máy mà cả ô tô cá nhân cũng phải có lộ trình cắt giảm. Thay vào đó, thành phố phát triển phương tiện công cộng, mở rộng mạng lưới xe buýt để hỗ trợ người dân và có chính sách trợ giá phù hợp. Về lâu dài, theo ông Hùng, thành phố cần áp dụng mô hình phát triển đô thị hợp lý (đô thị nén, đô thị thông minh), phân bố lại mật độ dân cư, tăng cường năng lực hạ tầng, phát triển đa dạng vận tải hành khách…
Phương tiện cá nhân tại Đà Nẵng đang tăng nhanh.
Để triển khai đề án hạn chế phương tiện cá nhân, nhiều chuyên gia kiến nghị Đà Nẵng phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt nhanh (BRT), đồng thời có chính sách khuyến khích người dân tham gia phương tiện công cộng; xử phạt quyết liệt hành vi đậu đỗ sai quy định, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Trung tá Phan Văn Thương, Phó Phòng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện của các đơn vị chức năng. Đặc biệt, với các phương tiện tải trọng lớn cần phải chứng minh có chỗ đậu đỗ xe thực tế, chỗ đậu xe riêng theo quy định để không gây xung đột lớn về giao thông công cộng...