Chủ trì họp báo có ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG); đại diện Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và 12 doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, chiến dịch này sẽ kéo dài trong 3 tháng với mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ, nhất là TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Trong chiến dịch này, hoạt động cưỡng chế sẽ được kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền để nâng cao hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG chủ trì họp báo
về chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ.
Việc kiểm soát tốc độ sẽ triển khai trên tất cả các quốc lộ, nhất là các tuyến trọng điểm như QL1, QL5, QL51, QL14, QL 18 nhắm vào các đối tượng là lái xe khách, lái xe tải hạng nặng…Thông qua máy đo tốc độ, hệ thống camera để giám sát, lực lượng chức năng sẽ phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tốc độ của người lái xe.
Đặc biệt trong đợt cao điểm này là lực lượng chức năng sẽ sử dụng thông số từ thiết bị giám sát hành trình để cảnh báo, xử lý hành vi vi phạm tốc độ của các đơn vị vận tải và lái xe. Từ 15/7, hàng ngày, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên phương tiện sẽ được tích hợp về Văn phòng Ủy ban ATGTQG và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đến 1/8, đơn vị nào còn vi phạm sẽ đề nghị cơ quan chức năng tịch thu phù hiệu và rút giấy phép kinh doanh theo quy định. “Cơ quan chức năng mong muốn các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề này, tự giác chấp hành để cơ quan chức năng không phải xử lý bất kỳ doanh nghiệp và lái xe nào”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Ủy ban ATGTQG, Hiệp hội vận tải Việt Nam chứng kiến lễ ký cam kết tham gia giải thưởng “Vô lăng vàng” của 12 doanh nghiệp vận tải. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và đội ngũ lái xe trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), có nhiều đóng góp trong công tác bảo đảm TTATGT.
Các lái xe, doanh nghiệp được đề cử dựa trên sự giới thiệu, phản ánh, đề cử của người tham gia giao thông (qua điện thoại, tin nhắn, website và tổng đài VOV). Các lái xe trên cả nước và các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã vận tải cũng có thể tự giới thiệu và ứng cử lập hồ sơ gửi về Ban tổ chức.
Giải thưởng "Vô lăng vàng" được phát động nhằm tôn vinh các cá nhân lái xe cũng như các doanh nghiệp vận tải
chấp hành pháp luật về TTATGT, có nhiều đóng góp trong công tác bảo đảm TTATGT - Ảnh minh họa.
Giải thưởng của cuộc thi bao gồm 30 giải “Vô lăng vàng” cho cá nhân tài xế, mỗi giải giá trị 5 triệu đồng và 30 giải cho các doanh nghiệp, mỗi giải 10 triệu đồng. Ngoài ra Ban tổ chức sẽ trao thêm một số giải phụ cho các cá nhân và tập thể có những thành tích trong công tác đảm bảo TTATGT trong năm xét thưởng.
Về tiêu chí bình xét giải thưởng Vô lăng vàng, đối với giải cá nhân: không để xảy ra TNGT và vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong năm; có nghĩa cử, hành động đặc biệt trong công tác đảm bảo TTATGT; tham gia cứu nạn người bị TNGT; giúp đỡ hành khách trong trường hợp đặc biệt…
Giải dành cho doanh nghiệp: phải có ít nhất từ 20 xe trở lên; 50% lái xe của doanh nghiệp được ký hợp đồng trên 1 năm; trong năm, đơn vị không có xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng; 100% số xe được lắp đặt, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình. Trong đơn vị có bộ phận theo dõi công tác an toàn giao thông, thường xuyên kiểm tra, giám sát hành trình của người lái xe khi làm nhiệm vụ; thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị.
Theo Giao thông vận tải