![]() |
Ông Emile Leray cùng chiếc xe đã được hoán cải. |
Tháng 3/1993, giữa cái nắng thiêu đốt của sa mạc Sahara thuộc Morocco, một thợ điện người Pháp tên Emile Leray đã viết nên một câu chuyện sinh tồn đầy phi thường. Khi chiếc Citroën 2CV của ông hỏng nặng giữa nơi không có tín hiệu, không ai giúp đỡ và cũng không thể gọi cứu hộ, Leray đã chọn cách không tưởng: biến chiếc xe ô tô thành một chiếc xe máy để tự cứu lấy mạng sống của mình.
Emile Leray, khi đó 43 tuổi, bắt đầu chuyến đi khám phá Morocco bằng chiếc Citroën 2CV. Mục tiêu của ông là đến thành phố Zagora, cách điểm xuất phát Tan-Tan khoảng 650 km. Tuy nhiên, chỉ vài chục km vào hành trình, ông bị quân đội chặn lại vì khu vực phía trước có tình hình bất ổn. Quyết không quay lại, Leray quyết định đi đường vòng qua một phần sa mạc và đó là lúc định mệnh ập đến.
![]() |
1. Ông Leray giữ lại biển số xe gốc, nhưng vẫn bị phạt vì chiếc xe máy tự chế không giống với phương tiện ban đầu. 2. Yên xe được làm từ cản sau của ô tô. 3. Khung gầm được rút ngắn và đặt vào giữa xe. 4. Bánh trước là bánh duy nhất có hệ thống giảm xóc. |
Không lâu sau, chiếc 2CV gặp tai nạn, đâm vào một tảng đá lớn khiến trục trước và khung gầm bị hư hại nghiêm trọng. Không thể sửa chữa tại chỗ và không có người qua lại, ông đứng giữa hai lựa chọn: cố gắng đi bộ hàng chục cây số giữa sa mạc để tìm trợ giúp hoặc làm điều gì đó chưa ai từng nghĩ đến.
Mang theo chỉ vài dụng cụ cơ bản và nguồn nước đủ dùng trong khoảng 10 ngày, Leray lựa chọn cách thứ hai, một quyết định táo bạo nhưng cũng là duy nhất, biến chiếc ô tô hỏng thành một chiếc xe máy hoạt động được. “Tôi biết mình sẽ không thể đi bộ suốt quãng đường quay lại. Vì thế, tôi cần một giải pháp sáng tạo để sống sót” ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau này.
Dưới cái nắng thiêu đốt và cát bụi bao phủ, ông tháo rời chiếc xe, dùng phần thân làm nơi trú ẩn và tận dụng các bộ phận còn lại động cơ, trục truyền động, bánh xe, để chế tạo một phương tiện mới. Trong vòng 12 ngày, Leray làm việc không ngừng nghỉ, cắt ngắn khung gầm, lắp lại động cơ ở giữa, lắp hai bánh xe phía trước và sau, đồng thời chế tạo yên xe từ cản sau.
![]() |
Vùng sa mạc nơi ông Emile Leray gặp nạn. |
Trong 12 ngày tiếp theo, ông miệt mài làm việc chỉ với một số công cụ đơn giản mang theo. Khung gầm được cắt gọn, động cơ và hộp số được đặt lại vào giữa, hai bánh được gắn vào để tạo thành chiếc xe máy cơ bản. Thậm chí, yên xe được ông tận dụng từ cản sau và bọc lại bằng băng keo để tăng độ êm. Vì hệ truyền động chỉ còn số lùi hoạt động, Leray phải lái chiếc xe theo hướng ngược, về lý thuyết là “lùi nhưng tiến”. Dù thô sơ và nặng nề (khoảng 180 kg), chiếc xe vẫn hoạt động đủ để di chuyển.
Sau khi hoàn thiện, ông bắt đầu hành trình vượt sa mạc với “chiến mã” tự chế. Không có phanh, không có giảm xóc, khói xả bay thẳng vào mặt, nhưng đó là cơ hội sống duy nhất. Sau khoảng một ngày di chuyển, ông được một đội tuần tra quân sự Morocco phát hiện.
![]() |
Ban đầu, họ không tin câu chuyện kỳ lạ về chiếc xe máy từ ô tô. Tuy nhiên, sau khi xác minh tại hiện trường, họ đã giúp ông quay trở lại thị trấn Tan-Tan an toàn. Trớ trêu thay, ông còn bị phạt 450 euro vì điều khiển phương tiện không đúng giấy tờ gốc!
Sau sự kiện sinh tồn hy hữu đó, Leray đã quay trở lại Morocco để thu hồi “chiến tích” của mình. Chiếc xe máy tự chế từ Citroën 2CV được ông giữ lại như một biểu tượng cho sự kiên cường, sáng tạo và ý chí sinh tồn phi thường. Nó hiện được trưng bày tại một số triển lãm ở châu Âu và Mỹ như Midwest Dream Car Collection ở Kansas.
Viên Huy