Ngày 1: Những cung đường hoa nắng
Hơn một tuần sau chuyến đi, tưởng như mớ công việc ngập đầu đã xóa mờ những cảm xúc của tôi về hành trình đến với những em nhỏ Thu Tà. Nhưng hôm nay ngồi mở lại những bức ảnh đã chụp, chợt thấy mọi cảm xúc lại ùa về, sống động và hạnh phúc...
Câu chuyện của tôi sẽ không kể lể nhiều về những chuyện diễn ra trên đường, những tình tiết cười ra nước mắt, những kỉ niệm khó quên. Tôi sẽ chỉ nói về cảm xúc, bởi tôi luôn tin rằng, cuộc sống là một chuỗi những cung bậc cảm xúc vui vẻ, cay đắng, hạnh phúc, ngọt ngào... Tiền bạc có khi đầy khi vơi, đồ vật của cải rồi cũng đến lúc cũ hỏng và rơi vào quên lãng, nhưng cảm xúc sẽ là thứ đồng hành với ta, đi cùng ta suốt cuộc đời. Chúng ta sống vì điều đó. Câu chuyện của anh Jo đang kể trong forum OTOFUN quả thực rất sinh động và thú vị, thế nên tôi sẽ kể câu chuyện này theo góc nhìn của riêng mình và cảm xúc của riêng mình...
Cung đường đến với Huổi Mí, Mường Chà, tỉnh Điện Biên năm 2015
Đã thành thông lệ, những ngày cuối năm luôn là những ngày bận rộn nhất của diễn đàn OTOFUN với chương trình Sưởi ấm Bản Cao - chuyến đi lớn và quan trọng nhất trong năm của diễn đàn đến với những cháu nhỏ vùng cao, với điều kiện sinh hoạt và học tập còn muôn và khó khăn, cực nhọc.
Những cung đường chúng tôi đã đi giờ đây đã thành một chuỗi dài những cái tên nghe lạ lẫm nhưng đầy thân thương. Từ Dìn Phàn Sán, Nậm Ban, Pa Ủ, Nam Cao, Huổi Mí cho tới hôm nay là Thu Tà, những cái tên chỉ nghe thôi đã phần nào hình dung ra sự xa xôi, hẻo lánh. Quả thực vậy, những con đường chúng tôi đã đi, những địa danh chúng tôi đã tới hầu hết đều rất ít vết bánh xe lăn tới - những nơi mà sóng điện thoại di động còn là một tiện ích xa xỉ thì việc ăn ngon, mặc ấm và những lớp học kiên cố luôn là giấc mơ của những em bé vẫn ngày ngày co ro trong giá rét, đi chân đất vượt núi tới trường.
Đội tình nguyện chia và đóng gói quần áo, sách vở
cho các cháu từ nhiều ngày trước chuyến đi.
Cùng chia sẻ những khó khăn vất vả đó và tạo điều kiện tốt hơn cho các em trong hành trình trau dồi con chữ, chương trình Sưởi ấm Bản Cao đã ra đời như là một trong những nỗ lực của diễn đàn OTOFUN đóng góp cho cộng đồng. Hàng ngàn chuyến xe, hàng vạn bộ quần áo, giày dép, sách vở, dụng cụ học tập, hàng chục lớp học mới đã được cộng đồng OTOFUN mang tới tận tay các em trong nhiều năm qua.
Đội dược sỹ chia thuốc theo đơn.
Tác phẩm của họa sỹ tay ngang vé trên những chiếc lốp cũ được tận dụng làm xích đu.
Để có được chuyến đi quy mô lớn này, hơn 2 tháng qua, hàng trăm thành viên nhiệt huyết của diễn đàn đã phải vất vả rất nhiều trong công tác kêu gọi ủng hộ, lên kế hoạch và chuẩn bị. "Tổng hành dinh" của OTOFUN những ngày cuối tuần luôn tấp nập những chuyến xe hàng, nhưng tiếng cười rộn rã của các thành viên hối hả đóng hàng, thiết kế và thi công các thiết bị chơi ngoài trời cỡ lớn như xích đu, bập bênh. Những "họa sĩ" tay ngang đã dành tất cả ngày nghỉ cuối tuần để vẽ lên những sắc màu vui nhộn trên những chiếc lốp cũ xin được từ xưởng lốp Tirefun, biến chúng thành những dụng cụ vui chơi rẻ tiền nhưng hữu ích.
Rất nhiều người đã âm thầm đóng góp thời gian và tiền bạc cho chương trình của diễn đàn, những mong có thể góp một phần nhỏ bé cho niềm vui lớn của những em nhỏ vùng cao.Ngày hôm nay, ngày đầu tiên của dịp nghỉ tết Dương lịch, ngày mà cả nước đang hướng về người nghèo, ngày của sự sẻ chia và đồng cảm, chúng tôi lại lên đường. Hơn 50 chiếc xe bán tải việt dã chất đầy chăn màn, quần áo, giày dép, sách vở, dụng cụ học tập và cả thuốc men đã tập trung tại quảng trường Mỹ Đình từ sáng sớm, háo hức cho một chuyến đi dài - chuyến đi của tình yêu thương...
Khởi hành tại Mỹ Đình.
Con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai sớm nay bỗng ồn ào hơn thường lệ với đoàn dài những chiếc xe bán tải chở lặc lè hàng hóa, nối đuôi nhau trên suốt hành trình. tiếng bộ đàm nheo nhéo, rộn ràng như liều thuốc kích thích niềm hứng khởi của những tay lái lão luyện, háo hức trước những thử thách gian nan mà thú vị của hành trình Tây Bắc. Có lẽ, những chuyến đi như thế này chính là cơ hội để những người bạn, người anh em trên diễn đàn có cơ hội gặp nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui của những người tình nguyện.
Thành viên Dũng khọm dẫu đang chữa bệnh vẫn hăng hái lên đường.
Lão Dũng Khọm là người gây cho tôi bất ngờ nhất trong chuyến đi này, nghe tin lão gặp trọng bệnh đã lâu, hàng ngày cũng chỉ có thể hỏi thăm nhau qua facebook, không ngờ hôm nay lão cũng xách ba lô lên đường, mà còn tự lái xe và quay phim chụp ảnh - sở trường của lão trong mọi chuyến đi trước. Hôm nay gặp nhau, thấy lão xấu trai hơn trước nhiều, đoán là do tác dụng của thuốc, tôi cũng chả dám hỏi kĩ, chỉ biết giấu xúc động mà khoác vai anh lên đường.
Sơn Rack, anh cả của đội tình nguyện OTOFUN.
Anh Sonrack thì vẫn vậy, cặm cụi và cần mẫn như người lính, người anh cả của đội quân tình nguyện luôn đầy nhiệt huyết, lo chu đáo công tác vận tải và kết nối với địa phương. Bao năm nay, anh luôn có mặt trong mọi chuyến đi, mọi sự kiện quan trọng của diễn đàn. Không nhiều lời, không kêu ca dù có vất vả tới đâu, anh là người truyền ngọn lửa nhiệt huyết tới mọi người như người cầm đuốc dẫn đường.
Đốc tờ Chinh, bác sỹ kiêm nhiếp ảnh gia
Chuyến này tôi tiếc cho lão Minh béo, người đã hi sinh tất cả ngày nghỉ cuối tuần trong cả tháng trời, chăm chỉ có mặt tại xưởng lốp sản xuất đồ chơi cho các cháu. Hôm nay vì bận việc cuối năm của công ty mà không thể cùng anh em lên đường...
Còn bao nhiêu người nữa mà tôi không thể kể hết - những người đã dành nhiều tâm huyết và tiền bạc góp phần tạo nên thành công của chương trình Sưởi ấm Bản Cao 2016. Được sánh vai cùng họ trên con đường thiên lý, con đường chở đầy yêu thương và tâm thiện, tôi cảm thấy tự hào, bởi tôi hiểu rằng, mỗi người đều đã rất nỗ lực vượt qua bao khó khăn của bản thân để hướng tới một tâm nguyện chung, vì một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ nhỏ.
Dừng chân trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Sau khi đi hết đường cao tốc Nội Bài - Lào cai, đoàn dừng chân ăn trưa tại Phố Lu, một nhà hàng xây kiểu nhà sàn nằm dựa lưng vào rừng quế, sân trước rộng mênh mông với vô số cây bonsai, bỗng chốc náo nhiệt vì đoàn xe rùng rùng kéo tới, xếp chật từ trong ra ngoài. Chi hội Lào Cai đã ngồi đợi sẵn từ lâu, những người anh em nhiệt tình đã đi từ thành phố xuống Phố Lu chỉ để được cùng ăn trưa với đoàn, tiếp thêm lửa cho chuyến hành trình vừa mới bắt đầu. Rượu vẫn rót nhưng hầu như chỉ có chủ nhà uống, không thấy ai ép rượu đoàn, chắc anh em Lào Cai muốn giữ cho đoàn đi được an toàn và trọn vẹn...
Ăn trưa tại Phố Lu, Lào Cai.
Trong đoàn còn có một tình nguyện viên người Pháp
cũng nhiệt tình tham gia mọi hoạt động chung.
So với mọi năm, hành trình năm nay không quá dài về đường đi, con đường từ Phố Lu lên Bắc Hà giờ đã thành đường du lịch, được trải nhựa phẳng lì và rộng rãi, khác rất nhiều con đường toàn đá hộc mà chỉ có xe mink và ngựa thồ đi qua thời tôi còn là một sinh viên thực tập lên đây ngắm bản và vẽ tranh. Đường từ ngã ba Lùng Phình đi Xín Mần thì ngược lại, cũng vẫn là con đường núi quanh co uốn khúc, nhưng do lâu không được đầu tư sửa chữa nên giờ trông nhầu nhĩ, đá sỏi ngổn ngang kéo dài hàng chục cây số. Tuy vậy, đó cũng không phải là vấn đề với đoàn ngựa thồ OTOFUN gồm chủ yếu là xe bán tải 2 cầu và các tay lái đã quá quen với những con đường hóc hiểm...
Dừng chân trên đỉnh đèo đi Xín Mần.
Đoàn xe nối đuôi nhau đi qua những địa danh du lịch nổi tiếng, với bao cảnh đẹp làm ngất ngây đoàn "lữ khách ngựa thồ". Từ Phố Lu tới Bắc Hà, từ Lùng Phình tới Cốc Pài, dẫu đã đi không biết bao nhiêu lần trên những cung đường Tây Bắc, nhưng mỗi lần dừng xe trước cảnh núi rừng hùng vĩ, tôi vẫn không khỏi xao lòng. Hít đầy một bụng cái hơi gió lạnh lạnh, trong vắt của mây núi, tôi thả mình trong sự bồng bềnh của trời đất, như một sự tưởng thưởng cho những gì đang nỗ lực.
Đường từ Bắc Hà đi Xín Mần chỉ có hơn 70km đường đèo nhưng đoàn xe hình như phải dừng chân tới năm sáu lần. Phần vì ngày đầu tiên không bị áp lực thời gian, phần vì chẳng ai muốn bỏ lỡ những cảnh đẹp tuyệt vời đang trôi qua trước mặt. Thôi thì các kiểu tự sướng, sáng tác nghệ thuật bằng điện thoại, gopro, cam hành trình, máy ảnh... Ai cũng vội vàng cứ như sợ cảnh đẹp bị người khác lấy mất, một không gian náo nhiệt trên lưng đèo vốn luôn vắng vẻ, yên tĩnh.
Ngoại trừ một kiểu tự sướng duy nhất với lão Tuấn lọ mọ và anh Bình X5, tôi đi bộ 1 mình tách khỏi khu vực đang náo nhiệt, xuôi đèo xuống chỗ có cảnh yên tĩnh hơn, một mình ngắm cảnh. Tây Bắc đẹp lắm, cái đẹp hùng vĩ và bí hiểm như người đàn bà tuổi chín muồi. Mỗi lần đi qua, là lại một lần tôi tìm thấy sự quyến rũ khác nhau của núi rừng, lúc rạng rỡ hứng khởi, khi huyền ảo trầm mặc. Bạn sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác vỡ òa khi xe đi ra khỏi vạt núi khuất nắng, trôi xuống thung lũng rực rỡ lúa chín vàng, điểm xuyết đây đó là những quả hồng đỏ rực lủng lẳng trên cây. Thế nên, ngắm cảnh Tây Bắc là phải ngắm trong yên lặng, tai nghe tiếng gió, tiếng chim, tiếng vượn gọi bầy, mắt nhìn ra mênh mông. Khi ấy, tâm hồn ta như hòa tan vào thiên nhiên, bay lơ lửng theo những cơn gió núi, quẩn quanh ngọn pơ mu, sa vĩ...
Thị trấn Cốc Pài, Xín Mần đón chúng tôi trong buổi chiều đầy nắng ấm, sự ấm áp hiếm hoi củng vùng sơn cước vốn luôn chìm trong sương giá và lạnh lẽo tại thời điểm này hàng năm. Không còn là một thị trấn hẻo lánh ít người qua lại như mươi năm trước, Cốc Pài hôm nay đã là một nơi sầm uất với những cửa hàng san sát trên trục đường chính, lòng đường đồng thời trở thành một cái chợ cho bà con người Mông, người Nùng gánh từ trên núi xuống những sản vật địa phương bán ngay tại vỉa hè.
Hàng họ đông đúc, nhưng không thấy ai tranh giành chỗ ngồi bán, cũng không thấy ai đuổi chợ. Các cửa hàng trên phố bán đủ thứ hàng hóa, từ loa đài Trung Quốc tới quần áo chăn màn, nhưng nhiều nhất là hàng tạp phẩm phục vụ bà con dân tộc xuống chợ. Không hề thấy cảnh cửa hàng đuổi bà con bán hàng trên hè che mặt tiền, người Xín Mần sống với nhau rất hòa thuận và chia sẻ - điều tôi chưa bao giờ thấy tại nơi tôi sống - vốn chỉ toàn bon chen và ích kỉ.
Chợ đêm thị trấn Cốc pài phục vụ khách du lịch.
Nếu có ai "dám" bảo rằng, người Xín Mần nghèo khó và khổ hơn dưới đồng bằng, tôi sẽ không ngần ngại mà cãi đến cùng cho cái lí của mình. Người dân tộc có thể còn nghèo, đời sống vật chất, hạ tầng tiện nghi có thể thua xa thành phố, nhưng tôi thấy họ không hề khổ. Tôi không nhìn thấy ở họ áp lực quay cuồng của cuộc sống, không căng thẳng, không cáu giận, không toán tính bon chen.
Tôi chỉ thấy ở họ sự thanh thản, nhẹ nhàng, vô lo, nếu sự vất vả mưu sinh làm chúng ta sợ hãi thì với họ đó là điều bình thường, gian khổ mãi cũng thành quen và họ hài lòng với cuộc sống ấy. Tôi tin rằng, nếu đo chỉ số hạnh phúc, người miền núi sẽ luôn chiến thắng áp đảo những người đang sống trong nhung lụa nơi thành thị đồng bằng.
các đặc sản núi rừng được bà con đem xuống chợ bán
Có thể sẽ có bạn đọc cho rằng, câu chuyện của tôi đang lan man quá, đang chẳng liên quan gì tới chuyến đi Sưởi ấm bản Cao của diễn đàn. Nhưng tôi hỏi thật nhé, mục đích chuyến đi của bạn là gì? Với tôi, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm con người và hơn hết là trải nghiệm giá trị sống của bản thân mình. Những điều bạn nhìn thấy, những điều bạn cảm thấy từ cuộc sống sẽ là hành trang, tài sản của riêng bạn suốt cuộc đời...
Chung vui bên ly rượu nồng.
Bữa tối đầu tiên với các thầy cô giáo xã Thu Tà thật ấm cúng và tình cảm. Men rượu ngô thơm nồng, sóng sánh cùng những cái bắt tay thật chặt. Các thầy cô đã phải lặn lội từ xã xuống thị trấn Cốc Pài để đón chúng tôi buổi chiều, cùng uống chén rượu, cùng ăn bữa cơm thân tình rồi lại hối hả đi mấy chục cây số đường núi lên Thu tà để chuẩn bị cho chương trình ngày mai. Bữa cơm này không có sự khách khí, không có màn giới thiệu chào hỏi dài dòng, chỉ có những cái bắt tay chặt và ly rượu rót đầy như tình cảm người Hà Giang vậy...
Tôi chìm dần vào giấc ngủ trong sự lâng lâng sau 1 ngày với những cung đường, và cả trong men rượu ngô đậm đà. Văng vẳng đâu đó bên tai là tiếng hát nỉ non của những cô gái Nùng đi chợ đêm với người yêu bên ngoài cửa sổ khách sạn. Mai sẽ là một ngày dài nhưng cũng đầy cảm xúc...