Đinh Bá Trung (Trung Kobel) là tay đua giàu thành tích tại phân hạng Bán tải Việt Nam của VOC. Chơi 8 năm, anh có hai chức vô địch vào mùa 2014 và 2019, các năm còn lại nằm trong top 3, số lần nhất đường thi đếm không xuể. Năm nay, Trung Kobel khát khao lên ngôi vô địch lần thứ ba tại hạng Bán tải, như một lời chào trang trọng trước khi chuyển lên thi hạng khác. Anh đam mê dòng pick-up đến mức "thửa" hẳn tầng 2 tại xưởng sửa chữa ô tô làm phòng truyền thống của câu lạc bộ bán tải địa hình PVC.
Đinh Bá Trung (Trung Kobel) - nhà vô địch hạng Bán tải Việt Nam năm 2014 và 2019 |
- Anh Trung Kobel mê xe bán tải vậy, anh có từng thi hạng nào khác ngoài hạng Bán tải không?
Trước kia mình thi Cơ bản một lần, Nâng cấp thi một lần năm 2015. Thực ra năm 2014 mình đăng ký cả Cơ bản và Bán tải đồng đội. Vì bán tải chạy ngày thứ hai, còn Cơ bản chạy ngày đầu, năm đấy là năm đầu tiên mở ra hạng Bán tải, mình nhớ câu lạc bộ PVC nhảy vào đông, hình như phải đến mười mấy đội thi, tất cả các hạng. Nâng cao năm 2014 có Bằng Kiều và Cường Chè về nhất với con Land Cruiser.
- Năm nay anh tiếp tục thi Bán tải Việt Nam chứ?
Mình cũng đã đoạt cúp vô địch hai lần (năm 2014 và 2019) cùng hạng thi Bán tải nên năm ngoái tự nhủ, nếu lên ngôi một lần nữa thì chuyển hạng, lên Cơ bản. Nhưng năm ngoái lại về thứ hai, thua đội Mai Đức Việt, vậy là năm nay thi tiếp Bán tải.
- Tại sao anh lại muốn có đến ba chức vô địch ở hạng Bán tải?
Bán tải là sở thích, là đam mê. Nếu bạn thích bán tải thì có xe rồi bạn vẫn cứ thích. Vì đi nó quen rồi, "suồng sã", đi đâu cũng được, đường xấu đẹp đi được. Chức vô địch cũng vậy, mỗi lần cảm xúc lại khác nhau, không giống nhau.
"Năm ngoái tự nhủ, nếu lên ngôi một lần nữa thì chuyển hạng, lên Cơ bản. Nhưng năm ngoái lại về thứ hai, vậy là năm nay thi tiếp Bán tải" -Trung Kobel- |
- Vậy năm 2014 và 2019 cùng giành chức vô địch hạng Bán tải, nó khác nhau như thế nào với anh?
Năm 2014 sung sướng, vỡ oà lần đầu thi VOC và thi hạng Bán tải lại vô địch. Ngày xưa chưa biết kết quả, chỉ đoán thôi, đến lúc lên trao giải mới biết về nhất chứ không như giờ thi xong là biết mình ở đâu rồi.
Năm 2019 mình nhất Bán tải một lần nữa nhưng hai lần thi là khác nhau. Năm 2014 thi Bán tải đồng đội, từ 2016 trở đi là thi chạy một mình, không cặp với đội khác nữa.
- Anh thích thể thức thi đồng đội như năm 2014 hay thi cá nhân như hiện tại?
Đương nhiên thích chạy một mình hơn, đồng đội thì có người chạy được người chạy không được, kết quả chung sẽ ảnh hưởng đến mình. Năm 2014 mình chạy cùng với đội Phạm Đình Trọng, đó là tay lái rất cừ.
- Năm đó là anh và anh Trọng tự ghép đội với nhau hay do Ban tổ chức sắp xếp?
Năm đó là tự ghép sẵn với nhau chứ Ban tổ chức không xếp. Năm 2014 mình nhớ Trọng chạy con Ranger đời 2001, mình chạy đời 2014.
Trung Kobel là tay đua gặt hái nhiều thành tích tại hạng Bán tải Việt Nam |
- Sau năm đó, anh Trọng đã nâng hạng lên chơi Nâng cao, còn anh vẫn chơi hạng Bán tải?
Sau chức vô địch 2014, Trọng đổi sang con Hilux già chạy. Con đấy đời 92 thì phải. Trọng chưa bao giờ chạy xe nào mới. Xe của Trọng chỉ chạy Nâng cao thôi vì cũ quá rồi, gầm ngày xưa gia tốc thấp chỉ chạy tốc độ thấp thôi, máy yếu sao so với xe bây giờ.
Mấy ông thi Nâng cao hay thích dòng đấy, thi nặng tí thì cầu cứng tốt hơn cầu mềm, tời kéo tốt, đi đầm lầy tốt, chứ như xe bọn mình thi giờ, cầu này dễ gẫy trục láp nên chỉ hợp chơi ở hạng Bán tải.
- Mức độ quyết tâm khi đặt mục tiêu năm nay như thế nào?
Mục tiêu cao nhất là vậy, còn không thì lọt top 3. Mình luôn tính là khả năng cao có đạt giải hay không mới chạy, ví dụ đợt vừa rồi đi Lào Cai, chạy không tính toán cứ chạy ào ào, VOC chơi phải tính toán kỹ.
- Anh đã chuẩn bị gì cho PVOIL VOC 2022?
Mình hầu như không tập luyện mấy. Mấy năm nay kinh tế kém, mình toàn cho thuê xe, tối mới lấy về, tháo đồ ra chạy. Đợt 2016-2017 có điều kiện tí để hẳn xe thi, còn từ 2018 trở lại đây thì xe làm dịch vụ luôn. Đây cũng là lí do mình thích hạng Bán tải nguyên bản, vì không phải chuẩn bị gì nhiều.
Năm 2019-2020 mình làm sẵn xe từ trước, đến lúc thi vác đi. Còn từ 2020 trở về đây là biết xe phải làm gì rồi, nên sát lúc thi mới đem xe về, tháo chắn bùn ra, rồi chạy. Trước thi có tham khảo đường trước để rút kinh nghiệm từ đội thi trước, vậy thôi.
Có xưởng sửa chữa, Trung Kobel cho biết anh không tốn kém chi phí cho việc chuẩn bị trước giải |
- Vậy là anh không tốn kém chi phí mấy cho việc chuẩn bị xe trước giải?
Nguyên bản mình chả tốn đồng nào chuẩn bị, người ngoài không có xưởng họ mất 500.000 đến 1.000.000 đồng tiền tháo lắp, còn mình có xưởng thì nhân công của mình làm nên không tốn
- Thế còn sau giải, xe có phải sửa nhiều không?
Mình tự hào xe đua gần như không hỏng, riêng mình thi gần như không hỏng, mình hiểu xe và biết lựa, mấy ông trẻ cắm đầu cắm cổ lao chứ mình không chạy kiểu đấy.
Tốn nhất tiền rửa xe sau thi. Rửa 3-4 lần mới sạch, một tháng sau rửa vẫn thấy đất đỏ. Chủ yếu bẩn do chạy đường đua bò có nước. Nhưng đường đua bò chạy phê, chạy vào cứ văng bên nọ bên kia, cứ lao thôi.
- Trung Kobel đạt được thành tích mà không phải đánh đổi nhiều vậy thì nhàn quá còn gì?
Mình tự nhận mình chạy cẩn thận, năm 2019 mình vô địch nhưng không nhất bài nào. Cứ nhì ba thôi, kinh nghiệm là chạy ổn định, kiểu gì cũng vô địch hoặc đứng bục. Đó là bí quyết.
Hạng bán tải có một bài thi lúc tập cũng tốn kém, là bài gymkhana. Gymkhana thường được nhét vào mấy bài cuối cùng. Gymkhana ngoài đường nhựa mình không thích vì toàn tốn tiền, chạy một ngày thay một lốp thì chết, có lốp 2-3 triệu, các ông tập thường hay mua lốp cũ mấy trăm tối về tháo ra luôn, thi thì dùng lốp mới.
Xe đua của đội PVC KBL 01 tại PVOIL VOC 2021 |
- Đi thi mà xe không hỏng, vậy chắc anh Trung Kobel chẳng bao giờ tham gia đường đua đêm - cung đường phá xe rồi?
Mình có đi đường đua đêm một lần. Năm 2015 thi Nâng cấp đi con Land Cruiser, nhớ lúc đó lội ban đầu nước đến thắt lưng, sau đến ngực.
Đường đó thường thi về đến bãi là 5-6 giờ sáng, thức qua đêm, sáng hôm sau nhân lúc chờ thi thì ngủ. Được cái giờ bài thi không kéo dài quá nữa rồi vì kéo dài quá thì xe hỏng, sao mà thi ngày hôm sau được.
- Là người rất giữ xe, anh Trung Kobel nhận xét gì về vụ lật xe tại giải đua xe địa hình Nha Trang Offroad Challenge đầu tháng 10 vừa rồi?
Vừa rồi cái clip bán tải lật, lỗi theo mình nhìn là do vận động viên ham chạy. Nhưng cái sai sót đầu tiên là do làm đường thi dài quá, không có các điểm check point nên tay đua chạy hăng, để tốc độ lên cao, gây lật xe. Đợt mình vào Quy Nhơn làm trọng tài, Ban tổ chức không cho chạy tốc độ cao như vậy. Trong clip là chạy trên 100km/h.
Trung Kobel cho rằng, việc ham chạy quá là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn tại giải đua địa hình Nha Trang Offroad Challenge |
- Anh Trung Kobel từng làm trọng tài rồi, vậy anh thích làm trọng tài hay đi đua?
Mình mới làm trọng tài một giải, là giải Quy Nhơn tháng 6 vừa rồi. Mình thích đua hơn là làm trọng tài, chẳng qua giải cát chưa chạy nên mới đi làm trọng tài thôi. Chạy cát nóng máy, như xe anh Tùng Mộc Lan chạy cát được 5 phút sôi nước luôn, chạy cát toàn mười mấy phút, đồng hồ 100km/h nhưng bánh phải lên đến trăm mấy, một vòng quay tít, quay gấp rưỡi. Vì vậy làm đường phải chặn cái độ hưng phấn lại.
- Một năm anh tham gia mấy giải?
Một năm mình tham gia mấy giải to to, như vừa rồi là KOK, sắp tới là VOC.
Năm 2014 mình từng vào dự giải Bảo Lộc Lâm Đồng xong thôi, mình vác bán tải vào rừng hết rồi. Đặc thù xe bán tải vừa thấp vừa dài, đi rừng hỏng hết xe. Một cái nữa là trước xưởng có nhiều người thì mình đi được, giờ ít người không sắp xếp được.
- Anh thích đường thi nào nhất ở VOC?
Mình thích tốc độ, chướng ngại vật chạy lắt nhắt lắm, đây là lý do sau chức vô địch Bán tải đồng đội, mình vẫn thường xuyên thi hạng Bán tải, còn Trọng nhảy sang Nâng cao. Mình thích đường chạy đối kháng 2A, 2B hơn, đường này thiên về tốc độ, mình cũng tự tin có kinh nghiệm rồi.
- Thi VOC liên tục 8 năm, năm nay là năm thứ 9, anh thấy đường thi có thay đổi nhiều không?
Ngày xưa đường thi khó, chạy thời gian ngắn, giờ chạy dài hơn. Nhớ năm 2016 chạy cả lên xuống xe có năm mươi mấy giây. Mình thích chạy dài dài. Phút đầu khởi động chưa kịp bắt nhịp đã xong rồi.
Vì thế mình thích chạy 2A, 2B cảm xúc vì không phải chạy lên chạy xuống. Bài thi VOC giờ rộng hơn, đẩy tốc độ hơn, ông nào liều thì ăn, 4-5 năm gần đây bài đua bò vẫn đường như vậy, chỉ thay đổi hình, có năm chữ X, có năm chạy thẳng, bài cầu gỗ vẫn thế…
Trung Kobel sưu tập rất nhiều huy chương và cúp ở nhiều giải đấu |
- Anh biết đến VOC từ khi nào?
PVC thành lập năm 2013 thì 2014 mình vác xe đi thi đấu VOC luôn. Ngày xưa lúc mới nhập môn, các anh rủ chơi offroad, mình cứ đứng trên bờ lắc đầu: mười mấy năm chui bùn đất rồi em xuống làm gì nữa, vậy mà đến giờ cũng đua VOC được 8 năm liên tục rồi. Đam mê nên cứ chơi mãi.
Trước mình làm xe tải, máy xúc công trình suốt, lội bùn thấy bình thường. Chính vì lội bùn nhiều nên mình toàn nhất đường đua bò đấy, nhất ba năm từ 2018 đến 2020.
- Sau gần chục năm tham gia VOC, phong cách thi đấu của anh có thay đổi nhiều không?
Như mình nói, giờ mình chạy cẩn thận hơn. Năm 2018 chạy đầy chất đam mê và phá phách, bài gymkhana chỉ chậm 2 giây là nhất, mình chạy hăng quá đổ cọc, xử lý mất một phút nên thua. Từ đó mình rút kinh nghiệm bình tĩnh, không chơi kiểu này.
Năm 2019 rút kinh nghiệm điềm tĩnh đi một tí. Bí quyết vô địch 2019 là chạy thật chậm. Mình trả lời phỏng vấn, hỏi ngược lại phóng viên: ông nhìn tôi có nhất bài nào không? Cứ nhì ba thôi mà kết quả cuối về nhất. Mấy ông chạy hăng tưởng nhất, cuối cùng mắc lỗi cộng thời gian lại dài hơn.
- Có phải một phần do tuổi tác tăng lên, anh chạy cũng cẩn thận hơn?
Mình công nhận trẻ nhanh mắt, xử lý nhanh hơn, hăng hơn mình, phản xạ tốt hơn, mình chạy lâu cũng có tuổi xử lý khác, tình huống cần bứt phá mình lại cẩn thận quá, trẻ thì chơi 50-50, một là hỏng, hai là ăn được.
Bây giờ, ngoài thành tích, mình đi đua xe cũng để trau dồi kiến thức nữa. Chạy làm sao để hiểu xe, để biết khách cần làm gì, để đáp ứng yêu cầu khách về chiếc xe, vì thế nên phải giữ xe.
- Anh có ấn tượng với tay đua trẻ nào ở VOC không?
Năm nay có đội của Trần Thanh Ngân và Trần Công Phát mình khá ấn tượng. Đó là hai anh em đấy, mình vẫn hay trêu sao Ngân không đệm Công, để đọc tên lên cái thì biết luôn người một nhà.
Ấn tượng nhất là Phát, năm 2017 thi Bán tải, có 6 bài thi thì 5 bài Phát về nhất, còn lại một bài nếu bỏ không thi thì vẫn về nhất, vì 5 bài kia đã được 500 điểm cao nhất rồi. Phát thi ổn định, không phải ai cũng được như Phát. Bọn mình gọi Phát là thằng cày giải, thi về nhất được 60 triệu thì mất có 6 phút, trung bình cứ 1 phút kiếm được 10 triệu. Phát mà thi trong hạng với nó thì tốt nhất là... khỏi thi luôn. Phát chơi từ 2014, đi Wildtrak, bình thường Phát chạy đường đèo từ Đà Lạt về TP. HCM liên tục.
Trần Công Phát là tay đua mà Trung Kobel ấn tượng nhất tại VOC |
- Anh có nghĩ rằng việc trải nghiệm lái thường xuyên ở địa hình hiểm trở sẽ tạo ra các nhà vô địch, ví dụ như Mai Đức Việt sinh ra ở Lào Cai, hay Trần Công Phát hay chạy đường đèo ở Đà Lạt?
Phải là đam mê nữa. Ông nào thích chơi thì sẽ ham đua giải, sẽ tập tành để đi đua, chứ không phải cứ lái nhiều địa hình quen thì giỏi. Phải thích mới đua, mới tập
Ví dụ như mình, rảnh rảnh ham vui lắm, thích lên cái là nhiều lúc không có giải nhưng cứ thứ 7 lên Đồng Mô chạy thử, xong ra quán gà ăn, ngắm đường.
- Vợ anh có cằn nhằn về sự ham vui này không?
Xe ổn, người khoẻ thì cằn nhằn gì chứ. Vợ còn có sở thích mang áo thi đấu của mình cho người khác. Điên hết cả tiết! (cười)
- Anh thích sưu tầm áo đấu phải không?
Mình giữ gần như đủ áo VOC, các giải mình khắp cả nước mình giữ hết, cả RFC. Cứ phát hiện vợ đem áo cho ai là bực mình. (cười)
Mình thi đấu mỗi giải 2-3 cái, nên đi làm gần như chả phải mua áo. Mũ bảo hiểm thì mình giữ, medal mình giữ đủ. Mình rất thích trưng bày ở phòng truyền thống câu lạc bộ PVC.
Trung Kobel thích mang cúp về trưng bày tại phòng truyền thống câu lạc bộ |
- Anh Trung Kobel có vẻ rất tâm huyết với phòng truyền thống PVC?
Một tay mình thiết kế, mình không biết thiết kế trên máy, mình vạch tay trước rồi anh em góp ý, sau đó phòng hình thành như bây giờ. Tầng dưới cafe với sửa xe, tầng trên là phòng truyền thống câu lạc bộ, lưu giữ rất nhiều huy chương, medal, cúp, bằng khen...
Xưởng này là mấy anh em trong câu lạc bộ PVC lập ra, mua xe cho thuê, rồi làm dịch vụ sửa chữa. Sau vợ chồng Vinh Trang muốn mở thêm quán cafe ở đây để anh em câu lạc bộ có chỗ giao lưu, mình cũng đồng ý luôn. Trước không có xưởng mỗi ông mang một xe ngồi café kín hết đường, rất hay bị công an tuýt còi.
- PVC là câu lạc bộ rất giàu truyền thống, hẳn các anh em trong câu lạc bộ rất tự hào về điều này?
Đúng rồi, các nhà vô địch ở VOC suốt 15 năm qua, phần lớn đều đến từ PVC đó. PVC không những tập hợp những anh em đam mê offroad, mà còn làm từ thiện rất tích cực. Thời điểm Covid-19 hay lũ lụt, câu lạc bộ thường xuyên chuyên chở đồ, cứu trợ người dân nữa.
- Xin cảm ơn anh, chúc anh và PVC sẽ mang thêm nhiều cúp, nhiều huy chương trưng bày tại phòng truyền thống câu lạc bộ!
Trụ sở của câu lạc bộ bán tải địa hình Việt Nam PVC, bên cạnh là Bốc's Coffee, nơi các anh em trong câu lạc bộ tụ họp |
Góc trưng bày thành tích của câu lạc bộ |
Trung Kobel hào hứng khoe những chuyến đi từ thiện cùng PVC |
Anh em tại xưởng KBL Workshop khá bận rộn trước thềm giải đấu |
Khung cảnh bình yên tại KBL Workshop |
Chú cún cưng mà Trung Kobel yêu quý. |
Tên: Đinh Bá Trung Nick OF: Trung Kobel Vị trí: Giống Đội: PVC Everest KBL Thành tích: vô địch Bán tải Đồng Đội VOC 2014, vô địch Bán tải Việt Nam VOC 2019 |
Phương Huyền