Đi chơi vùng cao vào ngày đông là thú vui khó cưỡng đối với những bạn trẻ mê trải nghiệm – đặc biệt là khi được trực tiếp cầm lái trên những cung đường giá rét với tuyết rơi và nhiệt độ ở mức… zero. Tuy nhiên, để đảm bảo hành trình của mình được suôn sẻ, một thực tế là bạn nên có những sự chuẩn bị nhất định đối với chiếc xe của mình. Khác với thời tiết ấm áp thường thấy tại đồng bắc Bắc Bộ trở vào trong, giá lạnh của vùng núi có thể gây ra nhiều rắc rối hơn bạn nghĩ đấy! Hãy xem xét những thủ thuật dưới đây trước khi háo hức “xách xe… lên và đi” bạn nhé!.
Kiểm tra lốp để đảm bảo độ bám đường
Ở những quốc gia lạnh, việc trang bị lốp chuyên dụng cho xe vào mua đông với đường phố trơn trượt và đóng tuyết dày là điều gần như bắt buộc. Với Việt Nam, việc tậu riêng một bộ lốp như thế này là lãng phí và thường là không cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trên các cung đường những ngày giá lạnh, bạn nên chắc chắn lốp của mình không bị hư hỏng hoặc xuống cấp quá nhiều. Một bộ lốp có đủ độ bám với bề mặt không mòn, hoa thuộc nhóm có độ bám cao là rất quan trọng để hạn chế tình huống mất lái, đảm bảo hành trình phanh đủ an toàn. Ngoài ra, lốp có bề mặt ngoài bị chém hoặc không đồng đều cũng sẽ dễ bị gãy gập hơn khi gặp thời tiết quá lạnh. Cuối cùng, bên cạnh tình trạng lốp, bạn cũng nên đảm bảo mức áp suất giữa các lốp là cân bằng và đúng với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Đây là tiêu chí đảm bảo độ bám đường tối ưu cho xe cũng như tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Lưu ý: nếu bạn có sẵn các loại hóa chất vệ sinh lốp và bảo vệ cao su, hãy tận dụng ngay để tránh các hư hại do khí hậu lạnh quá mức có thể gây ra.
Nếu không có lốp với hoa riêng cho mùa đông,
tối thiểu bạn nên đảm bảo lốp đang dùng ở tình trạng hoàn hảo.
Một mẹo nhỏ ở đây là với các xe sử dụng dẫn động cầu sau, bạn nên mang theo một túi cát hoặc vật thể có trọng lượng nặng trong cốp sau để tăng độ bám đường. Ở các dòng xe thương mại, động cơ đặt trước khiến cho trọng lượng dồn nhiêu về phía trước, việc tăng trọng lượng phía sau trên các mẫu xe dẫn động vào bánh sau sẽ giúp lực đẩy tốt hơn đồng thời hạn chế tối đa tình trạng trượt, nhao lái trên các cung đường bị băng tuyết che phủ.
Bạn sẽ làm gì nếu rơi vào tình huống này?
Bảo vệ sơn, cao su, nhựa và kim loại trên xe khỏi tuyết và… muối
Vào mùa đông, hiện tượng oxi hóa có thể khiến nước sơn trên xe bạn bị mờ và kém sáng đi đáng kể. Ngoài ra, với một số loại sơn kém chất lượng, tác động từ nhiệt độ cực thấp có thể thấy ngay “một sớm một chiều” nếu không có những biện pháp bảo vệ đúng mức. Do đó, trước mỗi chuyến hành trình, bạn tối thiểu nên rửa sạch sẽ bề mặt sơn xe khỏi các tạp chất (như bụi bẩn, vết hóa chất, vết rỉ/ ố…), có thể đánh bóng toàn bộ nếu có điều kiện và phủ các lớp bảo vệ phù hợp.
Rất nhiều loại xi bảo vệ chất lượng tốt có thể được mua ngay tại Việt Nam.
Sau khi sạch sẽ, bạn có thể sử dụng các lớp xi chuyên dụng nếu có để bảo vệ bề mặt sơn trong suốt hành trình. Một số nhà sản xuất có thể cung cấp các sản phẩm chuyên cho mùa đông (điển hình như Turtle Wax ICE® LIQUID WAX). Tuy nhiên, dù những thương hiệu như Turtle, 3M… đều khá thông dụng ở Việt Nam, việc tìm được sản phẩm chuyên dụng cho giá rét có thể không dễ dàng. Do đó, nếu có ý định “phượt đông”, bạn có thể tính chuyện đặt hàng sẵn từ trước đó thì hơn. Những loại xi này không chỉ bảo vệ sơn, nhựa và các chi tiết kim loại hay bề mặt cao su khỏi băng tuyết mà còn cả muối – thứ vốn thường xuyên được sử dụng trên đường để tránh đóng băng bề mặt.
Băng tuyết sẽ gây hại cho ngoại thất xe đáng kể nếu không được bảo vệ đúng cách!
Kiểm tra các chất lỏng kĩ thuật trong xe
Việc đảm bảo cho các chất lỏng trong xe đúng với tiêu chuẩn của mùa lạnh là điều không dễ - đặc biệt là tại Việt Nam. Với nhiệt độ trung bình 20-30 độ thông thường, xe của bạn có thể vận hành rất hiệu quả. Tuy nhiên ở mức 0 độ như thường thấy những ngày này trên Sapa, Hà Giang hay đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), một số loại dung dịch có thể sẽ thay đổi đặc tính và gây rắc rối cho xe. Ở mức nhẹ, nước rửa kính của bạn có thể đóng băng ngay khi phun lên bề mặt khiến cho tầm nhìn bị hạn chế. Nếu không tìm được các loại phụ gia chuyên dụng (thường mang tên Anti-frost Washer Fluid và có thể thuộc nhiều thương hiệu khác nhau), bạn có thể pha thêm chút dấm vào để hạ ngưỡng đông. Một số nhà sản xuất cũng có sản phẩm rã băng tuyết cực nhanh để dùng khi khẩn cấp – điển hình là De-Icer Spray của Einszett hay Aerosol, Prestone… rất tiện cho việc rửa kính hoặc vệ sinh phanh, lốp.
Hãy chuẩn bị phụ gia chống đông cho các loại
chất lỏng kĩ thuật trên xe - đặc biệt là với các loại dầu.
Trong khi đó, với nước làm mát, do hầu hết các loại nước làm mát trên thị trường hiện tại đều có pha sẵn hóa chất chống đông (Anti-freeze) nên phần lớn trường hợp, bạn chỉ cần kiểm tra lại để đảm bảo mình sử dụng đúng loại này mà thôi. Nhiệt độ lạnh tại Việt Nam ít khi rơi vào tình huống quá mức (thường chỉ trên dưới 0 độ) nên phần lớn các dung dịch này đều khó đóng băng ngay.
Khí hậu quá lạnh có thể khiến xe rơi vào tình huống
mà thường ngày bạn chẳng bao giờ gặp phải!
Riêng với dầu máy và nhiên liệu, đây lại là câu chuyện khá phức tạp. Với dầu máy, bạn nên kiểm tra lại chỉ số SAE để đảm bảo mình sử dụng loại dầu có độ nhớt phù hợp với thời tiết nơi mình định đến (tham khảo tài liệu kĩ thuật để biết chính xác mức sử dụng cần thiết). Một số loại dầu có độ nhớt "chuẩn" trong điều kiện thông thường có thể trở nên vô dụng trong điều kiện lạnh. Tối thiểu, bạn nên thay dầu mới loại tốt ngay trước chyến đi là hơn. Ngoài ra, một số dòng xe với máy dầu có thể sẽ bị đông nhiên liệu nếu để qua đêm (nhiệt độ đông của dầu Diesel chỉ ở mức 0 độ C), để hạn chế tình huống này, bạn nên sử dụng phụ gia hợp lý. Riêng với máy xăng, bạn nên duy trì mức xăng tối thiểu trên một nửa để tránh các đường ống dẫn bị đóng băng.Việc duy trì xăng/dầu nhiều trong bình cũng sẽ giúp bạn sưởi ấm hoặc duy trì các tiện nghi điện cần thiết khác nếu lỡ bị tắc đường trong điều kiện giá lạnh.
Đảm bảo thiết bị quan trọng vận hành trơn tru
Nếu có thể, trước chuyến đi, bạn nên mang xe tới gara để kiểm tra tổng thể hệ thống điều hòa, acquy, hệ thống sưởi để đảm bảo chúng ở trạng thái vận hành trơn tru. Sẽ không gì tệ hơn nếu bạn mắc kẹt trên đường mà hệ thống sưởi không hoạt động. Một số tính năng quan trọng vốn ít dùng nhưng lại rất hữu ích một khi tuyết rơi như sưởi ghế, sưởi kính lái, sưởi gương... cần được kiểm tra kĩ nếu đã lâu không được đụng đến.
Rất nhiều tiện ích chống tuyết có thể bị các nhà sản xuất xe tại Việt Nam cắt bỏ
hoặc hỏng hóc do lâu không dùng tới!
Ngoài ra, một chi tiết quan trọng là bạn nên thay gạt mưa bằng loại cứng dành riêng cho việc gạt tuyết hoặc tinh thể băng đóng trên kính. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng các loại gạt mưa mềm thường ngày có thể khiến chúng nhanh chóng mất tác dụng - điều chắc chắn sẽ đẩy bạn vào tình huống rắc rối to trên đường đi.
Đèn tín hiệu rất quan trọng trong trời mưa tuyết,
đặc biệt là đèn daylight và đèn với ánh sáng vàng!
Chuẩn bị cho nội thất
Dù nhiều người cho rằng một khi đã … đóng cửa chui vào bên trong, họ sẽ được an toàn trước giá rét bên ngoài xe. Tuy nhiên, điều này thực tế hoàn toàn không đúng. Thời tiết quá lạnh cũng sẽ gây hại cho nội thất xe không thua gì với bên ngoài. Dễ thấy nhất chính là việc bùn, chất bẩn và … tuyết bám theo giày sẽ đọng nước và ăn mòn sàn, bẩn thảm và gây ẩm chung cho không khí trong xe.
Bộ chăm sóc xe (cả nội ngoại thất) điển hình của 3M.
Để đối phó với điều này, bạn nên thay thảm bằng loại không thấm nước, sử dụng các hóa chất bảo vệ nội thất xe cho phù hợp (ví dụ như ICE Total Interior Care cho nội thất chung của Turtle hay 3M Interior Protection Automotive Floor Mat dành riêng cho thảm sàn… Nhiều chi tiết cao su, da… cũng nên được xịt lớp dưỡng để bền và mềm mại hơn trong giá rét và khí hậu khô của mùa đông. Tất cả các loại hóa chất này đều có thể dễ dàng được mua tại các cửa hàng đồ chơi xe hơi tại Việt Nam.
Thảm xe mùa đông có khe giữ nước và chống trơn do tuyết bám.
Nếu sử dụng xe bán tải hay có khoang chứa đồ sát vách kim loại, bạn nên loại bỏ bớt các chai, lọ, bình chứa nước trắng có thể đóng băng và nứt vỡ để tránh các tình huống khó chịu ngoài ý muốn.
Chuẩn bị cho bản thân: hãy luôn luôn sẵn sàng!
Dù không quá khắc nghiệt, những chuyến thám hiểm băng tuyết vùng cao – thứ vốn đang gây sốt trong những ngày này có thể vẫn rất khó tiên đoán trước. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị cho xe, bạn cũng nên bổ túc cho mình những kĩ năng cần thiết về vận hành xe trong điều kiện lạnh cũng như những kĩ năng sinh tồn cá nhân.
Một bộ trang bị đi tuyết điển hình dùng trên xe hơi.
Một số các dụng cụ cũng cần phải được bổ sung lên xe như xẻng, ván lót… để tránh tình huống xe bị ngập trong tuyết và không thể di chuyển. Đôi khi, sau một đêm nghỉ, xe của bạn có thể bị phủ kín bởi tuyết và khó có thể di chuyển nếu không được dọn dẹp. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo các vật dụng cứu thương, tời kéo, đồ sưởi, bếp cồn khô, đèn pin, chăn ấm, đèn hiệu, biển phản quang và đặc biệt là lương thực, nước uống… để bảo đảm an toàn cá nhân trong các chuyến hành trình và đối phó với thời tiết xấu hoặc tắc đường. Chúc bạn có những chuyến đi an toàn và những trải nghiệm đáng nhớ trong mùa đông này.