Nhóm 1 do bác Sonrack và bác Tùngãebo đảm nhiệm gồm các điểm trường Huổi Xoan, Pa Xoan, Pa Xoan 2, Huổi ít, Pa Ít.
Còn 11 người chúng tôi đi tiếp lên Mường Lay rồi quay vào Huổi Mí, tuy xa hơn gần trăm km nhưng ô tô có thể vào được gần điểm trung tâm hơn. Con đường từ Điện Biên vào Mường Lay đẹp như trong tranh các bác ạ.
Điểm khảo sát là xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Để vào được xã, từ Mường Lay, chúng em phải vượt qua quãng đường 30km đường rừng. Trong đó có 10km đi được xe ô tô, còn 20km phải đi xe máy và đi bộ. 10km ô tô là chặng đường rất hợp với các tay đua offroad. Đường đất, trời khô thì bụi bốc lên mù mịt, xe đi trong làn bụi cứ ảo như đi ở cõi nào. Trời mưa – thì như anh bạn em mới vào đó tuần trước nữa- 15km anh ấy bò 9 tiếng mới thoát. Ơn giời, chúng tôi đi thì nắng vàng rực rỡ, nghĩa là đã thuận lợi hơn rất nhiều. Thế nhưng tài xế xe em – vốn đã nhiều năm ôm vô lăng qua các cung núi rừng- mà đi trên chặng này, mặt chàng cũng xanh như phần mềm phía sau của con nhái. Chúng em ngồi ghế hành khách cũng chẳng khá hơn, chốc chốc lại có người xin xuống để thay bỉm. Không ướt bỉm sao được khi cả 10km là những khúc cua tay áo, đường thì vừa khít bánh xe, bên này là núi cao, bên kia là vực sâu, mặt đường toàn ổ voi ổ tê giác.
Con đường tuy gian nan nhưng cảnh thì đẹp đến nao lòng. Núi rừng xanh mướt, ruộng bậc thang chỗ xanh chỗ vàng dệt thành thảm màu bắt mắt.
Qua 20km đèo dốc, cuối cùng chúng em cũng tới điểm dừng ô tô để chuyển sang đi xe máy. Tôi và một chị trong đoàn dừng ở điểm này để khảo sát 2 điểm trường Lùng Thàng 1 và Lùng Thàng 2.
Khi em đến, điểm trường Lùng Thàng 1 vẫn đang trong giờ học. Trong cái tĩnh lặng của núi rừng, tiếng trẻ đọc bài ê a vọng ra. Ngôi trường khá khang trang so với những điểm trường trên núi nơi em đã từng đến. Dãy phòng học kiên cố với tường gạch, sàn đá hoa. Trang thiết bị trong lớp học còn mới. Các em học sinh ngồi lọt thỏm trong bộ bàn ghế, rướn thân hình nhỏ bé để nhìn lên những trang sách mở.
Ở điểm trường này chưa có chế độ bán trú nên trưa nào các em cũng về và chiều trở lại lớp học. Các e đều tự đi và về, ít khi có bố mẹ đón, kể cả học sinh mầm non. Khi em hỏi về việc học bán trú, cô hiệu trưởng khối Mầm non bảo: các cô cũng rất muốn cho các cháu ăn ngủ ở trường đến chiều, nhưng trường chưa có bếp, không có nồi niêu và bát đĩa. Phản ngủ cho các cháu cũng chưa có.
Các thầy cô mong có thêm phòng cho mẫu giáo vì hiện giờ vẫn học nhờ bên tiểu học, có đồ bếp để nấu ăn bán trú cho mầm non; có thêm quần áo ấm khi mùa đông sắp đến, có thêm sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Càng gần điểm trường Lùng Thàng đường càng khó đi, các em chân dài có nhiều đoạn phải rón rén bước vì chỉ vừa đủ chỗ đặt chân, mà cũng phải nhờ các thầy giáo cùng toàn bộ các bác trong đoàn xếp đá thì các em mới qua được.
Bên phải là vực bị sạt, bên trái là vách đá.
Đoàn xe có 4 chiếc đi từ Điện Biên vào thì trong đó có một mợ ôm vô lăng mượt không thua các bác, vượt qua thất cả các khúc khó mà không cần trợ giúp. Em ngồi sau còn cứng hết một số thứ mà mợ ấy vẫn tươi như hoa.
Bản Lùng Thàng có hai điểm trường, em nhận nhiệm vụ đến điểm Lùng Thàng 2. Thầy giáo thể dục chở em nói, "gần lắm ạ, chỉ chừng 20 phút đi xe máy từ điểm trường 1 thôi".
Em tới cuối giờ chiều, nắng phía Tây có phần gắt, vậy mà trong các lớp học vẫn mờ mờ tối, ánh sáng duy nhất là từ cửa lớp.
Ở điểm tiểu học, lớp 1 và lớp 3 học chung, mới chỉ có 1 chiếc bảng cho hai lớp. Em thấy các cháu lớp 1 viết chữ khá đẹp. Thật cảm phục sự vất vả của thầy khi mà các bé hầu như chưa nói được tiếng Kinh và khá e dè, thầy vừa dạy, vừa dỗ, và chương trình học vẫn đảm bảo theo đúng tiến độ chung.
Các cháu rất ngoan, nghe thầy chào khách răm rắp, và em còn được nghe các cháu hát tặng một bài nữa.
Em không chụp phòng ở và làm việc của các thầy cô nữa vì đơn sơ đến xót xa. Các thầy cô đến từ Điện Biên, Sơn La, nhà gần nhất cách trường 80 km đường núi.
Thầy được giao nhiệm vụ chở em là giáo viên thể dục, mình thầy phụ trách 4 điểm trường, ngày nắng thì đi xe máy được còn ngày mưa thì chỉ còn cách đi bộ. Thầy tâm sự, "em lên đây 5 năm rồi và thay 3 xe máy". Các bác đừng mong chạy xe tay côn hàng ngày như vậy vì không đủ sức mà bóp bóp đâu ạ.
Các cô giáo cũng cứng lái lắm, em nghe kể có bác đi điểm trường khác, ngồi sau tay lái cô giáo một đoạn mà cứng hết tay vì khi xuống dốc cứ bị trôi tuột dính với người đằng trước.
Cách điểm trường tiểu học vài trăm mét là lớp mẫu giáo. Khoảng hai sáu cháu học trong trong một lớp học nhỏ xíu, cũng nền đất như lớp tiểu học. Các bé đủ độ tuổi từ hai đến năm và chỉ có một cô giáo phụ trách. Em hỏi cô có khó khăn gì dạy khi các bé nhiều độ tuổi như vậy không, cô nói các bé rất ngoan, cô chia theo từng nhóm tuổi và các bé được học các bài học phù hợp. Lớp học đơn sơ nhưng cũng đủ các góc hoạt động cho các bé, toàn bộ trang trí lớp là các cô tự làm.
Em có thắc mắc là các cháu bé thế, và khá đông, sao mình cô lo ăn ngủ, vệ sinh? Cô nói các con cực kỳ ý thức, tự làm hết, tự ăn hết sạch bữa trưa không sót hạt cơm nào, giờ ngủ thì cũng rất ngoan. Trên này em thấy có phản ngủ vì chắc nền lớp học bằng đất. Cơm cho các con được mang lên từ điểm Lùng Thàng, theo tiêu chuẩn là 5 nghìn đồng một cháu.
Vài câu tâm sự của các thầy cô coi như lời kết cho bản báo cáo khô như ngói của em: " Mùa đông mưa rét, thầy đốt lửa trong lớp học, tất cả thầy trò quây quần học bài. Các con hầu như vẫn mặc nguyên quần áo mong manh như vậy trải qua tiết lạnh. Các anh chị có tấm lòng thì cho các cháu ít áo ấm, một bồn nước rửa mặt mũi chân tay vì các cháu đến trường lấm lem, bẩn hết sách vở. Các cháu từ mầm non đến tiểu học đều rất thích vẽ, bọn em vẫn xin các phòng ban ở xã giấy một mặt cho các cháu nhưng chả đáng là bao...."
Và sau chuyến khảo sát, đã có một buổi họp báo cáo về chuyến đi tại số 9 Trần Kim Xuyến. Mọi việc vẫn còn đang ở phía trước!
Trên đây là những chia sẻ của các thành viên trong đoàn khảo sát địa điểm chuẩn bị cho chương trình Sưởi ấm bản Cao 2015. BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.