Theo đó, mức thu phí đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng với giá 35.000đ/lượt, tăng 15.000đ so với mức giá cũ được áp dụng từ 0 giờ ngày 8/6.
Trước đó, ngày 1/6/2016, Công ty cổ phần Tasco (chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định, đoạn từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo hình thức BOT) đã điều chỉnh mức phí tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc từ 20.000đ/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng, gây phản ứng của các doanh nghiệp và người dân vì trước đó theo chỉ đạo của Chính phủ trong giai đoạn này không cho phép các trạm thu phí được tăng phí.
Lý giải về việc tăng phí đường bộ lúc đó, đại diện Công ty cổ phần Tasco cho rằng, theo phụ lục hợp đồng ngày 12/6/2015, Công ty cổ phần Tasco đã thống nhất với UBND tỉnh Nam Định điều chỉnh mức giá thu phí đường bộ theo khung mức phí tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ tài chính do lưu lượng xe bị phân lưu rất lớn sang đường Quốc lộ 21 cũ, không đảm bảo doanh thu hoàn vốn cho dự án. Quá trình đề xuất tăng phí, Công ty cổ phần Tasco đều nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh Nam Định, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính chấp thuận mức tăng phí để hoàn vốn cho dự án.
Theo lộ trình, nhà đầu tư Tasco tăng từ ngày 1/1/2016, nhưng sau đó Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo số 1413/BGTVT-TC đề nghị Trạm Mỹ Lộc lùi thời gian áp dụng mức phí mới đến 1/6/2016 và Tasco đã chấp hành.
Sau khi tăng giá cước theo lộ trình nêu trên, trước ý kiến của Bộ GTVT và chấp hành theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, Công ty cổ phần Tasco đã quay về mức giá thu phí cũ từ ngày 8/6/2016.
Tuy nhiên, việc bất ngờ tăng giá từ 20.000đ/lượt lên tới 35.000đ/lượt (tăng 75%) của trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định từ ngày 1/8 đang làm cho dư luận không khỏi bất ngờ, đâu là việc làm đi ngược với nỗ lực của Chính phủ cũng như các ngành chức năng đang áp dụng mọi biện pháp – kể cả việc không tăng giá xăng - để kiềm chế giá cả dịp trước Tết Nguyên đán để ổn định thị trường. Liệu việc tăng giá với tốc độ "phi mã" nêu trên có là "ngòi nổ" để bùng phát việc ồ ạt tăng giá cả hàng hóa vào dịp nhạy cảm của thị trường?