Căng mình phân luồng
Một trong những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các đợt nghỉ lễ là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Nếu như ngày 28/4, ùn tắc kéo dài theo hướng từ trung tâm thành phố đi các tỉnh phía Nam, thì đến chiều 1/5 ùn tắc theo hướng ngược lại.
Do lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đổ về hướng nội thành quá lớn, nên tuyến đường này đã rơi vào tình trạng ùn ứ từ ngã tư Pháp Vân - quốc lộ 1A đến gần cầu Văn Điển. Trên tuyến xuất hiện người đi bộ tràn lên đường cao tốc ở nhiều đoạn để "bắt" xe dẫn đến tình trạng xe khách, xe taxi dừng đỗ, đón trả khách.
Ảnh minh họa. |
Tại các tuyến đường Giải Phóng (hướng Ngọc Hồi - Giải Phóng), Phạm Văn Đồng (hướng từ cầu Thăng Long về Mai Dịch), nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến..., từ 15h ngày 1/5 cũng kẹt cứng. Các lực lượng chức năng phải căng mình phân luồng, điều tiết giao thông nhằm sớm giải tỏa các dòng phương tiện ô tô, xe máy từ các địa phương trở lại Thủ đô.
Trong khi đó, tại các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, lượng xe về bến trong chiều 1/5 khá đông. Thời tiết trong ngày cuối của kỳ nghỉ lễ bất ngờ chuyển nắng nóng khiến hành khách càng thêm mệt mỏi. Khu vực nhà chờ xe buýt trong các bến cũng ken đặc người chờ xe.
Ông Lê Quang Vinh, Đội trưởng Đội Thanh tra quận Hoàng Mai cho biết, để bảo đảm cho người dân đi lại được thuận lợi, các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và thanh niên tình nguyện được huy động 100% quân số, bố trí ở các nút giao, cửa ngõ, cổng bến xe và thành lập các tổ công tác tăng cường tuần lưu dọc tuyến, đặc biệt là các điểm lên, xuống đường cao tốc trên cao tránh ùn tắc nghiêm trọng.
Nhiều vi phạm chưa được xử lý triệt để
Chị Lê Thị Thủy (Khu đô thị Mỹ Đình 2) phản ánh, mặc dù Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan chức năng đã yêu cầu các nhà xe không nhồi nhét khách, song tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Thậm chí, một số xe chạy tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng nhồi kín khách ngay từ khi bắt đầu rời bến và chỉ dừng nhận thêm khách khi xe vào đường cao tốc. Nhiều khách phải đứng trong suốt hành trình, nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Đánh giá về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ năm nay, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; công tác vận tải hành khách được tăng cường trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Việc cải tiến phương thức bán vé tàu hỏa, ô tô, máy bay đã tạo thuận tiện và giảm áp lực cho hành khách. Các lực lượng chức năng cũng kịp thời ngăn chặn được cơ bản các nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2017 và không có tai nạn nào đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện tăng cao nên tại một số tuyến quốc lộ, đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn tắc khá nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ diễn biến phức tạp, tình trạng xe khách chở quá số người quy định vẫn diễn ra trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ; còn xảy ra hiện tượng xe ô tô đón trả khách trái quy định trên các tuyến đường cao tốc, chưa được lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý triệt để...
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, một bộ phận người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, vi phạm các quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đi sai phần đường, làn đường; chuyển hướng không quan sát; đối tượng liên quan tới tai nạn giao thông phần lớn là người đi xe mô tô, xe gắn máy.
Do đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.