Hà Nội có đủ thẩm quyền tổ chức xe buýt du lịch 2 tầng City Tour Hà Nội: Thu hồi phù hiệu hàng chục xe khách TP Hồ Chí Minh: Các tuyến đường cửa ngõ ùn tắc kéo dài |
Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên ở Hà Nội có lộ trình từ Kim Mã (Ba Đình) đến Yên Nghĩa (Hà Đông) kéo dài 14,7 km, là tuyến đường vành đai có áp lực giao thông rất lớn. 26 xe buýt đón khách từ 5 sáng đến 22 giờ tối cùng ngày cả 7 ngày trong tuần với tần suất 5 - 15 phút một chuyến.
Theo lộ trình này, xe buýt nhanh sẽ đi qua 2 cây cầu vượt ở trục giao thông Láng Hạ - Lê Văn Lương và Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng.
Để tuyến xe buýt nhanh BRT vận hành thuận lợi, thành phố Hà Nội đã thực hiện một số biện pháp cải thiện năng lực vận hành như làm dải phân cách cứng phân biệt rõ ràng giữa làn đường dành cho BRT và làn đường của các phương tiện khác, lắp loa tuyên truyền giao thông ở các nút giao có mật độ giao thông lớn.
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiến hành cắm biển báo cấm xe máy trên 2 cầu vượt này theo 2 khung giờ trong ngày: từ 6h - 9h sáng và từ 16h30 - 19h.
Biển cấm xe máy theo giờ ở cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng. |
Trong thời gian đầu xe buýt nhanh vận hành lực lượng chức năng đã túc trực ở những cây cầu vượt nhằm phân luồng giao thông, các phương tiện xe máy được đi xuống bên dưới trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, theo quan sát, có rất nhiều người đã cố tình phớt lờ biển cấm này trong giờ cao điểm và thản nhiên đi lên cầu.
Xe máy chen chúc lên cầu trong giờ cao điểm. |
Lý giải một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do nếu di chuyển ở làn đường phía dưới, thời gian đèn tín hiệu giao thông chuyển xanh là rất ít - chỉ vỏn vẹn 14 giây ở ngã tư Láng - Láng Hạ và 22 giây ở ngã tư Láng - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà, trong khi đó, thời gian dừng chờ đèn đỏ rất lâu (gần 2 phút) khiến việc đi lại bị đình trệ trong giờ cao điểm.
Thực trạng trên lâu nay cũng khiến nhiều thành viên của cộng đồng OTOFUN khá bức xúc. Thành viên Tạ Quang Trưởng bình luận: "Vấn đề ở chỗ là ở dưới 2 lần chờ đèn đỏ, ước chừng 90 giây và 60 giây. Người dân đi ở dưới vài lần chờ đèn đỏ lâu thế là tự nhiên thành tâm lý đi lên cầu vượt. Biển cấm được cắm hơn nửa năm nay, từ đợt có BRT nhưng không ai để ý, thành ra đi sai hàng loạt".
Có thể thấy, để cải thiện tình hình giao thông đông đúc của thủ đô điểm mấu chốt không chỉ phát triển các loại hình giao thông công cộng: xe buýt thường, xe buýt nhanh và trong tương lai gần là tàu điện trên cao mà hơn hết nằm ở ý thức tuân thủ biển báo giao thông của mỗi người dân.
Mạnh Quân