Vừa qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo ATGT cho người đi môtô, xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. Trong đó, đề xuất ứng dụng việc bật đèn pha tự động vào ban ngày đối với mô tô, xe máy đã gây được rất nhiều sự chú ý cũng như nhiều chiều ý kiến.
Ông Michael Woodford, Chủ tịch Qũy An toàn đường bộ (SRF) cho rằng, khi đèn pha xe máy tự động bật sáng sẽ giúp nhận biết được xe máy ở các hướng khác đang di chuyển tới và tránh được các vụ va chạm có thể xảy ra. Giải pháp này đã có hiệu quả ở nhiều nước.
Trên các xe có xuất xứ châu Âu, đèn pha xe được thiết kế luôn bật khi xe nổ máy và không có công tắc tắt đèn
Chia sẻ kinh nghiệm của của Thái Lan về đèn pha tự động, GS Pichai Tanneerananon, Trung tâm nghiên cứu ATGT đường bộ Châu Á cho biết: “Năm 2005, Thái Lan bắt đầu triển khai đèn pha tự động, và chính thức được quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, TNGT do va chạm với xe máy ở Thụy Điển đã giảm 10%, Malaixia giảm 20% và Nhật Bản giảm 40%, TNGT đâm trực diện giảm 26%. Tại Thái Lan đã có 80% số người đi xe máy bật đèn pha. So với luật đội mũ bảo hiểm, việc bật đèn pha tự động dễ áp dụng hơn, không tốn kém, không gây bất tiện”.
Bật đèn pha tự động cũng là thiết kế tiêu chuẩn trên các xe phân khối lớn
Tuy nhiên, quan điểm trên đã tạo nên một cuộc tranh luận nóng hổi trên diễn đàn Otofun. Nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện nhiệt đới như Việt Nam, việc bật đèn pha giữa ban ngày sẽ gây tăng nhiệt độ của môi trường, hao tổn điện năng và đèn pha xe. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây là giải pháp ngược bởi việc bật đèn có thể gây chói mắt cho xe ngược chiều và làm tăng khả năng tai nạn…
Đi xe SH tại Việt Nam, bạn sẽ thường xuyên được "nhắc nhở" tắt đèn
Trên thực tế, việc áp dụng chế độ bật đèn pha vào ban ngày đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Các nước có thời tiết nhiều sương mù vào mùa đông như Anh, Hà Lan, Thụy Điển quy định phải bật đèn chiếu sáng 24/24 trên mọi phương tiện khi tham gia giao thông. Đa số xe gắn máy tại thị trường châu Âu hoàn toàn không có chế độ tắt đèn pha.
Nhận thấy lợi ích từ việc bật đèn chiếu sáng ban ngày giúp giảm tai nạn, nhiều nước khác dù không thuộc vùng khí hậu ôn đới cũng đã đưa quy định này thành luật và áp dụng vào giao thông. Đây là xu hướng chung của thế giới và cho đến nay, đã có tới 7/10 nước Asean áp dụng quy định này.
Đèn LED định vị giờ đây là trang bị tiêu chuẩn trên nhiều xe tại thị trường Đông Nam Á
Trước hết, cần phải hiểu rõ rằng, so với tín hiệu âm thanh như còi, tín hiệu ánh sáng dễ dàng tạo sự chú ý cho xe khác từ xa. Việc gây chói mắt cho xe ngược chiều chỉ có thể xảy ra nếu xe bật chế độ đèn chiếu xa (pha) trong khi luật giao thông đường bộ đã quy định rõ việc chỉ được phép sử dụng đèn chiếu gần trong khu vực đô thị. Bên cạnh đó, không thể so sánh việc giảm tuổi thọ của thiết bị chiếu sáng trên xe với khả năng giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngay cả trong điều kiện khí hậu nhiều nắng như Việt Nam, khả năng nhận biết xe ngược chiều cũng vẫn khó hơn nhiều khi không bật đèn chiếu sáng, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, ánh sáng mặt trời quá chói cũng gây cản trở khả năng quan sát của lái xe.
Vấn đề gây hiểu lầm nhiều nhất là khái niệm đèn chiếu sáng ban ngày (day light) hay còn gọi là đèn định vị có nhiều sự khác biệt với hệ thống chiếu sáng ban đêm, khi chúng ta cần phải sử dụng mọi nguồn sáng tốt nhất của phương tiện để tăng khả năng quan sát đường.
LED trên xe Mercedes
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ đèn LED, nhiều xe hơi và xe gắn máy đời mới đã được lắp hệ thống đèn LED định vị như là trang bị tiêu chuẩn trên xe. Giải pháp đèn LED giúp tiết kiệm năng lượng, giảm nhiệt độ khuếc tán ra môi trường và tăng tuổi thọ của đèn so với đèn Halogen truyền thống. Khác với đèn pha Halogen, đèn LED định vị không gây chói mắt cho các phương tiện khác mà chỉ giúp tăng khả năng nhận biết phương tiện khi di chuyển trên đường.
Không ngoại lên với xu thế, các xe gắn máy hiện đại cũng được trang bị đèn LED định vị ban ngày
LED trên xe Vespa Primavera
Đề xuất bật đèn pha ban ngày ít nhiều đã gây ra những phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp mới là điều quan trọng và theo như ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thì: “Báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới đã tổng kết, một năm TNGT gây thiệt hại 2,9% GDP của Việt Nam. Như vậy một ngày mất khoảng 320 tỷ đồng. Cho nên chúng ta bàn về thiệt hại kinh tế do bật đèn pha so với những thiệt hại kinh tế do TNGT gây ra là không có gì có thể so sánh được. Tại Việt Nam những người tử vong do TNGT 80% trong độ tuổi từ 15-55 là trụ cột của gia đình, đây là những thiệt hại rất lớn”.
Mọi giải pháp ứng dụng khoa học kĩ thuật giúp giảm thiểu tai nạn giao thông đều rất đáng quý. Do đó, việc cần xây dựng một lộ trình hợp lí cho các quy định cũng như tổ chức mô hình thí điểm là việc cần làm ngay bởi ai trong chúng ta cũng đều hiểu rõ, tính mạng người mới là quan trọng nhất.