Thực tế, việc giảm thiểu sử dụng các người mẫu nữ đồng thời hạn chế trang phục "thiếu vải" luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Năm 2015, Triển lãm ô tô Trung Quốc (diễn ra tại Thượng Hải) đã cấm sử dụng người mẫu nữ, đồng thời khuyến cáo toàn bộ các thương hiệu tham gia nên tập trung vào chất lượng sản phẩm và công nghệ thay vì tận dụng người mẫu lăn lê trên những chiếc xe, từ đó nâng cao chất lượng và văn hóa cho các hoạt động tiếp thị sản phẩm.
Tuy nhiên, phải tới năm 2018, xu hướng nói trên của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu mới rõ nét hơn, thậm chí bùng nổ thành trào lưu mới. Thực tế, các nguồn tin của Bloomberg mới đây cho biết nhiều thương hiệu xe sẽ không sử dụng người mẫu nữ tại triển lãm quốc tế Geneva 2018, vốn là sự kiện quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp ô tô Châu Âu, dự kiến diễn ra từ ngày 8-3 tới tại Thụy Sĩ.
Tương tự như vậy, hãng xe Hàn Quốc SsangYong mới đây tuyên bố sẽ tiến tới kết hợp cả mẫu nam và nữ trong trang phục thể thao kín đáo hơn. Về phần mình, Lexus khẳng định sẽ không sử dụng bất cứ người mẫu nào tại triển lãm Geneva 2018, trong khi Fiat Chrysler Automobiles xác nhận đã hủy nhiều hợp đồng với các người mẫu nữ vì lo ngại những phản ứng tiêu cực từ #MeToo (trào lưu phản đối các hành vi lạm dụng tình dục). Tập đoàn xe sở hữu cả Maserati, Jeep và Alfa Romeo này cũng cho biết sẽ kết hợp sử dụng cả người mẫu nam và nữ với các trang phục lịch sự hơn tại khu vực trưng bày của mình.
Dĩ nhiên, không phải hãng xe nào cũng sẽ mạnh tay thay đổi ngay tức thời. Toyota và Nissan chỉ dừng lại ở việc tuyên bố sẽ không sử dụng trang phục quá thoáng cho người mẫu nữ của họ trong thời gian tới. Theo đại diện Nissan, việc chuyển hướng sử dụng các chuyên gia sản phẩm trên sân khấu cũng là một cách tiếp cận phù hợp đáng cân nhắc vào lúc này, đặc biệt là với những sản phẩm đậm chất kĩ thuật như ô tô.
Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận rằng, trong nhiều năm qua, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đến với các triển lãm hay sự kiện ô tô lớn đều bị phân tâm vào người mẫu, thay vì chú ý đến những chiếc xe. Thậm chí, nhiều khách tham quan nam giới cũng cho rằng sự hiện diện của người mẫu nữ quá nóng bỏng khiến họ ngại ngần tiếp cận các gian trưng bày và gặp khó trong việc xem xét những chiếc xe một cách kĩ lưỡng hơn. Mặt khác, sự hiện diện của trang phục thiếu vải hiển nhiên cũng không tốt đẹp gì cho trẻ em, nhóm đối tượng luôn góp mặt đông đảo tại các sự kiện ô tô.
Bên cạnh #MeToo, một yếu tố khác cũng được xem là nguyên nhân phát sinh quyết định nói trên. Thống kê năm 2016 cho thấy tỉ lệ nữ giới sở hữu ô tô tại Anh đã tăng 66% chỉ trong một thập kỷ. Đức, thị trường ô tô lớn nhất Châu Âu, chứng kiến 1/3 số xe bán ra về tay các khách hàng phái đẹp. Con số này thậm chí còn cao hơn tại Pháp, đạt tới 37%.
Việc tỉ lệ khách hàng nữ sở hữu và mua sắm ô tô trên toàn cầu đang ngày càng tăng lên khiến việc sử dụng người mẫu nữ với trang phục nhạy cảm trở nên phản cảm và phản tác dụng. Hướng đi mới thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh xe ô tô truyền thống, vốn lâu nay tận dụng các bóng hồng với kĩ năng mềm tốt và đôi khi là trang phục nhạy cảm nhằm thu hút khách hàng nam giới, từ đó bán được sản phẩm. Sau khởi đầu tại Mỹ và Châu Âu, xu hướng hạn chế sử dụng người mẫu nữ trong các trang phục khêu gợi sẽ lan tỏa nhanh chóng. Tại ASEAN, một số thị trường xe lớn như Thái Lan và Indonesia cũng sẽ sớm có sự thay đổi ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, việc tăng cường kiểm soát cũng phải đi đôi với chế tài đủ chặt chẽ. Trước đây, khi Trung Quốc cấm sử dụng người mẫu nữ trong các sự kiện ô tô, nhiều hãng xe của nước này đã đối phó bằng cách chuyển họ sang thành "nhân viên tiếp tân" hoặc "tư vấn bán hàng".
Nguyễn Thúc Hoàng Linh