![]() |
Thị trường xe điện Trung Quốc đang có sự cạnh tranh của cả trăm thương hiệu lớn nhỏ |
Trung Quốc hiện đang có thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đặc biệt là với phân khúc xe điện. Sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng và sự xuất hiện ồ ạt của nhiều thương hiệu mới, thị trường giờ đây đang dần bước vào giai đoạn trưởng thành hơn. Điều này thể hiện qua việc tốc độ tăng trưởng chậm lại và các thương hiệu nhỏ bắt đầu rút lui.
Một bài đánh giá quan sát được thực hiện bởi trang InsideEVs cách đây vài tháng cho thấy một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện (bao gồm cả xe điện thuần và plug-in hybrid) từng tham gia Triển lãm Ô tô Bắc Kinh 2024 đã ngừng hoạt động. Nhiều công ty trong số đó có vẻ vẫn ổn định vào thời điểm triển lãm diễn ra nhưng bây giờ đã phá sản. Theo một báo cáo mới từ công ty tư vấn AlixPartners, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai.
Tương tự các thị trường khác trên thế giới, một số doanh nghiệp sẽ phá sản, trong khi những doanh nghiệp khác có thể được những nhà sản xuất lớn hơn mua lại. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ từng trải qua một quá trình hợp nhất không thể tránh khỏi: từ 253 nhà sản xuất vào năm 1908, rồi con số này giảm còn 44 vào năm 1929 với phần lớn do ảnh hưởng của giai đoạn Đại Suy Thoái. Ngay cả sau khi nền kinh tế phục hồi, quá trình này vẫn tiếp diễn và dẫn đến sự hình thành của “Ba Ông Lớn” gồm General Motors, Ford và Chrysler.
Một bước chuyển dịch giống hệt như vậy được dự báo sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong những năm tới. Báo cáo của AlixPartners ước tính rằng chỉ khoảng 15 trong số 129 nhà sản xuất xe điện hiện nay sẽ còn tồn tại vào năm 2030. Các thương hiệu lớn này dự kiến sẽ đạt lương tiêu thụ trung bình khoảng 1 triệu xe mỗi năm.
![]() |
Dưới sự canh tranh khốc liệt, chỉ một vài thương hiệu sẽ có khả năng tồn tại lâu dài |
Cho dù báo cáo không nêu rõ tên các thương hiệu có khả năng tồn tại, nhưng những tên tuổi lớn như BYD, Geely, Changan và Chery được cho là sẽ nằm trong số đó. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty làm xe điện ở Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng cuộc chiến giá, và theo thời gian, hiện tượng này sẽ đẩy nhanh quá trình thanh lọc thị trường. Dù nhiều cơ quan quản lý địa phương đã kêu gọi các hãng xe không nên hạ giá quá mức, nhưng các hoạt động giảm giá vẫn tiếp tục diễn ra, thông qua các hình thức như ưu đãi tài chính hoặc bảo hiểm.
Trong năm ngoái, CEO của Xpeng, ông Hà Tiểu Bằng đã dự đoán rằng đa số các thương hiệu ô tô Trung Quốc sẽ biến mất trong vòng 10 năm, và sẽ chỉ còn lại khoảng 7 hãng lớn. Hồi đầu năm nay, giáo sư kỹ thuật ô tô Chu Tây Sản, trong một hội thảo của Tencent News, cho rằng các hãng như Xpeng, Nio và Li Auto khó có thể tồn tại độc lập nếu không thực hiện sáp nhập. Ông cũng nhận định rằng bất kỳ hãng xe nào có số liệu bán hàng dưới 2 triệu xe mỗi năm sẽ không thể duy trì được chi phí nghiên cứu – phát triển và sẽ bị tụt hậu về mặt công nghệ.
Để duy trì khả năng cạnh tranh và tồn tại, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đang mở rộng ra thị trường quốc tế. Báo cáo của AlixPartners dự đoán các thương hiệu Trung Quốc có thể tăng gấp đôi thị phần tại châu Âu, đạt 10% vào năm 2030. Hiện nay, nhiều mẫu xe điện Trung Quốc đã xuất hiện tại không ít quốc gia châu Âu, và một số hãng thậm chí đang mạnh tay đầu tư vào nhà máy trong khu vực này để tránh thuế nhập khẩu.
Tại thị trường nội địa, các thương hiệu Trung Quốc đang hoạt động rất tốt và chiếm 67% thị phần tính đến năm 2025. Người tiêu dùng nước này ngày càng ưu tiên lựa chọn thương hiệu nội địa thay vì các thương hiệu nước ngoài, ngay cả khi những thương hiệu nước ngoài đã tiến hành điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với thị hiếu dân địa phương. Tuy nhiên, ngay cả trong một thị trường đang tăng trưởng, mức độ cạnh tranh cao như thế cũng khiến việc duy trì hoạt động trở nên khó khăn đối với nhiều công ty.
Duy Thành