Thư kiến nghị "dừng khẩn cấp", dán khẩu hiệu tuyên truyền... hiệp hội taxi dường như đang tìm mọi cách để loại bỏ các hãng taxi công nghệ ra khỏi thị trường vốn đang cực kì đông đảo các hãng taxi truyền thống đủ loại mầu áo. Người tiêu dùng coi những hành động phản ứng ấy giống như một sự "giãy dụa" nhiều hơn là kế sách cạnh tranh bởi thay vì tự đổi mới mình để thích nghi với thời cuộc thì các hãng taxi lại đang dùng "mưu hèn kế bẩn" để mong vớt vát ánh hào quang đã mất.
Một cuộc chiến dẫu có gay cấn nhưng kết cục thì đã được định đoạt ngay từ khi Uber và Grab đặt chân tới Việt Nam. Với một nền kinh tế thị trường thì sự quyết định sống - còn sẽ chỉ do người tiêu dùng định đoạt chứ không phụ thuộc vào các trò ăn vạ ngoài đường.
Cần phải nhấn mạnh rằng, chính sự minh bạch mới là yếu tố quan trọng nhất khi các hãng taxi công nghệ mau chóng giành lợi thế và sự tin tưởng của khách hàng chứ không phải là giá cả hay khả năng phục vụ. Cuộc cách mạng công nghệ dường như đã tác động rất sâu đậm tới cuộc sống của mọi người mà nhờ nó họ được thực sự hưởng lợi.
"Bắn chậm thì chết", đó là tên một bộ phim cao bồi dường như rất hợp với cuộc chiến thị trường này. Kẻ chậm chạm và bảo thủ sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi.
Sẽ còn rất nhiều những cuộc chiến như thế này trong tương lai không xa bởi đây mới chỉ là phát súng mở đầu cho cuộc cách mạng 4.0 vốn vẫn còn đang rất mơ hồ trong suy nghĩ nhiều người.
Phạm Minh