Nhiều lần lỡ hẹn
Mặc dù được khởi công từ tháng 10-2013 nhưng đến nay, Dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh), với chiều dài gần 2km, mới chỉ hoàn thành được 2/3 khối lượng công việc. Mốc tiến độ là phải hoàn thành, thông tuyến vào cuối năm 2016 đã lỡ hẹn.
Nếu như đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh đến Ngã Tư Vọng (dài khoảng 1,3 km) đến nay đã cơ bản hoàn thiện, thì đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh đến Ngã Tư Sở vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng khu vực thuộc địa giới quận Đống Đa, tạo ra “nút thắt cổ chai” gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh chưa được mở rộng, thường xuyên xảy ra ùn tắc. |
Chia sẻ về điều này, chị Lê Minh Ngọc, công tác tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết, vượt qua cung đường này mỗi ngày là một cực hình. Nếu đi vào giờ cao điểm phải mất hơn 30 phút mới di chuyển được đoạn đường vài trăm mét, còn khi tắc thì không biết đến bao giờ...
Theo bác Nguyễn Mạnh Quân, 62 tuổi, nhà ở ngõ 66, phố Vương Thừa Vũ, Dự án mở rộng đường Vành đai 2 còn chưa xong thì nhiều chung cư, trung tâm thương mại xung quanh, như The Artemis (đầu phố Lê Trọng Tấn) đã đi vào hoạt động, tạo ra áp lực về người và phương tiện lên tuyến đường, khiến việc đi lại càng khó khăn hơn.
Theo ông Trương Thế Khôi, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Đống Đa, hiện trên địa bàn quận còn hơn 200 hộ gia đình nằm trong diện phải giải tỏa nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Trong số này, nhiều hộ đã nhận tiền đền bù, nhận nhà tái định cư nhưng vẫn tiếp tục cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Cùng với đó, ông Nguyễn Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng cho biết, công tác giải phóng mặt bằng cũng tồn tại một số khó khăn, như phương án được duyệt nhưng còn phải qua khâu xem xét lại của kiểm toán độc lập (do chủ đầu tư thuê), chưa giao được cho các hộ; rồi việc bàn giao nhà tái định cư cho người dân cũng chậm... ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. "Một vài hộ dân có đơn đề nghị mua thêm căn hộ tái định cư để thuận tiện trong sinh hoạt và ổn định cuộc sống.
Với những vấn đề này, lãnh đạo UBND phường đã báo cáo với Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Đống Đa để xem xét" - ông Nguyễn Hoàng Thắng nói.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 11/2017
Đây là mốc tiến độ đang được Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội, đại diện chủ đầu tư dự án đường Vành đai 2, và UBND quận Đống Đa nỗ lực thực hiện. Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, để hỗ trợ cho công tác thu hồi mặt bằng, bảo đảm an toàn trong quá trình phá dỡ công trình và tổ chức thi công các hạng mục dự án, Ban Quản lý dự án đã lập phương án, kế hoạch chi tiết từng phần việc.
Hiện tại, Ban đã lắp dựng hàng rào tôn phía trước những ngôi nhà mặt tiền trên đường Trường Chinh. Đối với công trình đã bàn giao, lực lượng chức năng bắt đầu cho máy móc vào phá dỡ. Ông Nguyễn Hoàng Thắng cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, từ cuối tháng 9-2017, UBND phường Khương Thượng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng. Các tổ công tác, ngoài lãnh đạo phường, còn có sự tham gia của các hội, đoàn thể: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc...
Đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 63 hộ gia đình chấp thuận nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Với những kiến nghị của người dân về nguồn gốc đất ngoài "sổ đỏ", hiện nay UBND quận Đống Đa đang rà soát lại. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thành phố đã phê duyệt mức điều chỉnh đền bù cho một số hộ dân, do vậy sẽ có một số hộ được hưởng mức đền bù cao hơn. Chẳng hạn, vị trí 1 có thể được điều chỉnh từ 66 triệu đồng lên 82 triệu đồng/m2.
Theo Ban Quản lý dự án, nguyên nhân của việc điều chỉnh này là do Dự án đường Vành đai 2 được triển khai qua nhiều giai đoạn, nên việc xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng áp dụng các chính sách khác nhau. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2013 các phương án đền bù căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003. Giai đoạn sau đó áp dụng Luật Đất đai năm 2013, nên các mức đền bù không thống nhất, dẫn đến phát sinh khiếu nại. Căn cứ ý kiến tham mưu của các sở, ngành, thành phố đã đồng ý điều chỉnh phương án bồi thường tại một số vị trí và áp dụng với những trường hợp chưa được phê duyệt phương án.
Hiện tại, các bộ phận đang rà soát, thống kê để xây dựng phương án cụ thể và làm việc với các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng để nhận tiền đền bù và ký cam kết bàn giao mặt bằng. Ban Quản lý dự án cho biết, phấn đấu đến hết tháng 11-2017 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thi công; đến quý I-2018 sẽ thông xe toàn tuyến.