Chuyển làn không quan sát, xe tải "đè đầu" Land Cruiser Bất ngờ va chạm với "vật thể lạ", cô gái ngã sõng xoài Trời mưa, đường ngập và văn hóa lái xe |
Nhiều cầu yếu xuống cấp nghiêm trọng
Cầu Chiếc nằm trên đường liên tỉnh 427 (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) nối từ quốc lộ 21 ra quốc lộ 1 được xây dựng cách đây hơn 40 năm, đến nay dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải và ùn tắc. Mặt cầu hiện tại là các tấm sắt chắp vá, mỗi khi xe tải đi qua lại rung lên bần bật.
Ông Phùng Tuấn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý xây dựng đường bộ 1 Hà Tây cho biết, năm 1996 cầu Chiếc được cải tạo, đến năm 2009 được liệt vào danh sách 1/34 cầu yếu của thành phố. Từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần phải gia cường cầu để tăng tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng do nằm trên đường độc đạo kết nối hai tuyến quốc lộ khiến cầu quá tải nghiêm trọng.
Do nhiều xe quá khổ, quá tải hoạt động nên Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết định cắm biển hạn chế tải trọng nhằm giữ ổn định cho cầu. Đặc biệt, cuối tháng 4/2017, khi TP Hà Nội mở tuyến buýt số 94 (Giáp Bát - Kim Bài) thì Sở đã phải đặt biển hạn chế, chỉ cho xe tải trọng dưới 10 tấn và chiều cao dưới 2,1 m lưu hành. Đơn vị đã phải bố trí bốt gác ứng trực 24/24 giờ để ghi chép lại lưu lượng xe qua cầu cũng như theo dõi những bất cập có thể xảy ra.
Tại cây cầu này, các nhân viên tuyến buýt số 94 phải làm một việc cực kỳ bất đắc dĩ. Đó là mỗi khi xe buýt qua cầu, phụ xe (mỗi người được trang bị một chìa khóa), phải xuống xe tự mở barie hạn chế chiều cao phương tiện. Nhiều lái xe xe quá tải thường lợi dụng lúc xe buýt qua cầu để đi theo. Vào ngày 22/6 vừa qua, một xe tải đã ngang nhiên đâm đổ barie hạn chế chiều cao ở một phía đầu cầu.
Cầu Chiếc (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) đã bị xuống cấp. Ảnh: Tuấn Lương |
Ngoài cầu Chiếc, hàng loạt cầu yếu khác cũng đang thấp thỏm chờ ngày được giải cứu. Như cầu Hạ Dục thuộc địa bàn hai xã Hồng Phong và Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) được xây dựng từ lâu, được cơ quan kiểm định đánh giá là rất yếu. Hiện, Sở GTVT đã phải cắm biển hạn chế tải trọng 10 tấn.
Hay như cầu Phú Thứ trên tỉnh lộ 420, thuộc thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất. Ông Phí Đình Phùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất cho biết, cầu được xây dựng từ những năm 1970, nằm trên tuyến đường huyết mạch của huyện. Khoảng 10 năm trước đây đã cắm biển hạn chế tải trọng nên các xe cỡ lớn không thể qua lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải, thông thương hàng hóa qua địa bàn. Từ năm 2013, dự án cải tạo cầu Phú Thứ được phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát song do không bố trí được nguồn vốn nên dự án phải dừng lại.
Đề xuất ưu tiên cải tạo 8 cầu yếu
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở cũng nhận thức rất rõ mối nguy hiểm tiềm ẩn của tình trạng cầu yếu hiện nay. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố rất khó khăn nên thời gian qua, đối với các cầu tạm, cầu yếu, vẫn tập trung vào công tác duy tu, duy trì nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Trước tính cấp bách, vừa qua Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội ưu tiên bố trí vốn để khởi công xây dựng 8 cây cầu yếu đã cơ bản đủ điều kiện để triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020.
Theo tính toán, 8 cây cầu nêu trên tuy có ý nghĩa rất quan trọng với giao thông khu vực nhưng đều thuộc loại hạng mục nhỏ, vốn đầu tư khoảng 10 - 115 tỷ đồng (tùy theo quy mô từng dự án). Trong đó, có những cầu đã được phê duyệt đầu tư từ những giai đoạn trước nhưng do khó khăn về bố trí nguồn vốn phải đình hoãn.
Chẳng hạn, ngoài cầu Phú Thứ được phê duyệt từ năm 2013 còn có cầu Hạ Dục, cầu Gốm, cầu Hồng Phú đã phê duyệt đầu tư từ năm 2012... Việc chậm trễ thực hiện sửa chữa, thay thế các cầu này đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các địa phương sở tại, gây ùn tắc giao thông, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cũng theo Sở GTVT, các dự án còn lại sẽ được nghiên cứu triển khai trong các giai đoạn tiếp theo khi đủ điều kiện.
Ông Phí Đình Phùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất kiến nghị: "Các dự án đều đã có, mong các cấp có thẩm quyền của thành phố xem xét, bố trí vốn đầu tư để sửa chữa, thay thế những cây cầu yếu, góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân khu vực và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương...".