Thi công đường sắt gây hỏng đường nhựa, ai chịu trách nhiệm? Mỗi km đường sắt đô thị Hà Nội tốn gần 2.200 tỷ đồng Bộ Giao thông vận tải lý giải việc ray đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị gỉ sét |
Ngày 14/9, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với ông Seko Hiroshige, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội bày tỏ vui mừng vì mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Hà Nội-Nhật Bản nói riêng ngày càng phát triển và gắn bó mật thiết. Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định trong những năm qua, tình hình xuất nhập khẩu, hợp tác du lịch và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Hà Nội với Nhật Bản đã có nhiều bước phát triển.
Hiện nay, 32 dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với giá trị trên 2,9 tỷ USD và nhiều dự án lớn nhỏ khác của nhà đầu tư Nhật Bản đang giúp diện mạo Hà Nội đổi thay từng ngày. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thành phố sẽ triển khai tổng cộng 10 dự án đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ USD. Hà Nội sẽ đa dạng các nguồn lực, từ vốn vay ODA và vốn xã hội hóa.
Giao thông Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+). |
Lãnh đạo Hà Nội mong muốn đối tác Nhật Bản sớm cho vay vốn để triển khai các dự án đường sắt đô thị, trước mắt, là nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị số 2. Hà Nội cũng cần được hỗ trợ trong việc đào tạo cán bộ quản lý dự án, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các dự án đối tác công tư (PPP) và mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vốn vay ODA cho một số dự án lớn tại Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiếp tục dành sự quan tâm hỗ trợ thúc đẩy hợp tác toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Hà Nội - Nhật Bản, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định thời gian gần đây, thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nhất là dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa tới thăm Nhật Bản, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác; trong đó, có các dự án lớn triển khai tại Thủ đô Hà Nội.
Vì vậy, mục đích chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lần này nhằm cụ thể hóa, triển khai các văn bản đã ký kết, đồng thời khẳng định mong muốn của Chính phủ Nhật Bản trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và thành phố Hà Nội, nhất là trên các lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm, thế mạnh như phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, xây dựng đường sắt đô thị, văn hóa, mô trường, du lịch...
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhấn mạnh Hà Nội đang phát triển mạnh về đô thị; trong đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị, đường sắt là những lĩnh vực rất cần thiết, có nguồn vốn lớn nên thành phố luôn chú trọng thu hút vốn đầu tư.
Chuyến thăm lần này của ngài Bộ trưởng là dịp để thành phố Hà Nội cụ thể hóa các chủ trương và tiến tới bắt tay vào nhiều công việc cụ thể. Đặc biệt, sau 4 năm đình trệ, Hà Nội muốn phía Nhật Bản đẩy nhanh cho vay vốn để triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả dự án đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Hai bên sẽ bàn bạc thành lập Ủy ban hỗn hợp để giải quyết những khó khăn của những dự án lớn và quan trọng sắp được triển khai.